Dân miền Nam, gọi hột é chớ không gọi hạt é. Cũng như hột gà, hột vịt chắc chắn là gốc trong Nam, vì chẳng nghe ai miệt ngoải gọi 'hạt gà, hạt vịt'.
Hột é là loại hột lấy từ bông cây é trắng. Tây gọi nó là lemon basil, Thai lemon basil hoặc Lao basil.
Hai tên gọi sau có kèm địa danh Thái và Lào là vì người dân ở hai xứ này thường xuyên sử dụng rau gia vị é trắng trong các món ăn của mình.
É trắng ban đầu là loại cây mọc dại ở các xứ miền Trung. Rồi thấy mùi thơm ngả theo hương chanh, hương sả của nó thật hấp dẫn, nên người dân mới thuần hóa nó. Dụng về ăn lá hơn là ăn hột.
Chính người Phú Yên biến nó thành một thứ gia vị nấu với thịt gà khiến dân Sài Gòn mê mẩn.
Do cái mê đắm ấy mà đâu đâu cũng mọc lên quán lẩu thịt gà lá é Phú Yên. Có người ở đây cả đời chỉ biết đến Phú Yên qua sách vở và qua món lẩu gà này.
Phú Yên là xứ non nước còn hữu tình hơn cả Nha Trang, nhưng "giai địa" ấy cũng chẳng khác nào nàng công chúa đẹp ngủ trong rừng, thiếu một nụ hôn của hoàng tử…
Trước khi biết đến lá é, từ nhỏ hột é đã nằm trong danh sách mê man của học trò, cùng với món trùng tên với cô Ba Sương, nông trường Sông Hậu. Đó là sương sa, sương sâm và sương sáo.
Nỗi buồn của ông Thành là do người ta nghe lời mị hoặc của các kẻ luyện môn "thổi lửa" thập thành công lực, chạy theo cái thứ hột chia giá mắc gấp ba, bốn lần hột é.
Hột é nở lớn hơn hột chia, lợi hơn hột chia. Nhưng hột chia nhờ những cái miệng thông qua ống thổi truyền thông, trở thành "siêu thực phẩm", bảo vệ xuân sắc…
Thứ được cho là bảo vệ xuân sắc là chất chống oxy hóa trong hột chia. Theo ông Thành, chất chống oxy hóa thì có đến vài trăm loại trong các thứ rau củ.
Theo ông, "hạt é cũng giàu chất xơ, nhiều chất chống oxid hóa, các loại polyphenols và flavonoids, nhiều khoáng, vitamin gì gì đó như hạt chia, và cũng lành mạnh đâu kém gì hạt chia, nhưng không ai màng nhắc tới!".
Tôi mới đi tìm hột é. Hai cái chợ gần nhà là chợ Hãng Phân và chợ Đoàn Văn Bơ (quận 4) không có. Chợ Thái Bình (hoặc Nguyễn Thái Bình, quận 1) có hai hàng.
Sau dịch, mới bán trở lại gần đây, ở gần cái nhà trẻ bên hông chợ trên đường Cống Quỳnh. Hàng của một bà và một ông.
Bà bán đủ thứ từ hột é, sương sa, sương sâm và sương sáo, mủ trôm vàng, mủ gòn trắng, hột ươi. Xin chụp hình các món, bà đồng ý, nhưng không cho chụp người với lý do: "Tui xấu lắm!"
Hột é được ngâm no nước và bán riêng thành từng bịch, mỗi bịch có thể pha được hai ly. Các loại đựng riêng từng bịch, 5.000 đồng/bịch. Riêng hột ươi và mủ trôm mắc hơn, 7.000 đồng bịch.
Đem các loại ta chọn về, tùy thích mà phối các thứ với nhau để ăn. Sài Gòn luôn luôn nực nội, nên các món giải khát, giải nhiệt này lúc nào cũng đắc dụng.
Như ta biết, hột é và lá é là một trong hai chọn lựa. Được lá thì mất hột, vì không cho cây é ra bông. Thường xuyên ngắt lấy lá đọt, để cây é phát nhánh.
Còn để cho cây é ra bông lấy hột thì do dùng sức nuôi hột, cây é sẽ mau tàn và chết. É vừa trồng bằng hột vừa giâm cành. Nếu chỉ lấy lá, người ta chọn giâm cành, mau ăn hơn.
Hột é khô cũng có rao bán trên mạng của một cơ sở ở quận Gò Vấp. Hột é loại 1 giá có lúc 160.000 đồng/kg, hột é xuất khẩu 200.000 đồng/kg. Gần đây, giá hột é xuất khẩu hạ xuống còn bằng hột loại 1.
Lâu ngày, ăn loại li hột é nước đường với đá làm như thấy lại cái thời nhảy chân sáo, ăn đủ thứ hàng vặt. Cũng có lúc hái bông é tía già lấy hột, ngâm thử thì thấy nó cũng nở, ăn cũng được. Như vậy đâu riêng gì hột é trắng…