Dân Việt

Chuyển động Nhà nông 17/01: Cam hữu cơ Hà Giang đạt mức giá cao kỷ lục

THDV 17/01/2022 14:18 GMT+7
Theo ghi nhận, giá cam Hà Giang năm nay đạt mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện giá thu mua cam hữu cơ tại nhà vườn được thương lái trả 28.000 đồng/kg, gấp đôi so với cam thường. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.

Chuyển động Nhà nông 17/01

Chuyển động Nhà nông 17/01.

Cam hữu cơ Hà Giang chạm mức giá cao kỷ lục

Theo ghi nhận, giá cam Hà Giang năm nay đạt mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện giá thu mua cam thường tại nhà vườn được thương lái trả từ 8.000 đến 12.000 đồng/kg tùy mẫu mã. Thế nhưng, đối với cam hữu cơ, thương lái thu mua với mức giá 28.000 đồng/kg, gấp đôi so cam thông thường. Toàn huyện Hàm Yên có diện tích hơn 24ha trồng cam theo hướng hữu cơ, trong đó diện tích cam hữu cơ là hơn 18ha, còn lại là hữu cơ chuyển đổi. Diện tích cam này tập trung chủ yếu tại thị trấn Tân Yên, xã Tân Thành, xã Nhân Mục. Tổng sản lượng cam hữu cơ ước đạt khoảng 80 tấn. Đến thời điểm này, các nhà vườn đã bán được khoảng 30% sản lượng cho hệ thống các nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội, TP. HCM... trong đó thị trường TP. HCM tiêu thụ chiếm 70% sản lượng.

Lào Cai dừng tiếp nhận xe chở trái cây tươi xuất khẩu Trung Quốc

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành văn bản hỏa tốc thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở trái cây tươi đến Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn để xuất khẩu. Thời gian bắt đầu từ 0h ngày 18/1 cho đến khi có thông báo mới. Theo tỉnh này, từ ngày 12/1, phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã khôi phục lại hoạt động nhập khẩu đối với các mặt hàng trái cây tươi qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Bắc Sơn. Tuy nhiên, do công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19 của phía Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu được triển khai rất nghiêm ngặt, nên năng lực thông quan hàng hóa đối với các mặt hàng trái cây tươi còn rất hạn chế. Vì vậy, tránh việc phương tiện đưa lên cửa khẩu bị ùn tắc, giảm thiểu rủi ro, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lào Cai tạm thời dừng đưa mặt hàng trái cây tươi lên cửa khẩu. UBND tỉnh Lào Cai cho biết sẽ tiếp tục hội đàm với tỉnh Vân Nam để tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao năng lực thông quan tại cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn đối với các mặt hàng trái cây tươi nói riêng và tất cả các loại hàng hóa nói chung.

Rau cần Hoàng Lương hướng tới thị trường xuất khẩu

Rau cần Hoàng Lương ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa, Bắc Giang) lâu nay đã nổi tiếng với chất lượng sạch, an toàn, có vị ngọt, giòn… đã được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận 'Chỉ dẫn địa lý' cho thương hiệu 'Rau cần Hoàng Lương' năm 2014. Nhằm củng cố, xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hiệu quả đề án hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, toàn xã có 110ha/180ha mô hình sản xuất rau cần theo tiêu chuẩn VietGAP, tại 5 thôn: Thanh Lâm, Thanh Lương, Đại Thắng, Đồng Hoàng, Ninh Giang. Rau cần Hoàng Lương hiện đã được xuất khẩu sang một số thị trường thế giới như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nga… mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo nhiều việc làm cho người lao động địa phương. 

Độc đáo quất bonsai cổ thụ tiền tỷ ở Hưng Yên

Chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán 2022, đây cũng chính là thời điểm đẹp nhất để các nhà vườn tung ra thị trường những loại cây cảnh đã được chăm sóc tỉ mỉ và cầu kỳ suốt một năm qua. Để tạo ra những tuyệt tác quất bonsai cổ thụ như thế này, chủ vườn ở Hưng Yên đã phải rất kì công để cho những quả quất ngả màu vàng, sai trĩu, sống khỏe trên gốc bưởi cổ thụ, tạo thành loại cây cảnh "độc nhất vô nhị" chờ người dân mua về chơi Tết. Thông thường sẽ phải mất khoảng 4 năm thì cây mới có thể sống và phát triển tốt. Chính vì chăm sóc kỳ công nên giá bán của mỗi cây quýt bonsai cũng không hề rẻ, lên đến hàng trăm triệu đồng. Mặc dù giá cao, nhưng theo các chủ vườn ở Hưng Yên, hầu hết số lượng quýt bonsai ở vườn đều đã được đặt mua hoặc thuê, chỉ chờ Tết là sẽ được khách rinh về chơi tết.