Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ do ông Nguyễn Vũ Quốc Anh làm Giám đốc và đại diện pháp luật đã thông báo giải thể vào cuối tháng 12/2021.
Ngoài Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu - Auto Investment Group (vốn điều lệ đăng ký 500.000 tỷ đồng), ông Quốc Anh cũng giải thể Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu - GAB Group (vốn điều lệ đăng ký 25.000 tỷ đồng).
Lý do được ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đưa ra là: Các cổ đông không thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu.
Xoay quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã thẳng thắn đưa quan điểm của mình về trường hợp này và nhiều công ty đăng ký vốn ảo ngất ngưởng rồi "quay xe", không góp vốn trong thời hạn quy định.
* Dư luận đang quan tâm về vụ siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng giải thể, không những vậy, Giám đốc công ty này cũng phải giải thể một công ty khác có vốn điều lệ đăng ký là 25.000 tỷ đồng. Quan điểm của ông thế nào về việc này?
Tôi cho rằng những người này không am hiểu về pháp luật. Họ tưởng rằng muốn đăng ký bao nhiêu thì đăng ký.
Nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp là hậu kiểm chứ không kiểm tra trước. Chỉ một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì phải chứng minh có vốn, còn những ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định không cần chứng minh.
Sau khi đăng ký vốn điều lệ thì có 90 ngày để các thành viên tham gia góp vốn đầy đủ. Nếu sau 90 ngày không góp vốn đủ và không giảm vốn xuống thì sẽ bị phạt.
Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ thanh tra và đưa biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đăng ký kinh doanh.
* Thời gian qua, có không ít trường hợp đăng ký vốn ảo và lần nào cũng khiến dư luận dậy sóng...
Tôi biết có nhiều bạn trẻ khi thành lập doanh nghiệp thì có vốn mấy trăm triệu hùn hạp nhưng lại ghi cho oai là vốn mấy tỷ đồng. Tâm lý là phải đôn lên như vậy thì mới có uy tín, mới ký được hợp đồng.
Thực tế, pháp luật không cấm đăng ký vốn ban đầu bao nhiêu. Khá nhiều doanh nghiệp mới đăng ký thành lập và số vốn đăng ký là vốn ảo. Do đó, khi xem số vốn doanh nghiệp đăng ký mới hàng năm, cần xem kỹ tránh những con số ảo.
Thực tế, trong giấy đăng ký kinh doanh cũng không ghi vốn bao nhiêu nữa. Như tại Singapore, chỉ 2 USD là đăng ký được. Thay vì vậy, cần coi lại ngành nghề đó, người đại diện pháp luật đó có bảo đảm hay không.
Những vụ việc đăng ký ảo thế này ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
Nó ảnh hưởng rất nhiều đến cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, nhất là cơ quan thống kê khi phải thống kê năm nay có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký, số vốn bao nhiêu. Khi đọc các báo cáo cũng phải chú ý vấn đề vốn đăng ký mới này.
Với bản thân doanh nghiệp không góp đủ vốn, bản thân họ là không thật thà khi đăng ký ảo. Do đó, giao dịch với những doanh nghiệp này phải cẩn trọng để tránh tình trạng bị lừa đảo.
Mức phạt "khai khống" vốn tối đa 20 triệu đồng
Theo quy định tại Nghị định 50/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi vi phạm kê khai vốn không trung thực, chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là từ 10 - 20 triệu đồng.
Đối với trường hợp không đăng ký đủ và đúng thời gian quy định sẽ bị phạt bổ sung tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp nếu có phát sinh sai sót, ảnh hưởng thiệt hại, buộc người đại diện pháp luật phải đứng ra thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.