Dân Việt

Vụ siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ giải thể: Tiền đâu mà góp, phạt nặng hơn để không chém gió

Hồng Phúc 18/01/2022 13:53 GMT+7
Xoay quanh chuyện siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ giải thể, chuyên gia cho rằng cần tăng mức phạt ít nhất bằng 10% số vốn điều lệ đăng ký đã khai khống, để chấm dứt tình trạng tùy tiện chém gió.

Dư luận vẫn dậy sóng trước vụ việc siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng giải thể (Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu - Auto Investment Group) sau khi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh chính thức thông báo với cơ quan chức năng.

Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ giải thể: Tiền đâu mà góp

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết các cổ đông không đủ tiền thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, như nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký lần đầu nên phải giải thể siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ông cũng giải thể một doanh nghiệp khác có vốn điều lệ đăng ký ban đầu 25.000 tỷ đồng, với lý do tương tự.

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh đăng ký thành lập 2 công ty này hồi tháng 5/2021. Thời điểm đó, dư luận, giới kinh doanh dậy sóng vì số vốn đăng ký thành lập của hai doanh nghiệp này quá "khủng"; thậm chí gấp đôi tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên sàn chứng khoán.

Trong khi ông này lại ở một căn nhà cấp 4 và dùng dịch vụ cho thuê văn phòng ảo ở Bitexco (quận 1, TP.HCM) và Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) để làm trụ sở.

Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng giải thể: Cần phạt mạnh hơn để không tùy tiện chém gió - Ảnh 1.

Nhà riêng của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, ông dùng dịch vụ cho thuê văn phòng ảo ở Bitexco cho siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ. Ảnh: Q.P.

Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM, nhận định gần đây, nổi lên thông tin hoạt động các doanh nghiệp từ đăng ký thành lập đến hoạt động thực chất, phân phối tài chính, vay vốn và trả nợ ngân hàng. Một số công ty lạm dụng, có ý đồ không trong sáng có quá trình thành lập công ty.

Đối với siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng giải thể, ông cho rằng ngay từ đầu, dư luận đã nghi vấn và theo dõi suốt từ thời gian thành lập đến nay cũng như động thái từ những người góp vốn.

"Các thông tin mà ông Quốc Anh đưa ra không khả thi, từ số vốn đăng ký quá lớn, lớn hơn bất cứ doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán đến phương án đăng ký kinh doanh, tổ chức sản xuất tạo doanh thu", chuyên gia nhấn mạnh.

Vụ siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ giải thể: Tiền đâu mà góp, phạt mạnh hơn để không chém gió - Ảnh 2.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA).

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết thêm không hiếm những trường hợp khai khống vốn ảo khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đầu năm 2020, một trường hợp đăng ký vốn điều lệ "khủng" cho doanh nghiệp mới thành lập đã từng xảy ra. Đó là Công ty CP Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC Interco) đăng ký thành lập ở Hà Nội với vốn lên tới 144.000 tỷ đồng. Dư luận cũng xôn xao, nhưng sau đó, các cá nhân góp vốn cho biết đã đăng ký nhầm.

Theo ông Hưng, nhiều bạn trẻ khi thành lập doanh nghiệp thì có vốn mấy trăm triệu hùn hạp nhưng lại ghi cho oai là vốn mấy tỷ đồng. Tâm lý là phải đôn lên như vậy thì mới có uy tín, mới ký được hợp đồng.

Nhiều hệ luỵ

Theo các chuyên gia, việc khai khống vốn điều lệ đăng ký ban đầu dẫn đến nhiều hệ luỵ. Về phía cơ quan quản lý, nhất là cơ quan thống kê khi phải thống kê năm nay có bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký, số vốn bao nhiêu, có thể gặp tình trạng "vốn ảo".

Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp rộng ra là môi trường kinh doanh, đầu tư cũng bị ảnh hưởng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng các doanh nghiệp khai khống vốn đăng ký kinh doanh là vi phạm đạo đức kinh doanh vì nói dối. Mức độ cao hơn là lừa đảo, khiến đối tác, khách hàng mất niềm tin, không tín nhiệm những doanh nghiệp đăng ký số vốn lớn.

"Các công ty này khiến gia tăng sự hoài nghi. Thực tế, nếu làm ăn đàng hoàng, ngay thời điểm đăng ký kinh doanh đã có quan hệ đối tác, chuẩn bị quá trình cung cấp nguyên vật liệu. Nhưng do các vụ ảo này mà những vụ sau này sẽ thiếu sự tin tưởng. Phải để sau 3 tháng, xác nhận mọi thứ chính xác mới dám bắt đầu khởi động, xác lập quan hệ kinh doanh", ông Dũng nói và khẳng định những vụ khai khống này sẽ là những tiền lệ xấu.

Cần mạnh tay hơn

Theo quy định hiện nay, cơ quan đăng ký doanh nghiệp không thẩm định số vốn góp ngay tại thời điểm đăng ký mà các cổ đông phải góp đủ vốn trong 90 ngày từ ngày được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp. Nếu cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, doanh nghiệp điều chỉnh số vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được trả đủ.

Vụ siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ giải thể: Tiền đâu mà góp, phạt mạnh hơn để không chém gió - Ảnh 4.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng theo quy định hiện nay về xử phạt, chế tài, kể cả theo quy định mới nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng thì vẫn quá thấp so với "bom" thông tin, tính chất PR cá nhân, công ty làm ảnh hưởng xấu môi trường kinh doanh.

Ông kiến nghị cần điều chỉnh Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định rõ vốn điều lệ đăng ký ban đầu, kiểm tra tính khả thi ngay từ đầu với số vốn tối thiểu bao nhiêu và chỉ cần chờ 1-2 tháng thay vì mức 3 tháng (90 ngày) như hiện nay.

"Nếu không góp đủ vốn phải chế tài mạnh. Hình phạt cần ít nhất bằng 10% số vốn điều lệ đăng ký khống. Luật phải quy định vậy mới sợ. Người đăng ký cũng phải đọc kỹ luật phải đảm bảo chắc chắn, không thể tùy tiện chém gió", ông Dũng thẳng thắn.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, trường hợp thấy có dấu hiệu nghiêm trọng, khai khống, lừa đảo thì phải xử lý hình sự, yêu cầu phong tỏa tài sản, cấm thành lập doanh nghiệp trong vài năm, thậm chí điều tra về những ý tưởng ảo, dẫn đến nhiều hệ luỵ cho môi trường đầu tư, kinh doanh.