Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Đinh Phương Lan, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục Thăng Long Academy cho biết có rất nhiều tâm tư về việc mở cửa lại trường mầm non sau nhiều tháng dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cô Lan đề xuất, để nhà trường và cha mẹ có sự chuẩn bị kỹ càng, trẻ mầm non ở Hà Nội có thể đi học trở lại sau Tết Nguyên đán nửa tháng đến 1 tháng. "Hãy để phụ huynh và nhà trường tự chọn giải pháp cho mình theo hoàn cảnh của bản thân và đánh giá cá nhân về nguy cơ dịch bệnh. Phụ huynh nào muốn cho trẻ đến trường thì sẽ cho đi. Phụ huynh nào có đủ điều kiện giữ con ở nhà thì cứ làm như vậy. Đừng ràng buộc tất cả theo một phương án...", cô Lan bày tỏ.
Cô Lan chia sẻ: "Rẽ ngang từ ngành học tài chính sang làm giáo dục từ năm 2002 là quãng đường không bằng phẳng nhưng lại thật hạnh phúc đối với tôi khi có 3 cơ sở và 400 học sinh theo học. Nhưng dịch bệnh Covid-19 bất ngờ ập đến. Tôi là một trong số ít những chủ trường lập hẳn quỹ dự phòng khẩn cấp cho doanh nghiệp con quản lý mấy trường mầm non tư thục nhưng quỹ cũng không trụ được qua mấy tháng nghỉ dịch.
Hiện tôi tổng chi trả hàng tháng khoảng 360 triệu đồng sau khi đã được miễn giảm khá nhiều tiền thuê mặt bằng. Một cơ sở mới đưa vào hoạt động từ tháng 3/2021 thì hết tháng 4/2021 đã tạm dừng đến bây giờ mà không có bất kỳ khoản thu nào. Tất cả chủ trường mầm non như tôi có lẽ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh bởi vì đầu tư khá lớn vào cơ sở vật chất, đồng thời lại phải có trách nhiệm duy trì đội ngũ ở mức tối thiểu.
Căn hộ bán đi, sổ tiết kiệm rút về, lần hồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã 2 năm. Trong 2 năm đó không chỉ là xót xa những tổn thất của bản thân, mà còn là mỗi ngày chứng kiến sự tan hoang của một nhóm ngành nghề mình đã yêu và đã được công nhận. Không chỉ là tiếc nuối khi những giáo viên giỏi nhất phải bỏ nghề vì cơm vì áo, mà còn là nỗi buồn khi chứng kiến hàng triệu đứa trẻ đã bỏ qua thời điểm vàng để phát triển trong 4 bức tường".
Chia sẻ về việc liệu mở cửa trường mầm non liệu có an toàn cho trẻ hay không, cô Lan cho hay: "Tôi vẫn nghĩ là các tổn thất của mình là xác đáng để góp phần chống dịch cho tới khi nói chuyện này với bạn bè làm mầm non ở Australia, Malaysia, Singapore. Ở đâu tôi cũng đều nhận được những ánh mắt ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.
Các nước bạn đều ưu tiên duy trì để trường mầm non được mở hầu như suốt thời gian chống dịch, khi dịch bệnh lên đỉnh điểm mầm non có thể nghỉ một thời gian ngắn xem xét đánh giá sau đó ngay lập tức lại được mở ra trước tất cả các cấp học lớn hơn. Tôi có hỏi về điều đó, thì được trả lời bởi vì trường mầm non rất an toàn so với các tổ chức ngành nghề dịch vụ khác.
Vốn dĩ giáo dục là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể là một trường mầm non lập ra cần đạt thêm rất nhiều điều kiện để bảo đảm an toàn bao gồm khám, kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho giáo viên nhân viên, điều kiện vệ sinh khử khuẩn phòng ốc trang thiết bị đồ dùng học tập, điều kiện tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho bếp ăn, bắt buộc phải có phòng y tế và gần đây nhất là các quy trình đón trả trẻ tại cổng, phụ huynh không vào trường để thực hiện vệ sinh khử khuẩn.
Như vậy, khi muốn áp dụng các biện pháp phòng tránh Covid-19, một ngôi trường ngay lập tức đã có đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người để thực thi. Nhà trường cũng có mối quan hệ hai chiều chặt chẽ với phụ huynh để liên tục khảo sát, nắm được lịch trình đi lại, đau bệnh của gia đình học sinh. Quản lý tốt những yếu tố đầu vào hoàn toàn có thể biến ngôi trường thành một vùng xanh an toàn cho học sinh. Điều này chắc chắn không có được ở những nhà hàng, siêu thị, văn phòng… nơi mà những giao thoa giữa con người với con người rất khó có thể kiểm soát.
Khi xét về nguồn tiếp xúc của trẻ mầm non, các bé tiếp xúc với người lớn chủ yếu thông qua hai nhóm đối tượng là người thân và cô giáo, bạn bè. So với người thân của các bé làm đủ các ngành nghề, thì giáo viên mầm non có lịch trình tiếp xúc thuần tuý hơn do tính chất công việc ít di chuyển và giao lưu. Về phía bạn bè, việc trẻ nhỏ lây bệnh qua các bạn là rất đáng lưu tâm tuy nhiên các bạn khi vào trường đều được sàng lọc khá kỹ qua hai lớp bảo vệ đó là thông tin y tế của các gia đình và kiểm tra thân nhiệt trước khi vào trường".
Cô Lan cho rằng: "Cha mẹ có quyền định đoạt đối với con mình bao gồm quyền lựa chọn nơi chốn học tập cho các cháu. Quyền lựa chọn phải được dựa trên cơ sở những hoạt động hợp pháp, phù hợp hoàn cảnh và nhu cầu từng gia đình. Khi nhu cầu gửi con là bức thiết nhưng trường học vẫn đóng cửa thì việc những nhóm học chui phát sinh để đáp ứng là một điều tất yếu.
Do là những nhóm hoạt động chui nên tất cả những biện pháp an toàn kể trên sẽ khó được thực hiện đầy đủ. Việc kiểm tra đôn đốc của các cơ quan chức năng quản lý về giáo dục cũng không thể thực hiện. Vô hình chung, phụ huynh buộc lòng phải đưa con em mình vào những hoạt động bất hợp pháp và tiềm ẩn rủi ro.
Cha mẹ học sinh là người có quyền tối cao để quyết định con đi học hay ở nhà, và quyền lựa chọn hợp pháp chỉ có thể thực hiện khi có trường mầm non để các bé đi học. Chưa kể đến những hệ luỵ của cả một thế hệ trẻ em của đất nước khi không có cơ hội tiếp cận giáo dục sớm. Chưa kể đến những đứt gãy trong hệ thống giáo dục mầm non do các nhà đầu tư trường học quay lưng, giáo viên bỏ nghề và thanh niên thì không lựa chọn ngành học sư phạm mầm non".
"Bạn bè, người thân xa lánh vì sợ tôi hỏi vay tiền"
Cô N.H, chủ trường mầm non ở quận Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự: "Một năm nộp tiền mặt bằng để không, vừa đầu tháng 1 lại có giấy hẹn nộp tiền mặt bằng nữa, tôi đọc mà nước mắt tuôn rơi. Tiền đâu để nộp bây giờ? Tôi cố cầm cự để mong chờ ngày mở cửa trở lại nhưng lại thấy bế tắc không lối thoát. Chúng tôi đều hy vọng ra Tết học sinh được đi học nhưng không có văn bản nào nhắc đến học sinh mầm non.
Tôi bắt đầu thành con nợ, chủ nhà hối thúc trả tiền, giáo viên hỏi quà Tết trong khi bản thân tôi vẫn còn đang chạy vay mượn chưa đủ. Bạn bè, anh em xa lánh tôi, họ không dám nghe điện thoại vì sợ tôi hỏi vay tiền...".