Trong lần siêu âm tim thai khi được 20 tuần tuổi, thai nhi được chẩn đoán bị chuyển vị đại động mạch. Ở bệnh lý này, hai động mạch quan trọng có chức năng vận chuyển máu từ tim đến phổi và đến các cơ quan trong cơ thể không được kết nối như bình thường, động mạch chủ của bé nối với tâm thất phải, trong khi bình thường nó phải nối với tâm thất trái khiến hai nguồn máu nuôi cơ thể bị đảo vị trí.
Đây là dị tật tim nguy hiểm cho trẻ sơ sinh vì ảnh hưởng trực tiếp đến tuần hoàn máu nuôi não và các cơ quan. Trong thai kỳ, chủ yếu trẻ sơ sinh được hỗ trợ tuần hoàn từ tim của mẹ, nên thai trong bụng mẹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều khi mắc bệnh này. Nhưng khi em bé chào đời, khiếm khuyết này làm thay đổi tuần hoàn máu của cơ thể, nguy hiểm là nếu không được can thiệp sớm chắc chắn bé sẽ tử vong.
ThS BS. Cao Đằng Khang - Trưởng khoa phẫu thuật tim trẻ em - chia sẻ: "Áp lực đầu tiên khi điều trị cho trường hợp này là bé còn quá nhỏ và các thủ thuật can thiệp bắt buộc phải làm ngay sau khi bé sinh ra, bé này còn bị nhiễm trùng sơ sinh nặng.
Trong điều kiện bình thường đã có nhiều nguy cơ, thật không may là thời gian đó lại nằm trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19. Vì vậy, dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là mặt thiếu hụt nhân sự khi các bác sĩ của bệnh viện đã được huy động phần lớn cho công tác chống dịch. Xác định đây là tình hình cấp bách để cứu sống một sinh mạng, chúng tôi đã cố gắng dùng mọi cách có thể."
Để điều trị cho bệnh nhi được diễn ra suôn sẻ nhất, bệnh viện đã phối hợp liên chuyên khoa giữa Trung tâm tim mạch và khoa sơ sinh, ê kíp gây mê hồi sức - tim mạch có chuyên môn cao: Bác sĩ sản nắm được diễn tiến của thai kì và quá trình chuyển dạ; Bác sĩ sơ sinh chăm sóc bé ngay khi chào đời; Bác sĩ can thiệp tim bẩm sinh thực hiện thủ thuật can thiệp ngay sau sinh; Bác sĩ phẫu thuật tim bẩm sinh lên kế hoạch mổ ngay sau sinh...
Ngay sau sinh, bắt buộc bé phải có sự hòa trộn máu để đủ máu nuôi cơ thể. Vì vậy các bác sĩ quyết định phá vách liên nhĩ tạo dòng máu trộn trong tim nhằm tăng lượng máu đỏ (máu giàu oxi) ra ngoài đi nuôi cơ thể, đảm bảo mức độ ô-xy ở mức không quá thấp đồng thời dùng thuốc để duy trì ống động mạch.
Sau khi được can thiệp và hồi sức ngay sau sinh, bé có thêm tình trạng nhiễm trùng sơ sinh nặng đòi hỏi phải điều trị chống nhiễm trùng tích cực để đảm bảo cho cuộc phẫu thuật. Bé được phẫu thuật và sửa chữa toàn bộ tổn thương trong tim vào lúc 10 ngày tuổi. Cuộc mổ đã giúp sửa chữa lại dị tật đảo ngược bẩm sinh của hai đại động mạch, giúp cấu trúc và sinh lý của tim trở về bình thường.
Mặc dù cuộc phẫu thuật đã diễn ra suôn sẻ như dự kiến nhưhg tình hình nhiễm trùng sơ sinh và nhiễm trùng sau mổ đòi hỏi phải được điều trị kéo dài hơn một tháng, rất may mắn bé đã hồi phục, hết nhiễm trùng và xuất viện với một trái tim hoạt động bình thường.