Dân Việt

Bộ LĐTBXH quyết tâm xây dựng nền tảng số để đáp ứng nhu cầu thay đổi thị trường lao động

Hồng Ngọc - Nguyệt Tạ 18/01/2022 20:16 GMT+7
Ngoài những thành tựu đạt được trong công tác hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh năm 2021, ngành lao động vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức tồn tại, cần được khắc phục triệt để.

Đây là thông tin được Cục Việc Làm đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 vào ngày 18/1/2022. Hội nghị với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh, Cục trưởng Cục việc làm và đại diện các Vụ pháp chế, Cục an toàn lao động, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Viện KHLĐXH...

Thành công đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết năm 2021 là năm đặc biệt của Cục việc làm do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến người lao động và người sử dụng lao động. Thị trường lao động bị đứt gãy, số người lao động bị nghỉ việc, mất việc rất lớn, khiến thu nhập người lao động bị giảm sút nghiêm trọng. Đây là thách thức tuy nhiên cũng là cơ hội để Cục việc làm thực hiện thành công việc đảm bảo lưới an sinh xã hội cho người dân. 

Cụ thể, trong năm qua Cục Việc làm đã chủ động nắm thông tin, tình hình lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Từ đó tham mưu, đề xuất và hướng dẫn triển khai thực hiện các gói an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng lao động gặp khó khăn. Việc này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là nhóm lao động tự do, lao động nông thôn, người thất nghiệp …

Thứ trưởng bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh nhận mạnh sự thay đổi của ngành lao động

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh việc biểu dương kết quả đã đạt được năm 2021, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng chỉ rõ những tồn tại hạn chế cần được giải quyết.

“Các chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn, việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách còn bị động so với diễn biến dịch. Hệ thống chính sách lao động, việc làm thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể cho các nhóm lao động yếu thế, đặc thù. Thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động và tình trạng nợ đọng BHTN kéo dài, trục lợi BHTN vẫn diễn ra. Thêm vào đó, tiến độ văn bản, dự án còn chậm, chưa chủ động truyền thông cho báo chí, người lao động và người dân”. 

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu Cục Việc Làm phải thích ứng linh hoạt với tình hình diễn biến dịch bệnh. Song song với đó là ổn định phát triển thị trường lao động nhằm phục hồi thị trường lao động trong năm tới.

“Phải chuyển đổi số để đáp ứng sự thay đổi linh hoạt của thị trường lao động”

Đây là ý kiến được nhấn mạnh xuyên suốt hội nghị triển khai nhiệm vụ 2022 của Cục Việc làm. Hiện nay, thị trường lao động đang biến đổi không ngừng, ngành lao động buộc phải thay đổi thể chế để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phải có một hạ tầng số kết nối toàn quốc trên không gian mạng. Đây là thách thức rất lớn yêu cầu Cục việc làm phải đổi mới toàn diện cách thức quản lý và hệ thống điều hành hoạt động. Xây dựng trường thông tin quản lý về lao động việc làm, kết nối cung cầu lao động, kể cả lao động nước ngoài tại Việt Nam hay người lao động việt tại nước ngoài. Chỉ có sự kết nối hệ thống quốc gia như vậy mới tạo sự thông suốt, cập nhật được thị trường lao động từ trung ương đến địa phương.  

Đại diện Viện KHLĐ&XH nhấn mạnh: “Việc số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động rất quan trọng trong điều hành quản lý. Đặc biệt là trong triển khai các chính sách hỗ trợ ngắn hạn hoặc dài hạn lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.  

Việc đổi mới trong quản lý lao động trên hạ tầng số sẽ giúp cho việc xây dựng lưới an sinh xã hội được tốt hơn đồng thời giúp việc triển khai các chính sách hỗ trợ được hoàn thiện. 

9 nhiệm vụ trọng tâm Cục Việc làm trong năm 2022:

- Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động, việc làm: Tập trung xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Việc làm.

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình hỗ trợ việc làm, khôi phục và phát triển thị trường lao động.

- Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là xây dựng các cơ sở dữ liệu về lao động, việc làm đồng bộ, hiện đại, có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao năng lực phân tích, dự báo thị trường lao động; kết nối cung - cầu lao động.

- Đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm qua NHCSXH từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của NHCSXH theo hướng bền vững, hỗ trợ tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, lao động di cư trở về từ các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

- Nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có chính sách BHTN, tập trung giám sát tình hình thực hiện chính sách BHTN, khắc phục tình trạng nợ đọng, trục lợi BHTN, mở rộng đối tượng tham gia BHTN; chỉ đạo các TTDVVL chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

- Tăng cường công tác quản lý lao động, trong đó có lao động nước ngoài tại Việt Nam.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực việc làm, trước mắt, tập trung triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực BHTN.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phục hồi và phát triển thị trường lao động trong các CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài và thực hiện chính sách BHTN; đẩy mạnh và đa dạng hóa các kênh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật về lao động, việc làm, thông tin thị trường lao động.