Về bản chất, khi mua cổ phiếu của một công ty, người ta đã giao đồng tiền xương máu, hy vọng và ước mơ của mình cho công ty ấy làm ăn. Nếu công ty thua lỗ, người giữ cổ phiếu cũng thua lỗ theo, nếu công ty phá sản thì chắc chắn người giữ cổ phiếu cũng mất sạch tiền.
Vì vậy, vụ "bán chui" 74,8 triệu cổ phiếu trị giá khoảng 1600 tỷ đồng nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch của vị chủ tịch tập đoàn FLC, là một sự cố hết sức đáng tiếc không chỉ với chính ông và FLC cũng như hệ sinh thái bao gồm nhiều công ty liên quan, mà còn gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng lên toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những di chứng lâu dài
Tác hại không chỉ là nhiều ngày thị trường xuống giá và làm mất hàng trăm ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư, mà còn là nhiều năm mất lòng tin vào sự minh bạch của thị trường và đạo đức kinh doanh của chủ doanh nghiệp.
Uỷ ban Chứng khoán đã quyết định hủy toàn bộ giao dịch bán chui 74.8 triệu cổ phiếu FLC của ông chủ công ty này, và đó là một quyết định đúng đắn, dũng cảm và kịp thời, tạo một án lệ cho các vụ vi phạm tương lai.
Nhưng lòng tin như tờ giấy, khi đã bị vò nhàu rồi thì rất khó phẳng lại như cũ. Mất bao nhiêu năm tháng nữa, để những người mua hàng trăm triệu cổ phiếu FLC ở ngay mức giá đỉnh (trên 20) quên đi được nỗi đau chứng kiến khoản đầu cơ của mình mất giá 7% mỗi ngày liên tục cả tuần? Và điều quan trọng là người ta sẽ không còn niềm tin chân thành và vô tư vào tuyên bố của những ông chủ doanh nghiệp nói chung chứ không chỉ riêng ông sếp FLC.
Hàng ngàn tỷ đồng mất đi nhanh chóng chỉ vì một mã cổ phiếu, đó là một số tiền rất lớn, nhưng vẫn nhỏ hơn so với uy tín một doanh nhân lớn.
Với chính hệ sinh thái của FLC, đây cũng là một sự cố nghiêm trọng. Ai cũng biết rằng hãng hàng không Bamboo Airways là một thành viên lớn trong hệ sinh thái này, và theo các thông báo từ hãng này thì Bamboo Airways đặt mục tiêu huy động 200 triệu USD qua IPO tại Mỹ, thông qua phát hành 5-7% cổ phần, nâng vốn hoá của hãng lên 4 tỷ USD.
Sau vụ bán chui của ông chủ, và sau án phạt của UBCK về vụ giao dịch này thì có thể Bamboo Airways sẽ gặp nhiều khó khăn với kế hoạch IPO kể trên. Đây là một điều hết sức đáng tiếc với hãng hàng không này, vì mặc dù mới ra đời nhưng nó đã phát triển rất nhanh và được đánh giá cao về chất lượng phục vụ.
Thị trường chứng khoán Mỹ cực kỳ nghiêm khắc với các giao dịch nội gián và các án phạt không chỉ đánh vào túi tiền người vi phạm mà nhiều khi còn là án hình sự. Với hàng trăm năm kinh nghiệm giao dịch thị trường chứng khoán, người Mỹ quá hiểu rằng niềm tin là vàng ròng trên thị trường, không giữ được niềm tin của nhà đầu tư thì thị trường sẽ sụp đổ nhanh chóng như một lâu đài xây trên cát.
Tự doanh cổ phiếu hay uy tín?
Tại sao người ta lại nghiêm khắc như vậy với các giao dịch nội gián và những giao dịch cổ phiếu số lượng lớn của các chủ doanh nghiệp trên sàn chứng khoán?
Nguyên nhân rất đơn giản: Do giá cổ phiếu cực kỳ nhạy cảm với tin tức. Trong ngắn hạn thì mọi tin tức về doanh nghiệp đều tác động tức thời lên giá cổ phiếu. Một dự án lớn mới được ký, một sự tăng trưởng doanh thu bất ngờ, một sản phẩm mới,… có thể đẩy giá cổ phiếu lên nhiều phần trăm. Và dĩ nhiên những tin tức bất lợi cho công ty cũng làm giá cổ phiếu giảm rất nhanh chóng.
Và liệu còn ai trên đời này nắm được tin tức doanh nghiệp tốt hơn là chính các lãnh đạo của nó, đặc biệt là chủ tịch? Thậm chí chủ tịch công ty còn là người duy nhất có thể tạo tin tốt và xấu cho doanh nghiệp, và nhờ vậy mà tác động lên giá cổ phiếu công ty mình.
Thị trường chứng khoán là nơi rất không công bằng về khả năng tiếp cận tin tức. Các nhà đầu tư nhỏ gần như phải tự lần mò trong một mê cung tin tức thiếu sáng và đầy cạm bẫy. Có thể nói đó là một ván bài mà nhà đầu tư nhỏ phải chơi với một kẻ không những có rất nhiều tiền mà còn biết rõ từng quân bài của họ, thậm chí có thể chia bài cho họ.
Do đó, một chủ tịch công ty mà tự doanh (tự mua bán) cổ phiếu của mình là một điều nên tránh, thậm chí có thể nói là tối kị. Nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp lớn trên thế giới hầu như không bao giờ bán cổ phiếu của mình nếu không có lý do thực sự chính đáng như li hôn, nộp thuế hoặc làm từ thiện. Họ làm như vậy để giữ niềm tin cổ đông.
Và nếu như việc các ông chủ lại đi tự doanh cổ phiếu của mình đã là một điều nên tránh dù có công khai tin tức theo đúng luật, thì việc bán chui hay mua chui cổ phiếu của mình hiển nhiên là những hành động đáng tiếc và cần được chế tài nghiêm túc, vì thực tế là họ đã kiếm lợi bằng cách lợi dụng niềm tin của nhà đầu tư.
Cần lấy lại niềm tin cho thị trường
Thực ra những vụ việc như thế này đã, đang và sẽ xảy ra ở mọi nơi, kể cả ở thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ. Lòng tham con người là vô đáy, và rất ít người đứng vững trước cám dỗ kiếm lợi nhanh chóng từ vị thế của mình, bất chấp những tác hại lâu dài.
Vả lại, người ta vẫn nói là trí nhớ con người rất ngắn hạn và dễ bị lòng tham che khuất. Ông Chủ tịch FLC chưa lần nào bị xử phạt nặng như lần cuối cùng này: Khoản phạt 1,5 tỷ đồng từ Uỷ ban Chứng khoán nhà nước – mức cao nhất theo quy định, và đình chỉ giao dịch 5 tháng. Và đây không phải lần đầu tiên ông làm điều này. Nhưng nhà đầu tư rất mau quên. Nếu không có các biện pháp mạnh kể cả về luật và về kỹ thuật thì rất khó tránh một vụ tương tự xảy ra trong tương lai.
Nhiều người đã đề nghị phải sửa đổi luật để nâng án phạt lên cao hơn, nhưng ngay cả về mặt kỹ thuật thì UBCK cũng có thể cấm giao dịch các tài khoản nhất định theo đúng luật đã đề ra, phạt nặng các công ty chứng khoán tiếp tay cho hành động này.
Đành rằng con người vẫn nên có lòng tin với nhau, nhưng nhà nước đôi khi phải đứng ra để duy trì lòng tin ấy và có hình thức xử lý những kẻ lợi dụng lòng tin của người khác.