Phút giao thừa thương kẻ nghèo, Người đứng lặng...
Chiều cuối năm Tân Sửu 2021, trong tiết trời se lạnh, chúng tôi tìm đến ngõ 16 phố Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây, đúng 60 năm về trước, vào đêm giao thừa Tết Nhâm Dần (1962), Bác Hồ đã đến thăm một gia đình diện "nghèo nhất Hà Nội". Đó là gia đình cô Nguyễn Thị Tín (khi đó ngoài 40 tuổi). Cô Tín là người góa chồng, hàng ngày phải đi gánh nước, bổ củi thuê... để có tiền rau cháo nuôi 5 con thơ.
Con ngõ nhỏ nằm trên tuyến phố trung tâm của Thủ đô nay đã thay đổi nhiều so với trước. Gia đình bà Tín và một số gia đình từng sinh sống tại đây cách đây hơn nửa thế kỷ đã chuyển đi nơi khác. Nhà cửa cũng đã thay đổi.
Biết chúng tôi đến tìm hiểu câu chuyện Bác Hồ đến ngõ nhỏ này để thăm gia đình một người dân nghèo, chị Phạm Thanh Thủy (52 tuổi) vui vẻ cho hay, chị có biết câu chuyện đó. Các thế hệ gia đình chị Thủy đã có hơn một thế kỷ sống tại con ngõ này, chị bảo lúc nhỏ chị đã nhiều lần được nghe những người già trong ngõ nói về câu chuyện Bác Hồ đã tới đây thăm người dân nghèo.
Chị Thủy cho biết, đa phần những người già ở đây được chứng kiến Bác Hồ tới thăm nhà cô Tín năm xưa đã qua đời, người còn sống cũng già yếu, nhiều người mới chuyển đến sinh sống không biết chuyện. Còn với chị, dù là thế hệ hậu sinh nhưng câu chuyện kỷ niệm về vị Lãnh tụ kính yêu trong đêm giao thừa đến thăm người dân nghèo khó luôn được chị lưu giữ.
Chúng tôi đến gặp GS-TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, là người nổi tiếng kể chuyện về Bác Hồ, được ông thông tin: Tối 30 Tết năm Nhâm Dần 1962, Bác đến thăm gia đình cô Nguyễn Thị Tín trong ngõ 16 phố Lý Thái Tổ. Nhà cô Tín ở sâu cuối ngõ, tềnh toàng. Sắp đến giao thừa mà người phụ nữ này vẫn phải tất tả với từng gánh nước thuê để có tiền lo cho các con. Khi Bác bước vào nhà, cô Tín sửng sốt nhìn Bác, chiếc đòn gánh tuột khỏi vai, đôi thùng sắt rơi xuống đất kêu loảng xoảng. Cô chạy tới ôm chầm lấy Bác mà khóc, nói: "Những người như cháu không ngờ được Bác đến thăm".
Nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác ơi tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông mọi kiếp người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc của Bác cũng nói: Trong trái tim mênh mông của Bác, có chỗ chứa cho tất cả mọi người!
Chờ cho cô Tín bớt xúc động, Bác nói: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai? Bác nhìn cô Tín và các cháu một cách trìu mến và ân cần hỏi về công việc, về tình hình gia đình. Bác tỏ ý hài lòng khi biết dù hoàn cảnh khó khăn, bữa cơm, bữa cháo nhưng cô Tín vẫn cố gắng cho các con đi học.
Nghe tin Bác Hồ đến thăm nhà cô Tín, bà con trong ngõ ùa tới quây quần trước sân, ai nấy đều xúc động vì được gặp Bác, hay tin Bác đến thăm hộ dân nghèo... Bác an ủi, động viên mọi người đoàn kết, thương yêu nhau vượt qua khó khăn.
"Việc Bác Hồ đến thăm nhà cô Tín chỉ đơn sơ, giản dị như vậy nhưng chan chứa tình thương yêu, sự chia sẻ, đồng cảm giữa lãnh tụ với người dân nghèo khổ" - GS Hoàng Chí Bảo nói.
Vẫn theo GS Hoàng Chí Bảo, khoảng những năm 90 của thế kỷ XX, có bài thơ xuất hiện trên báo trong dịp đầu xuân với tiêu đề "Có một thời", tác giả là ông Bùi Từ Thiện (lúc đó là cán bộ của tỉnh Lai Châu). Trong bài thơ, tác giả viết về những hình ảnh ngày xưa trong lịch sử với các triều đại "vua sáng, tôi hiền" luôn chia sẻ, đồng cảm với người dân của mình. "Đặc biệt bài thơ có đoạn nói về Bác Hồ, với những câu rất cảm động: Có một thời giữa tối ba mươi/Chủ tịch nước đến thăm người nghèo nhất/Phút giao thừa thương kẻ nghèo, Người đứng lặng/Và nhân dân thành kính gọi tên Người" - GS Hoàng Chí Bảo cho biết.
Chăm lo để không người dân nào bị bỏ lại phía sau
GS-TS Hoàng Chí Bảo cho biết, câu chuyện Bác Hồ đến thăm gia đình chứa đựng rất nhiều ý nghĩa, dù đã trải qua 60 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay. Bác là lãnh tụ của nhân dân ta, Bác luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với dân (Đảng ta nói quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân), Bác luôn luôn gần dân, hiểu dân, thương dân để suốt đời phục vụ nhân dân.
"Đó là lẽ sống cao thượng của Bác. Chuyến thăm đến gia đình cô Nguyễn Thị Tín là một trong muôn vàn chuyến đi thăm người dân, đi thăm cơ sở của Bác. Chỉ tính riêng khoảng 10 năm cuối đời, Người đã có hơn 700 chuyến đi thăm cơ sở" - GS Bảo cho hay.
"Câu chuyện Bác Hồ đi thăm người dân nghèo đêm giao thừa Tết Nhâm Dần 1962, đến nay đã qua 60 năm nhưng sức lan tỏa, dấu ấn để lại trong ký ức của người dân thì không bao giờ phai. Nói tới Bác là nói tới tình thương, là mẫu mực, là tiêu biểu lời nói luôn đi đôi với việc làm".
GS Hoàng Chí Bảo
Bác là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, có thời kỳ còn giữ chức Chủ tịch Chính phủ (Thủ tướng), Người rất quan tâm đến vấn đề chính sách an sinh xã hội. Bác nói, chúng ta phải làm ngay, làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, làm cho dân được học hành. Làm được 4 điều đó để nhân dân phấn khởi hăng hái, xứng đáng với người dân một nước độc lập và góp sức vào công cuộc củng cố nền độc lập.
Ngày nay, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã phát triển mạnh mẽ, có những bước tiến chưa bao giờ có, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân sống cảnh nghèo khó. Đặc biệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong 2 năm qua có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em bị mồ côi... Từ đó, vấn đề chính sách an sinh xã hội và quản lý xã hội trong điều kiện không bình thường (chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai) càng phải chú trọng, để chăm lo cho đời sống của người dân với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
"Điều đó không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của chế độ ta mà cần trở thành lẽ sống, phương châm hành động của cán bộ, công chức - những người mà Bác vẫn gọi là đầy tớ của nhân dân. Chính Bác là tấm gương mẫu mực cho chúng ta noi theo trong việc đối xử, chăm lo cho nhân dân" - GS Bảo nói.
Bác không chỉ gần gũi, chăm lo cho người dân về tình cảm mà Người còn gieo vào lòng dân một niềm tin: Nhà nước này là của dân, cán bộ, đảng viên là công bộc, đầy tớ của dân... Để từ đó người dân tin tưởng vào Đảng, vào chế độ, ủng hộ những việc làm của cán bộ, đảng viên. Qua đó tạo động lực tinh thần để phát triển.
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, sự phát triển của xã hội là sự phát triển theo chuẩn mực bình đẳng, công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ của chúng ta phải quan tâm, chăm sóc đến đồng bào, đến những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Bác Hồ chính là hiện thân sinh động nhất về sự quan tâm, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế... để chúng ta học tập và làm theo.