Khi đã sống ở nhiều vùng, càng nhận ra như một khẳng định rằng ở xứ ấy, cà phê chính là chiếc nhiệt kế chính xác đo độ buồn/vui của con người, nhộn nhịp/ế ẩm của chợ, trù phú/xác xơ của xóm làng, sầm uất/tẻ lặng của phố thị… Thì biết làm sao, cà phê đã mọc khắp cao nguyên, dù giờ người ta đã trồng thêm nhiều thứ khác phòng khi…
Mỗi năm chỉ một lần ấy thôi, bọn trẻ ở tít những buôn làng diệu vợi xa mới được ra phố huyện. Tôi thích nhìn những đôi mắt mê dại của bọn chúng khi choáng ngợp trước sự phô phang quyến rũ của chợ. Chúng sẽ rụt rè ướm thử chiếc áo mẹ chọn, hoặc thì thầm chỉ cho mẹ đôi dép chúng thích hơn đang treo ở chỗ cao cao kia. Rồi chúng sẽ lo lắng dõi theo cuộc kỳ kèo của mẹ với người chủ hàng mà giọng nói ngọt ngào không làm chúng thấy bớt ghê gớm và điêu trá.
Chợ ngấm vào tuổi thơ tôi. Thị trấn nhỏ. Ngôi chợ nhỏ lụp xụp tre, gỗ, tôn và giấy dầu. Những sạp hàng nhỏ bày những món đồ tầm tầm cũng đủ làm mê đắm những đứa trẻ được mẹ cho đi chợ sắm đồ tết.
Chả có gì làm bằng cớ, nhưng nhiều người cứ cho rằng cà phê trồng ở vùng đất Buôn Hồ ấy mới ngon, mới đậm. Không biết cà phê Buôn Hồ có thật ngon đến thế không, nhưng tôi thích những vụ cà phê được mùa, được mùa mà không rớt giá, để chợ tết những ngày cuối năm thật rôm rả, người ta ào về thị trấn và hào hứng móc ra những xấp tiền dày cộm, rồi rạng rỡ đưa nhau về như vừa thắng thêm một vụ mùa nữa.
Ngôi chợ nhỏ. Mà nhiều thức quà tụ về, như điệu giọng người đi chợ, nói không ngoa, chắc cũng gần đủ từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái. Có màu áo chàm của người Tày bên con gà sống thiến lông mượt óng. Có chén bánh bèo sóng sánh nước sốt Quảng Nam. Có gùi măng lồ ô luộc vàng ươm bày bên những quả dưa nước kích cỡ như một quả dưa chuột bị lạc tới xứ sở khổng lồ trong Guliver du ký nên nở ra gấp 10 lần. Có khay bánh bò nở rễ tre quyện hương cốt dừa. Có món bánh xôi chiên nóng hổi rưới một lớp tương ngọt màu hồng đã đi vào miền nhớ của mọi đứa trẻ. Có bà bán chè lót đòn gánh ngồi giữa hai cái thúng, trên quang gánh treo từng chùm chè nhem thèm người qua lại bằng vẻ ngọt ngào của chúng: Chè đậu xanh, chè đậu ván, chè chuối, chè khoai môn, chè thập cẩm cốt dừa… mà bà mẹ nào cũng muốn dừng lại mua cho đứa con đang mong ở nhà một bịch.
Buôn, tiếng Ê đê, có nghĩa là làng trong tiếng Việt. Người Tây Nguyên trồng nên những quả dưa khổng lồ. Đất Tây Nguyên có những cái làng rất to: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Buôn Đôn… Những cái làng to rộng lòng thu nhận con dân đất Việt từ mọi miền tìm đến, và nếu chịu thương chịu khó, ai cũng tạo được cho mình cuộc sống dễ chịu hơn. Nên khi tôi ngồi sau quầy hàng ở chợ, quen nhận giọng người từng vùng, không lạ lẫm chiếc váy Mông xòe tròn mỗi nhịp chân, biết cái bánh tét nhân tím rịm chuối là người miền Tây gói, và không thèm nhăn mũi khi nếm thử miếng dưa gang giòn tan trong thau mắm cái của dân xứ Quảng còn nguyên hình những con cá nhỏ… Ngôi chợ xíu xiu vậy thôi mà cũng đa đoan lắm, như cái vùng không phải là quê của ai, mà rồi thành nơi gắn bó mồ mả cha ông, nơi chôn núm rau con cái, thành chốn nhớ về.
Một buổi trời còn tối sẫm, choàng áo khoác, mở cửa nhà và hơi run rẩy khi va phải cơn gió lạnh đang vi vút vượt đồi. Chỉ cách một con dốc Hà Lan, hơi nóng đã ở lại hết phía Buôn Ma Thuột, thành ra các cửa hàng bán áo lạnh ở Buôn Hồ quanh năm đắt hàng. Tôi ra chợ để được lọt vào giữa dòng rau củ tươi rói đang kĩu kịt dồn về từ những mảnh vườn ven thị. Cái ngày đã xa lắm, chỉ những dịp có giỗ chạp lớn, mẹ đi chợ phố Buôn Ma Thuột mới mua được mấy loại rau củ xứ lạnh được gọi là rau cao cấp, vốn chỉ từ Đà Lạt đưa tới: Su hào, súp lơ, cà rốt… Mà đắt, nên người ta sẽ mua ½ củ cà rốt, ¼ củ su hào, 1/8 cái lơ, và chỉ một cọng cần tây để đĩa xào có chút mùi sang trọng. Giờ thì người Buôn Hồ nhận ra lợi thế của cái lạnh quanh năm nơi này, bèn trồng đầy những thứ xưa là cao cấp ấy. Nên phải mang xe cày chở bắp cải, súp lơ, cà rốt… ra chợ, bán mớ cho nhanh hết.
Cô gái Ê đê khẽ khàng đặt chiếc gùi có mấy bó rau khoai với nắm ớt. Mảnh rẫy của người Ê đê, cũng như của bao tộc người bản địa trên cao nguyên, vốn như một cái chợ thu nhỏ. Họ thả vào đó dây bí, ngọn khoai, cây cà, gốc ớt, bụi chuối, vạt dưa, đám đậu, đu đủ, dâu da, rau thơm, lúa ngô khoai sắn… Ai cần gì đến xin. Đổi chứ không bán. Quanh nhà, đất trống cỏ hoang. Nhưng rẫy thì cho họ đủ đầy. Nay, cô gái Ê đê đeo gùi ra chợ đổi chợ, mang chợ đến chợ.
Không còn ngồi chợ ngắm người, giờ chen giữa chao chát bán mua ngắm chợ. Đi chợ thôi mà cũng lắm vân vi…