Dân Việt

Ở đây tôi bán "mùa màng"

Nguyễn Hàng Tình 03/02/2022 20:24 GMT+7
Chợ gì mà người bán nhiều khi cân thừa cũng chỉ tính tiền một cân. Chợ gì mà người bán cứ ưa thêm cho người mua ít cá, ít rau, nếu hôm đó họ thu hái ở rừng rẫy được nhiều. Nó tử tế đến lạ lùng.

“Cọng rau con cá còn cười

Người tan bữa chợ phương đồi cỏ trông”

 (Thi ca của Krajan Bri)

Rồi thì sơn nhân bản địa cũng biết đẻ ra "Chợ".

Những cái chợ hiền khô len trong cao nguyên thưa vắng.

"Chợ núi', nó thoắt ẩn thoắt hiện theo mùa màng. Là đồi núi ngoài kia đang mùa sinh sôi cây, con, hoa trái gì thì sản vật đó được đưa về để bên những góc ngã ba của bòn (làng) này bán. Nó cũng hay hình thành ở những mép đồi, trảng cỏ không có chủ, nghĩa là nơi đất còn là của chung. Mùa mưa thì ốc, lươn, cua, cá suối, đọt măng, rau núi, bầu bí hái từ rẫy xa về có mặt. Mùa nắng những buồng chuối rừng, những trái sầu riêng, bơ, ổi, măng cụt, mãng cầu gai... Mùa màng "cạn" thì những gốc dương xỉ thân mộc, nấm linh chi, rồi thân củ cây rừng thảo dược phơi khô bỏ bịch, chiếc gùi, đến cả những trái bầu hồ lô khô... Sản vật mà người châu thổ ở hạ nguồn, hay dân thị thành không thể có. Thứ gì cũng mang "tính" núi. Thứ gì cũng nhuộm màu đất bazan.

"Chợ" gì mà hấp dẫn. Cứ làm người ta hồi hộp. Khiến người ta đợi chờ.

Ai đó nhớ lại, vào buổi xa xưa kia, chỉ có người Champa thi thoảng làm những chuyến hàng dài ngày bộ hành mang đồ biển và gốm lên xứ Kirata (người Chăm xưa gọi miền đất Tây Nguyên ngày nay là thế) của họ, bán xong là về. Giờ, bỗng nhiên họ cũng nghĩ đến bán buôn.

Chợ không tên. Nhưng có thật với cuộc đời. Cứ giữa trời, lộng nắng gió, và mặt đất. Tràn đầy sinh lực và tình yêu cuộc sống.

Mùa màng quyết định sự xuất hiện của chợ núi.

xuan/Ở đây tôi bán "mùa màng" - Ảnh 1.

Một người phụ nữ K’ho bản địa ở cao nguyên Di Linh ngồi bán hàng.

Bởi họ bán mùa màng. Bởi họ bán sự hồn nhiên. Bởi họ bán những gì trong sáng, như cái đọt bí trên rẫy trời đổ nước mát xuống thì lên đọt và ngắt nó về bán.

Thành phố nào mà chẳng cả thành phố đã là một cái chợ, chỉ là đường nọ phố kia dịch vụ bán buôn cái gì thôi. Ở đây thì khác, cả đất trời mênh mông, đột nhiên có một chỏm người bán thổ vật từ trời đất. Lạ là, bán buôn kiểu gì mà không ra giá thách, thủ đắc, thủ lợi. Không có bóng dáng của lý trí. Cũng chẳng có sự tinh khôn, mánh mẹo gì ở đây. Họ ướm ướm giá mớ rau, túm cá suối ấy bán chừng này tiền là "được rồi", thế là nói với người mua "ý giá" của mình và bán. Bán như kiểu san sẻ chứ chưa là "hàng hóa"- "tôi có cái này", "tôi thừa chút đây" nên bán. Bán theo kiểu "tiêu thụ" chứ không phải " kinh doanh". Một "nền" thương mãi thuần lành, chân chất. Nó dễ thương, và thắm thiết tình người gì đâu. Thế mà cũng thi thoảng cũng có những khách du lịch cập chiếc xe hơi xa hoa lại để mua "đặc sản" (chắc họ nghĩ nó là đặc sản chứ sơn nhân thì không) và trả giá, "ép" họ.

Cõi nhân gian này nó thế, người ta tích lũy, giàu hơn, sang hơn người là nhờ "ép" được ai thì ép mà. Con người ta thường "hiện ra" ở lúc đi chợ. Ai mua với tâm thế kiểu gì cũng được, vì mình có cả mùa màng.

Bởi họ bán mùa màng. Bởi họ bán sự hồn nhiên. Bởi họ bán những gì trong sáng, như cái đọt bí trên rẫy trời đổ nước mát xuống thì lên đọt và ngắt nó về bán.

Người Mạ, K'ho, M'Nông, Ê Đê, J'Rai, Ba Na... là vậy đó, khi đặt mình vào Chợ, và đặt Chợ vào mình.

Chợ gì mà người bán nhiều khi cân thừa cũng chỉ tính tiền một cân. Chợ gì mà người bán cứ ưa thêm cho người mua ít cá, ít rau, nếu hôm đó họ thu hái ở rừng rẫy được nhiều. Nó tử tế đến lạ lùng như hình ảnh họ khi ra chợ là cứ đi theo hàng thẳng người cách người đều nhau với chiếc gùi trên lưng, và cứ sát mép cỏ mà bước.

Cũng chẳng có sự mời chào hay đon đả nào ở Chợ núi cả. Người bán nhìn người mua, rồi nhìn xuống những thứ mình có. Ai đến mua, nhìn "hàng hóa" đó mà mua, vì con người ai cũng có đôi mắt và cái đầu để chọn. Đọc sách điền giã của người Pháp ghi chép cảm trọng về người Việt mình buổi nào ở châu thổ sông Hồng, sông Mê Kông, hay duyên hải miền Trung nhận ra tiền nhân mình ngày xưa cũng bán buôn thuần hậu rực rỡ như vậy.

Nó cứ tự tại như thế. Chính yếu nó dành cho người cần lao ở núi; không có nhu cầu sang - xấu, hơn - thua hay khoe khoang. Như một sinh thể tự nhiên, nó xuất hiện, như là sự "trao đổi chất" với người qua lại mua hàng, bằng cách đơn giản nhất, thực chất nhất, tình cảm nhất. Nó "lành" đến tận tay người mua.

Chợ cũng có "cái tình" của Chợ.

Ở trần gian không phải chợ nào cũng "có tình", có "hồn", mà có khi nó chỉ mỗi "công năng" kinh doanh, kỹ nghệ hàng hóa, dịch vụ.

*

Lâu nay trên những nẻo đường cao nguyên ấy, tôi hay dừng lại để "thưởng thức" một thứ chợ, một kiểu cách bán buôn còn trong sáng. Tôi cứ ngồi như thế mà xem họ bán buôn. Thường rồi tôi-kẻ không nhà- cũng mua cái gì đó để mang theo xe. Treo chúng vào hai bên ba ga xe máy. Có khi là mớ lá bép, túm cà đắng, búp măng lồ ô, hay dăm bảy đọt cây mây. Có lúc lại là con cá chép, lóc, cua đồng, bịch nấm mối, hay túi ốc núi. Giúp sơn nhân bán được chút hàng. Cũng cho cái cảm giác mình "được mua". Cái niềm vui này nó lạ lắm. Nó thăng hoa và mừng rỡ, như gặp lại "loài người" buổi còn chân mộc, thiện lành, chưa "son phấn" hay tiểu xảo, mánh mẹo vào bán buôn. Nhìn họ biết ơn mình, với ánh mắt trong veo ấy như dính theo xe mình. Người đời mua được những phẩm vật kia, nhưng không mua được cái thần thái của nó.

Những "mảnh" chợ rơi xuống cao nguyên. Chợ của tự tình núi non, của tôi, của người.

Trong kinh doanh, chốn chợ búa mà sự thơ ngây còn, nó làm cõi người an nhẹ nhõm, thanh bình.