Dân Việt

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Một đời khát vọng đưa đạo pháp cống hiến cho nhân sinh

Gia Khiêm 22/01/2022 10:42 GMT+7
"Cả cuộc đời mình Thiền sư Thích Nhất Hạnh đem tinh thần đạo pháp áp dụng trong cuộc sống đem đến lợi ích, an lạc cho nhân sinh, xã hội", Thượng toạ Thích Thanh Huân chia sẻ.

Xuyên suốt cuộc đời Thiền sư Thích Nhất Hạnh là khát vọng cống hiến

Theo cáo phó của tăng đoàn Làng Mai, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 0h ngày 22/1 tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ở tuổi 96.

Trao đổi với PV Dân Việt, Thượng toạ Thích Thanh Huân - Uỷ viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chánh văn phòng Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, sinh thời Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc chân tu, với tuệ giác và kiến thức uyên thâm, sâu rộng Ngài đã nỗ lực cho sự nghiệp đem tinh thần đạo pháp vào đời sống xã hội.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 1.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh thỉnh chuông tại Làng Mai (Pháp), năm 2009. Ảnh: Plumvillage.org

"Cả cuộc đời Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn đem tinh thần đạo pháp phụng sự nhân sinh, xã hội. Ngài là tăng sĩ, tu sĩ Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn kể cả trong nước và trên thế giới. Xuyên suốt hành trình cuộc đời Thiền sư đó là khát vọng đưa tinh thần đạo pháp cống hiến thiết thực cho nhân sinh, xã hội, đất nước con người.

Những năm thập niên 60 của thế kỷ trước Thiền sư là nhà hoạt động phản đối chiến tranh và vận động cho hoà bình, thống nhất đất nước. Tinh thần nhân văn và hoà bình là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc đời tu tập, hoằng pháp của ngài. Hoà bình trong nội tâm để chuyển hoá chính bản thân mình, hóa giải mầm mống bạo động trong nội tâm từ đó kiến tạo xã hội bình đẳng và an lạc", Thượng toạ Thích Thanh Huân chia sẻ.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 2.

Tại chùa Từ Hiếu (Huế), Thiền sư Thích Nhất Hạnh (bìa phải) đứng bên "ngôi đền gốc rễ" của mình lần đầu tiên, kể từ khi ông rời đi vào tháng 5/1966. Ảnh: Paul Davis/Touching Peace Photography

Thượng toạ Thích Thanh Huân chia sẻ, những lần được yết kiến thân cận Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đặc biệt là khi Thiền sư về Việt Nam, Ngài đã truyền cảm tinh thần yêu quê hương đất nước, tình cảm sâu sắc của Thiền sư với Đạo Phật Việt Nam và với cội nguồn văn hóa dân tộc.

"Ngài đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền sư là một trong những người tiên phong mang đạo Bụt, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây và góp phần xây dựng một cộng đồng Phật giáo dấn thân cho thế kỷ XXI với đông đảo đệ tử xuất gia và tăng thân tại gia trên khắp năm châu", Thượng Toạ Thích Thanh Huân chia sẻ.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Cha ngài là cụ ông Nguyễn Đình Phúc, mẹ là cụ bà Trần Thị Dĩ. 

Năm 1942, ngài xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Tháng 9/1945, ngài được thọ giới Sa di với Bổn sư, được ban pháp tự Phùng Xuân.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 3.

Thiền sư trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 92 tại Thái Lan, tháng 10/2018. Sau một cơn đột quỵ vào tháng 11/2014, thiền sư Thích Nhất Hạnh chuyển đến Thái Lan để tham gia cùng các đệ tử trẻ từ Việt Nam tại trung tâm thiền làng Mai Thái Lan mới của mình. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism

Năm 1947, ngài theo học Phật học đường Báo Quốc, Huế. Năm 1949, ngài rời Huế vào Sài Gòn tiếp tục tu học. Ngài bắt đầu sự nghiệp sáng tác với pháp hiệu Thích Nhất Hạnh, một trong nhiều bút hiệu của Thiền sư. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đồng sáng lập chùa Ấn Quang, làm giáo thọ Phật học đường Nam Việt.

Thiền sư phối hợp kiến thức của Ngài về nhiều trường phái thiền khác nhau cùng với các phương pháp từ truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, những nhận thức sâu sắc từ truyền thống Phật Giáo Đại thừa, và một số phát kiến của ngành tâm lý học đương đại phương Tây để tạo thành cách tiếp cận mới đối với thiền.

Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa". Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin hơn một thập niên trước, Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: "Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn".

"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền", Thiền sư nhấn mạnh.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 4.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu thiền hành với cộng đồng của mình tại Làng Mai, tháng 6/2014. Ảnh: Plum Village Community of Engaged Buddhism

Thập niên 1960, ông lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp dựng lại các làng bị đánh bom, xây trường học, trạm xá, và hỗ trợ những gia đình vô gia cư sau chiến tranh ở Việt Nam.

Năm 1966, ông lập ra dòng tu Tiếp Hiện đồng thời thành lập nhiều trung tâm thực hành và thiền viện trên khắp thế giới. Ông ở nước ngoài từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cư ngụ chủ yếu tại Tu viện Làng Mai, vùng Dordogne, miền nam nước Pháp.

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều thành phần đến từ các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây.

Cuộc đời không ngừng nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh 5.

Triển lãm giới thiệu 80 tác phẩm thư pháp và 145 đầu sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 4/2021. Ảnh: Hà Tùng Long

Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức. Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây. 

Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc: vừa trả lời e-mail, vừa nói điện thoại; trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc", Thiền sư viết trong cuốn sách "Quyền lực đích thực". Ông cho rằng thực hành Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh, với một số tác phẩm nổi bật như: Đường xưa mây trắng, Thả một bè lau, Phép lạ của sự tỉnh thức, Hạnh phúc cầm tay, Phật trong ta, Chúa trong ta...

Cuộc đời ông gắn liền với các hoạt động vì hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ Chiến tranh Việt Nam. Năm 1967, King đề cử Thiền sư cho Giải Nobel Hòa bình nhưng năm đó không ai được trao giải.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức các khóa tu thiền cho người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; thuyết giảng kêu gọi các nước đang tham chiến hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp ôn hòa cho các mâu thuẫn. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người, theo Christian Science Monitor.

Tháng 5/2013, trong một buổi diễn thuyết kéo dài 3 giờ tại sân vận động ở Hàn Quốc, Thiền sư bàn về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc: "Vũ khí hạt nhân là một trở ngại đối với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai miền bán đảo Triều Tiên. Nó phản ánh nỗi sợ hãi, tức giận và nghi ngờ của Triều Tiên bởi nếu không, họ đã không xây dựng vũ khí hạt nhân. Vì hòa bình, điều cơ bản cần làm không phải việc loại bỏ vũ khí hạt nhân mà là loại bỏ sự sợ hãi, tức giận và nghi ngờ trong mỗi người. Qua đó, việc hòa giải sẽ trở nên dễ dàng".

Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là việc "biết lắng nghe". Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.

Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. 

Đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông tổ chức ba trai đàn chẩn tế lớn tại Việt Nam với tên gọi "Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan", cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho những người từng chịu hậu quả của chiến tranh.

Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Hà Nội, ông được mời về Việt Nam với tư cách là người thuyết trình chủ đề chính. Năm 2014, Thiền sư trải qua quá trình hôn mê do xuất huyết não. Sau khi phục hồi, năm 2016, Thiền sư từ Pháp đến tính dưỡng ở Trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan để được gần quê hương hơn. Năm 2017, ông một lần nữa trở lại Việt Nam và thăm chùa Từ Hiếu.

Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, AP đánh giá trong một bài viết ra năm 2009. 

Ngày 28/10/2018, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về Tổ đình Từ Hiếu để tĩnh dưỡng trong sự chào đón của chư tăng và phật tử. Ông quyết định ở lại đây cho đến ngày viên tịch.