Ánh sáng cần thiết cho sự sống, nhưng việc tiếp xúc lâu với ánh sáng nhân tạo là vấn đề sức khỏe ngày càng được quan tâm. Con người tiếp xúc với lượng ánh sáng ngày càng tăng trong quang phổ màu xanh do điốt phát quang (đèn LED) tạo ra có thể gây trở ngại cho chu kỳ ngủ bình thường. Các công nghệ LED tương đối mới; do đó tác động lâu dài của việc tiếp xúc với ánh sáng xanh trong suốt thời gian dài vẫn chưa được hiểu rõ và sâu.
Chúng ta cũng đã biết rằng, nhìn chằm chằm vào ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại thông minh hoặc máy tính có thể khiến bạn khó ngủ hơn và thậm chí có thể gây hại cho thị lực (ít nhất là ở chuột). Nhưng một nghiên cứu mới từ Đại học Bang Oregon cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh có thể gây ra một số thiệt hại cơ bản hơn: đó là khiến bạn già đi nhanh hơn.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia đã xem xét điều gì đã xảy ra với những con ruồi giấm khi được tiếp xúc với ánh sáng LED xanh lam kéo dài 12 giờ mỗi ngày. Ánh sáng xanh đã làm lão hóa cả tế bào mắt và tế bào não, da của ruồi và làm suy giảm khả năng di chuyển xung quanh thùng của chúng — đồng thời nó cũng rút ngắn tuổi thọ của chúng so với những loài ruồi khác sống trong bóng tối hoàn toàn. Một nhà nghiên cứu trong thử nghiệm còn nói rằng, những con ruồi giấm cũng cố gắng tránh ánh sáng xanh trong thử nghiệm.
Jaga Giebultowicz, giáo sư sinh học tổng hợp tại Đại học bang Oregon, người nghiên cứu về nhịp độ sinh học y khoa cho biết nghiên cứu bắt đầu một cách tình cờ. Cô nói: "Chúng tôi nghĩ rằng chu kỳ ánh sáng và bóng tối là tốt cho ruồi. Và sau đó chúng tôi phát hiện ra rằng chúng sống lâu hơn trong bóng tối triền miên. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến điều này, và sau đó bằng cách xem xét các bước sóng ánh sáng khác nhau, các màu sắc khác nhau, chúng tôi nhận thấy rằng ánh sáng xanh gây bất lợi nhất định cho chúng". Ánh sáng xanh được sử dụng trong phòng thí nghiệm tương tự như ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác.
Nếu bạn không cảm thấy nghiên cứu này thỏa đáng vì con người không có nhiều điểm chung với ruồi, dĩ nhiên các nghiên cứu trước đây ở người đã xem xét các tác động ngắn hạn của việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị công nghệ. Ví dụ, một nghiên cứu của Harvard đã phát hiện ra rằng, khi mọi người tiếp xúc với ánh sáng xanh vài giờ, nó ức chế sản xuất melatonin, một loại hormone điều chỉnh giấc ngủ và thay đổi nhịp sinh học của họ. Một nghiên cứu khác tương tự tại Đại học Toronto cho thấy, khi mọi người đeo kính ngăn ánh sáng xanh, nó có tác động đến mức melatonin của họ.
Giebultowicz cho biết: "Tác động của điện thoại lên tế bào của con người có thể tinh vi hơn và khó phát hiện hơn".
Việc nghiên cứu những ảnh hưởng của loại ánh sáng xanh này đối với tuổi thọ của con người cũng sẽ là một thách thức, nhưng nghiên cứu mới về ruồi có thể đưa ra manh mối về những ảnh hưởng lâu dài có thể xảy ra. Giebultowicz nói: "Ruồi không phải là người, nhưng các tế bào hoạt động về cơ bản là giống nhau. Sau khi tiếp xúc lâu dài với ánh sáng xanh, tế bào của ruồi bắt đầu bị tổn thương và lão hóa. Cô nói: "Các gen bảo vệ tế bào khỏi căng thẳng bị rối loạn hoạt động rất mạnh trong ánh sáng xanh. Điều đó có nghĩa là sau 12 giờ tiếp xúc với ánh sáng xanh, các gen này khiến tế bào còn bị căng thẳng nhiều hơn nữa thay vì phát huy tính năng bảo vệ tế bào".
Mặc dù vẫn chưa có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc lâu với ánh sáng xanh có thể rút ngắn tuổi thọ con người, nhưng đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để trước mắt mọi người có thể điều chỉnh các thiết bị của bạn như giảm độ sáng hoặc chặn ánh sáng xanh bằng kính màu hổ phách hoặc tấm bảo vệ màn hình, nên đeo kính râm lọc cả tia UV và ánh sáng xanh, đồng thời tránh duyệt trên điện thoại thông minh, máy tính xách tay và các thiết bị tương tự trong bóng tối. Và đó cũng là một lý do nữa để nhắc nhở bản thân rằng nên dành ít thời gian hơn để nhìn chằm chằm vào màn hình, nhưng dường như rất khó để đạt được điều này trong thời đại kỹ thuật số mà chúng ta đang sống.
Ở một góc độ đánh giá khác, chia sẻ rõ ràng hơn trên tạp chí Getthegloss, Bác sĩ Johanna Ward khẳng định: "Tất cả chúng ta đều quen thuộc với việc bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB, nhưng có một loại ánh sáng thứ ba gây tổn thương và chúng ta phải tiếp xúc với nó mọi lúc trong ngày, ngay cả trong nhà. Đó là ánh sáng xanh, là loại ánh sáng năng lượng cao có thể nhìn thấy được phát ra từ cả mặt trời và từ ánh sáng nhân tạo như TV, điện thoại và máy tính bảng của chúng ta. Kết quả là chúng ta đã bị phơi sáng quá mức nghiêm trọng".
Bác sĩ Johanna Ward còn nhận định thêm rằng: "Trong lối sống hiện đại, chúng ta đang siêu bão hòa bản thân bằng ánh sáng xanh thông qua tiếp xúc kỹ thuật số rất lớn. Ánh sáng xanh ở ngay trong nhà của chúng ta, trên đùi và trong tay chúng ta trong thời gian dài mỗi ngày thông qua công nghệ mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày".
Johanna Ward nói: "Thiệt hại do ánh sáng xanh, hay còn gọi là lão hóa kỹ thuật số tự thể hiện qua quá trình lão hóa tăng tốc. Bạn sẽ thường thấy sắc tố, nếp nhăn, đường nhăn, chảy xệ, tổn thương collagen, hàng rào bảo vệ da suy yếu và độ nhạy cảm của da tăng lên theo thời gian".
Lão hóa da do ánh sáng xanh xảy ra ở cấp độ sâu nhất trong da của chúng ta (sâu hơn cả tia UVA và UVB), đánh vào nơi da bị tổn thương ở cấp độ tạo ra collagen và elastin, do đó gây ra lão hóa nhanh. Ngoài ảnh hưởng của nó đối với làn da của chúng ta, ánh sáng xanh cũng làm rối loạn nhịp sinh học của chúng ta, khiến chúng ta mất ngủ, do đó ức chế sản xuất hormone ngủ melatonin mà chúng ta cần để duy trì sức khỏe.