Theo sách “Đại Nam thực lục”, trận dịch năm 1820 nổ ra dưới triều vua Ming Mạng của nhà Nguyễn. Đây là một trong những đại dịch lớn nhất trong lịch sử Việt Nam với 206.835 người bỏ mạng.
Theo chính sử “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn, đại dịch này có nguồn gốc từ Tây Dương (Ấn Độ), theo các thuyền buôn du nhập vào Việt Nam.
Dù sử sách nhà Nguyễn không chép rõ tên nhưng qua câu "vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp", các nhà nghiên cứu hiện nay cho biết đây là trận dịch tả. Đặc biệt, đại thi hào Nguyễn Du chết trong trận dịch này. Dù sử sách không nói rõ ông chết bởi bệnh gì. Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" chép: “Đến khi bệnh kịch, không chịu uống thuốc, sai người nhà mở duỗi chân tay, nói đã lạnh cả, Du bảo rằng “tốt”, nói xong thì chết, không nói một câu nào đến việc sau khi chết”. Theo nhiều nhà nghiên cứu hiện nay, có thể Đại thi hào Nguyễn Du cũng chết bởi căn bệnh dịch tả này.
Theo chính sử triều Nguyễn, bệnh dịch tả này từ Ấn Độ du nhập vào nước ta ở tỉnh Hà Tiên thuộc khu vực Tây Nam Bộ đầu tiên, sau đó lan rộng trên phạm vi cả nước.
Dịch tả là căn bệnh nhiễm trùng đường ruột do vi trùng Vibrio cholerae gây nên. Các triệu chứng chính của bệnh là tiêu chảy mất nước và ói mửa. Bệnh truyền chủ yếu qua nước uống hoặc ăn các thức ăn đã bị nhiễm vi khuẩn.
Theo các nhà sử học, bệnh dịch tả có thể xuất phát từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hằng thuộc Ấn Độ cổ đại, sau đó lan rộng ra toàn thế giới. Bệnh tả xuất hiện ở châu Á lần đầu vào khoảng 600 năm TCN, ghi nhận lần đầu tiên trong y học vào năm 1563 tại Ấn Độ.
Bệnh tả chủ yếu truyền qua nguồn thức ăn hoặc nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Ở các nước phát triển, hải sản thường là nguyên nhân chính, còn ở các nước đang phát triển con đường truyền chủ yếu từ nguồn nước.