Bắc Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên chịu tác động bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 (nổ ra từ cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021), có những lúc tưởng chừng như tỉnh sẽ phải đóng cửa những khu công nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu với những nhà máy sản xuất của Samsung, Canon, Foxxcon... Thế nhưng, vượt lên tất cả Bắc Ninh đã có những sáng tạo, đột phá và bản lĩnh để cán đích ở vị trí dẫn đầu cả nước về sản lượng sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu.
Là một trong những lãnh đạo được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục sản xuất kinh tế, ông Vương Quốc Tuấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã có những chia sẻ về câu chuyện thử thách và thành công của Bắc Ninh.
Đạt "mục tiêu kép", dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu
Thưa ông, năm 2021 là năm khó khăn đối với tỉnh Bắc Ninh khi là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên bị làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tác động khiến tỉnh phải áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, vượt qua thách thức đó, theo thống kê, năm 2021 Bắc Ninh đã dẫn đầu cả nước về 2 chỉ tiêu quan trọng là giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Xin ông chia sẻ về những gì mà Bắc Ninh đã trải qua và về đích ngoạn mục như trên?
- Ngay từ đầu năm tỉnh Bắc Ninh đã trải qua đợt dịch Covid-19 bùng phát rất sớm - bắt đầu từ tháng 5, tháng 6 là cao điểm bùng phát dịch. Bắc Ninh là một trong những địa phương bùng phát dịch sớm nhất và tốc độ lây lan rất nhanh.
Bằng các giải pháp tổng thể, các biện pháp phòng chống dịch của tỉnh Bắc Ninh và sau này là thích ứng linh hoạt thực hiện "mục tiêu kép" – phòng chống dịch gắn với phục hồi, phát triển kinh tế là hoàn toàn hợp lý. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh đã có những sáng tạo chưa có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng trong kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân.
Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 tỉnh Bắc Ninh đạt được rất ấn tượng. Thứ nhất, kết quả sản xuất công nghiệp đạt 1,5 triệu tỷ đồng – cao nhất từ trước đến nay và là địa phương liên tục trong 3 năm liền có giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu toàn quốc.
Một giá trị nổi bật thứ hai là kim ngạch xuất – nhập khẩu đạt 84 tỷ USD (chiếm 12,5% tổng giá trị xuất nhập khẩu của toàn quốc), trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 45,2 tỷ USD, tăng 15,7% (đứng thứ nhất toàn quốc), giá trị nhập khẩu là 39 tỷ USD và giá trị xuất siêu đạt 6,4 tỷ USD.
Thứ ba, thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh cao nhất trong các năm, đạt 33.005 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt 25.000 tỷ đồng, là số thu khẳng định sự phát triển bền vững của tỉnh Bắc Ninh. Năm 2021 cũng là năm thu hút đầu tư có hiệu quả lớn, tổng giá trị thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút hút đầu tư trong nước đạt 2,2 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư FDI đạt 1,4 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt so với những năm trước. Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước vượt qua đại dịch với việc hình thành và hoạt động rất hiệu quả của "Tổ phản ứng nhanh ba nhất". Cùng với đó là các hoạt động, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội rất hiệu quả.
CLIP: Ông Vương Quốc Tuấn- Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân Việt về kết quả đạt được trong phát triển kinh tế- xã hội 2021 và định hướng đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện: Khương Lực- Nguyễn Chương.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong việc tổ chức cho các doanh nghiệp làm việc "3 tại chỗ". Nhờ đó, sản xuất ở Bắc Ninh không bị đứt gãy, 10 khu công nghiệp không phải đóng cửa. Đến nay, Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh có độ bao phủ vaccine cao nhất cả nước. Từ quyết định đó, tỉnh Bắc Ninh đã rút ra được những bài học kinh nghiệm gì
- Chúng tôi xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm trong cả năm 2021. Để công tác phòng, chống dịch phát huy được hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch thích ứng, linh hoạt trong từng thời gian, thời điểm khác nhau. Có những biện pháp có hiệu ứng xuyên suốt trong cả quá trình.
Thông qua việc thực "3 tại chỗ" trong nhà máy cũng là tạo ra một môi trường rất tốt để cho các nhà máy có thể hoạt động được. Khi tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao thì thực hiện "3 tại chỗ" là một sáng kiến, sáng tạo của tỉnh Bắc Ninh.
Đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất. Nhưng chúng ta thấy khi một nhà máy có số ca mắc mới tăng lên và số ca trong công đồng – nơi công nhân ở trọ chưa nhiều, thì một số công ty áp dụng biện pháp "3 tại chỗ" cũng rất phù hợp.
Đối với những ca nhiễm không có triệu trứng, vẫn khỏe mạnh, nếu họ tự nguyện sẽ ở và hoạt động trong nhà máy, nhưng tách biệt với những người không bị nhiễm – có thể đi về nơi ở, phòng trọ. Chính vì thế, chúng tôi cho rằng, vẫn là "3 tại chỗ" nhưng thích ứng trong từng thời điểm khác nhau thì nó mang lại những hiệu quả.
Điều này được chứng minh bằng kết quả tỉnh Bắc Ninh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhất toàn quốc. Thứ hai, giá trị kim ngạch xuất – nhập khẩu lớn nhất. Tựu trung lại, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) cao nhất trong những năm vừa qua, đạt 6,9%.
Tỉnh công nghiệp hiện đại hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX về việc đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện Bắc Ninh đang tập trung quy hoạch các đô thị mới theo hướng hiện đại, đồng bộ. Vậy để nói về một thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương trong tương lai, tỉnh Bắc Ninh sẽ giới thiệu nét đặc trưng gì đến cả nước, cũng như thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài?
- Mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là điều mong mỏi, nguyện vọng chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Đây cũng là động lực chính trị, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhằm phấn đấu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng thông minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.
Chúng tôi vẫn nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ ở nghĩa đơn thuần là đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà còn thể hiện sự nỗ lực, khát vọng trong việc làm sao khi mà kinh tế - xã hội phát triển trở thành thành phố rồi, thì nhân dân sẽ được thụ hưởng từ sự phát triển đó nhiều nhất và lớn nhất.
Thứ hai, chính từ sự phát triển đó, Bắc Ninh phải tạo ra một bản sắc đặc trưng văn hóa của địa phương giàu truyền thống văn hiến. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện rất nhiều các giải pháp, những biện pháp rất quyết liệt, kể cả các mục tiêu trong Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Về việc đáp ứng các tiêu chí theo Nghị quyết 1211, hiện nay Bắc Ninh đã cơ bản đạt tiêu chí về quy mô dân số; cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Khi thành lập thành phố, Bắc Ninh giữ nguyên, không làm thay đổi số đơn vị hành chính.
Về trình độ phát triển đô thị, có ít nhất 60% đơn vị hành chính đạt theo tiêu chí đô thị cấp quận, hiện nay đang tiến hành các thủ tục hồ sơ và đã thông qua HĐND trình Hội đồng cấp nhà nước về công nhận đô thị của Quế Võ, Thuận Thành trở thành thị xã, tiếp theo là Yên Phong, Tiên Du. Với các giải pháp đồng bộ như vậy, việc nâng cấp các đơn vị hành chính thì sẽ đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Việc nâng cấp kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đối ngoại và giao thông đối nội sẽ được tập trung, có nhiều tuyến giao thông tạo ra sự đột phá trong phát triển không gian đô thị, rồi các yêu cầu khác về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị sẽ được tập trung đầu tư với việc khai thác mọi nguồn lực cho phát triển.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo ra nhiều đột phá
Nói đến Bắc Ninh, nhiều người ví ngay như một điểm sáng về thu hút đầu tư FDI và gần đây là cả đầu tư nội địa. Điển hình như năm 2021, tỉnh đã thu hút được Công ty Amkor Technology, Inc (Amkor) của Hoa Kỳ đầu tư vào siêu dự án tại tỉnh với tổng vốn lên tới 1,6 tỷ USD. Mới đây, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông cũng đã thay mặt tỉnh Bắc Ninh trao giấy phép đầu tư cho DN này. Ngoài các lợi thế về giao thông, cơ sở hạ tầng, nhiều nhà đầu tư đánh giá và rất hào hứng với cách làm việc của đội ngũ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Chúng tôi đã xác định, chủ trương xuyên suốt của tỉnh, đó là tập trung xây dựng và phát triển Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí đặt ra để trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong thời gian tới, mục tiêu xuyên suốt vẫn là đưa Bắc Ninh phấn đấu trở thành thành phố trung tâm công nghiệp điện tử, bán dẫn hàng đầu trong khu vực.
Chính vì vậy, thành công của Bắc Ninh trong thời gian qua cũng là thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư đến từ các nước có công nghệ tiên tiến với 38 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư là trên 21 tỷ USD.
Bắc Ninh nằm trong top 7 tỉnh, thành phố có giá trị thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất. Trong thời gia qua, chất lượng thu hút thu hút các dự án đầu tư nước ngoài luôn được đề cao. Và "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" là mô hình được Bắc Ninh áp dụng để thu hút vốn FDI.
"Bắc Ninh nằm trong top 7 tỉnh, thành phố có giá trị thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất. Trong thời gia qua, chất lượng thu hút thu hút các dự án đầu tư nước ngoài luôn được đề cao. Và "2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng" là mô hình được Bắc Ninh áp dụng để thu hút vốn FDI".
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn)
Trong đó "2 ít" có nghĩa là ít đất, ít dùng lao động, vì đặc điểm Bắc Ninh có diện tích đất tự nhiên nhỏ nhất cả nước. Do đó, Bắc Ninh tập trung khuyến khích các dự án công nghệ cao, tiết kiệm đất, dùng ít lao động.
Với "3 cao", Bắc Ninh tập trung vào suất vốn đầu tư các dự án FDI cao, tăng cường tính lan toả dự án. Hai là công nghệ cao, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên các dự án FDI công nghệ cao, gắn với giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Ba là hiệu quả cao,tập trung làm sao thu hút nguồn lực cho ngân sách, góp phần đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Còn với "4 sẵn sàng", tập trung sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến với Bắc Ninh có điều kiện tốt nhất. Hai là sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ba là sẵn sàng cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật. Bốn là sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn.
Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Ninh đa dạng hóa các kênh xúc tiến đầu tư. Cùng với tiếp xúc trực tiếp, Bắc Ninh đã thông qua các tổ chức trong nước và quốc tế để tiếp cận, xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến và tiếp cận nhà đầu tư bằng mọi cách khác nhau. Đặc biệt là các nhà đầu tư tạo ra động lực và sự lan tỏa khi mà thu hút được vào thì chúng tôi dành sự quan tâm rất cao.
Một trong những điều mà các nhà đầu tư mong muốn nhất thì chúng tôi đáp ứng, đó là cải cách các thủ tục về xúc tiến đầu tư làm sao cho các thủ tục xúc tiến đầu tư được nhanh gọn, thuận lợi nhất và các nhà đầu tư tiếp cận với các doanh nghiệp hạ tầng về công nghiệp một cách toàn diện, trực tiếp nhất để tạo ra kênh đầu tư.
Với các nhà đầu tư, Bắc Ninh tạo ra kênh thông tin về quảng bá, quảng bá các chính sách hỗ trợ, quảng bá về các lợi thế của địa phương, tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư. Thái độ trách nhiệm, tinh thần hỗ trợ, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo các ngành, các địa phương trong việc giải quyết thì nó được thể hiện một cách nhiệt huyết, quyết tâm nhất.
Thông qua một loạt các dự án được trao giấy chứng nhận đầu tư rất nhanh gọn trong năm 2021 thể hiện tính ưu điểm, cái nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh trao đổi với doanh nghiệp thông qua nhóm zalo
Trong năm 2021, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thành lập "Tổ phản ứng nhanh 3 nhất" đối với doanh nghiệp do ông làm Tổ trưởng. Ông có thể cho biết những kết quả đạt được sau gần 1 năm đi vào hoạt động của Tổ phản ứng nhanh 3 nhất?
- Từ việc xác định làm sao để tháo gỡ, giải quyết tốt nhất, hiệu quả nhất các khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm chúng ta phải giải quyết song hành 2 "mục tiêu kép" - vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đặt ra làm sao chúng ta có một tổ, một bộ phận thường trực để giải quyết những công việc này của tất cả các ngành, các địa phương một cách cơ động và nhanh nhất.
Từ đó, hình thành ý tưởng thành lập ra Tổ phản ứng nhanh 3 nhất cấp tỉnh, rồi tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, tất cả các sở, ngành. Đặc biệt các sở ngành quản lý về nhà nước thì đều thành lập tổ này với mục tiêu tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất và chống dịch hiệu quả nhất.
Tất cả các bộ phận được phân công nhiệm vụ đều vào cuộc với tinh thần rất quyết tâm, quyết liệt, làm sao để phục vụ cho việc tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Có thể nói, tổ này hiệu quả đến thời điểm này minh chứng rất rõ ràng.
Hàng tuần, có tổng hợp, báo cáo của đơn vị thường trực là Văn phòng UBND tỉnh và Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội. Theo đó, trong tuần sẽ tiếp nhận thông qua các kênh khác nhau: Nhóm zalo, kênh phản ánh thông tin của tất cả người dân, doanh nghiệp liên quan đến các hoạt động về phát triển kinh tế, về chống dịch, giải quyết những vấn đề cần tư vấn, đặc biệt của người dân và doanh nghiệp rất hiệu quả.
Nếu những doanh nghiệp nào, địa phương nào mà trong tuần không giải quyết kịp thời những đề xuất theo như yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đều có thông báo rất rõ của đơn vị thường trực. Tất nhiên, có những vấn đề không phải giải quyết ngay trong một tuần đó, ngày một ngày 2 nhưng đều có những cam kết thời gian giải quyết.
Tổ phản ứng nhanh 3 nhất ra mắt từ tháng 7 đến nay, những kiến nghị của các doanh nghiệp, công ty khi trao đổi, hỏi được giải quyết cơ bản. Tôi cho rằng, tổ này đáp ứng được rất hiệu quả các mục tiêu đặt ra và trở thành thương hiệu đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Từ áp lực lại tạo ra động lực để phát triển
Nhiệm kỳ 2020-2025, có thể nói là một nhiệm kỳ đặc biệt đối với tỉnh Bắc Ninh với đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, sáng tạo và bản lĩnh. Bản thân ông cũng là một lãnh đạo trẻ đã kinh qua nhiều vị trí. Nhân dịp đầu Xuân mới 2022, ông có chia sẻ, gửi gắm những gì tới nhân dân trong tỉnh, cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đã chọn và về Bắc Ninh để đầu tư, làm ăn?
-Chúng tôi cho rằng, với trách nhiệm của từng đồng chí cán bộ, công chức của tỉnh, đặc biệt trong năm 2021 với bối cảnh rất khó khăn từ thực tiễn đặt ra cũng như trong cả giai đoạn trước đây, Bắc Ninh có quá trình phát triển trong lịch sử và trong 25 năm tái lập tỉnh đã đạt được những kết quả rất to lớn, tạo ra bức tranh tổng thể trong sự phát triển bền vững với sự kết nối của truyền thống văn hóa, văn hiến của địa phương giàu bản sắc văn hóa.
Thứ hai, truyền thống đoàn kết của Đảng bộ tỉnh, cùng với đó quyết tâm quyết liệt, rất sáng tạo và linh hoạt của tỉnh trong việc xác định hướng đi của mình. Từ năm 1997, Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp và hiện nay đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hiện đại giàu bản sắc văn hóa.
Trong thời gian qua, đội ngũ các cấp luôn vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm rất cao. Đặc biệt trong thời điểm 2021 khi khó khăn đặt ra như vậy, từ áp lực lại tạo ra động lực cho cả hệ thống phải nỗ lực cố gắng vừa chống dịch lại vượt qua chính mình để triển khai hoàn thành được nhiệm vụ, đồng thời có động lực trong sự phát triển của tỉnh.
Từ việc địa phương có quyết sách sáng tạo, linh hoạt như thế, rồi từ khó khăn, thách thức như thế thì chúng ta phải có giải pháp để vượt qua, tạo ra động lực để chúng ta cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.
Thứ ba, trong những thời điểm cần sự quyết liệt, quyết tâm và sáng tạo, trong thời điểm đó đã tạo ra một sự bứt phá để khiến người ta có nhiều giải pháp, nhiều sáng kiến hơn trong triển khai, tổ chức thực hiện.
Từ khó khăn đó, cả hệ thống vào cuộc một cách quyết liệt. Khi chúng ta quyết tâm và có những giải pháp đúng và trúng thì cả hệ thống sẽ vận hành theo. Chúng tôi cho rằng, quan trọng nhất phải tạo ra động lực của cả hệ thống, cuốn tất cả mọi người vào công việc, cuốn tất cả mọi người vào trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ thì nó sẽ tạo ra những kết quả, tạo ra sức bật rất lớn.
Đối với cá nhân tôi, trong quá trình triển khai nhiệm vụ thì việc đầu tiên xác định được tinh thần trách nhiệm của mình, đồng thời xác định được việc mình phải làm, nỗ lực thực hiện các biện pháp như thế nào làm sao cho đúng, trúng, sáng tạo là rất quan trọng.
Cùng với đó là sự vào cuộc của cả hệ thống sẽ tạo ra sự đồng thuận chung hệ thống từ trên xuống dưới, trong đó có cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, sẽ tạo ra những kết quả đột phá và thậm chí nó còn tạo ra sự phát triển bền vững cho cả sau này.
Vừa rồi, Bộ Chính trị cũng có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Ở góc độ cá nhân, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Đương nhiên, sự đột phá, sáng tạo phải trong khuôn khổ quy định của những hành lang pháp lý. Rõ ràng muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm những đột phá, sáng tạo hay cải cách thì đều phải nằm trong những thiết chế về pháp lý, những hành lang pháp lý quy định.
"Phát huy tinh thần trách nhiệm làm sao tạo ra động lực thôi thúc từng cán bộ, cá nhân tham gia giải quyết công việc. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đương nhiên có động viên, tuyên dương, khích lệ những tập thể, cá nhân có vai trò, có những gương hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời có cái thể hiện kỷ cương, kỷ luật nghiêm túc trong triển khai nhiệm vụ. Làm như vậy sẽ tạo ra một sự nghiêm túc và vận hành của cả hệ thống theo đúng mong muốn, theo đúng chương trình, kế hoạch đã đặt ra".
(Ông Vương Quốc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)
Như vậy, làm thế nào chúng ta vận dụng được? Từ việc chúng ta nắm, hiểu và cải cách được những quy trình, cách làm thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những thủ tục hành chính. Nút thắt trong việc cải cách thủ tục hành chính đặt ra, nếu giải quyết được thì nó sẽ tạo ra một động lực rất lớn về mặt cơ chế đối với hoạt động trong việc giải quyết công việc.
Thứ hai, từ thực tiễn công việc, phải xác định đúng, trúng vấn đề mình phải giải quyết là gì.
Thứ ba, trong quá trình giải quyết công việc, việc xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, đôn đốc thường xuyên trong cả quá trình thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng. Việc này thể hiện bắt đầu từ khâu chúng ta xác định việc cần làm là gì, cách thức triển khai như thế nào, rồi giám sát việc thực hiện ra sao. Tiếp đến, việc triển khai để tạo ra sự đồng bộ trong cả hệ thống, nó không bị tắc, bị nghẽn ở điểm mấu chốt hoặc có nghẽn, có tắc thì giải quyết bằng cách nào. Chúng ta xác định đúng, trúng bản chất của vấn đề thì sẽ giải quyết được thông suốt trong cả hệ thống.
Thứ tư là, phát huy tinh thần trách nhiệm làm sao tạo ra động lực thôi thúc từng cán bộ, cá nhân tham gia giải quyết công việc. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đương nhiên có động viên, tuyên dương, khích lệ những tập thể, cá nhân có vai trò, có những gương hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời có cái thể hiện kỷ cương, kỷ luật nghiêm túc trong triển khai nhiệm vụ. Làm như vậy sẽ tạo ra một sự nghiêm túc và vận hành của cả hệ thống theo đúng mong muốn, theo đúng chương trình, kế hoạch đã đặt ra.
Xin trân trọng cảm ơn ông!