Cùng đi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các Bí thư Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Thanh Long; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Tổng Bí thư.
Tỉnh dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, xuất khẩu
Báo cáo với Tổng Bí thư những thành tựu nổi bật của Bắc Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, phát huy truyền thống và những tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh, cùng với thế và lực của đất nước đã tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tỉnh Bắc Ninh phát triển từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, cơ sở hạ tầng khó khăn, đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong năm 2021, tỉnh Bắc Ninh có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trong đó, 10/15 chỉ tiêu quốc gia đánh giá xếp hạng tốp 10 và 5/15 chỉ tiêu đứng thứ nhất. Quy mô nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 8 toàn quốc.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 -2021 đạt 13,9%/năm. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần năm 1997, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020, đứng thứ 13 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.
Cơ cấu kinh tế tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2021: Khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 77,3%; dịch vụ 16,1%; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 2,7%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 3,9% (Cơ cấu cùng kỳ năm 1997 là: 23,8% - 31,2% - 45%).
Quy mô công nghiệp tăng nhanh, đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh thành lập 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước.
Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án, tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,2 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB…
Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61,9 nghìn tỷ đồng, gấp 65 lần năm 1997; xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, đứng thứ nhất cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế luôn được quan tâm chăm lo và đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực. Đặc biệt là các giá trị văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy, trở thành một động lực tăng trưởng của tỉnh và giữ gìn hồn cốt quê hương Kinh Bắc.
An sinh xã hội được bảo đảm và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 1997 là 10,35%, đến năm 2021 giảm còn 1,15%. Quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đối ngoại được mở rộng, là một trong tốp các tỉnh hàng đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay đã có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư 21,2 tỷ USD trên địa bàn tỉnh.
Công tác quy hoạch được quan tâm chỉ đạo xây dựng theo hướng đồng bộ, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với mục tiêu xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa từ 9% năm 1997 lên 38% năm 2021.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII), gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung triển khai nghiêm túc, đạt kết quả tích cực.
Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến; chú trọng xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên.
Phấn đấu trở thành thành phố có công nghiệp phát triển, hiện đại, giàu bản sắc
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Bắc Ninh - Kinh Bắc từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng; là phên dậu phía Bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô - Hà Nội; có Luy Lâu từng là trung tâm chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - tôn giáo và cổ xưa nhất của Việt Nam; nơi phát tích của Vương triều Lý - triều đại khai mở, phát triển nền văn minh Đại Việt; có nhiều di tích, danh nhân, chiến công chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Trong dòng chảy của nền văn minh sông Hồng, Kinh Bắc đã sáng tạo nên một kho tàng các di sản văn hóa đặc sắc; vùng đất trăm nghề với những nghệ nhân vô cùng khéo léo, được mệnh danh là xứ sở của lễ hội dân gian truyền thống, đặc biệt là dân ca quan họ với những làn điệu mượt mà, đằm thắm, say đắm lòng người, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; thể hiện sự hội tụ và kết tinh sinh động, đa dạng các giá trị văn hóa tinh thần và những tài sản quý báu, chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất và con người xứ Kinh Bắc.
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước gần đây, Bắc Ninh cũng có nhiều người con ưu tú như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo... và nhiều đồng chí khác được lưu danh.
Phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng, cùng với những tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh, đã hun đúc, tạo tiền đề thuận lợi để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát triển đi lên trong giai đoạn mới. Đến nay, Bắc Ninh cơ bản đã trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đạt được trong 25 năm qua và đặc biệt là năm 2021 trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất tốt đẹp, đáng tự hào.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, năm 2022 và những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tình hình dịch Covid-19. Đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặt ra nhiều vấn đề mới.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và các chương trình, kế hoạch đã đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục phát huy thật tốt truyền thống vẻ vang, anh hùng để xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, trở thành Đảng bộ tiêu biểu của cả nước.
"Đảng bộ tỉnh cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến những quyết định của Đại hội thành hiện thực sinh động, đưa Bắc Ninh tiếp tục tiến lên mạnh mẽ, phấn đấu đến trước năm 2030, trở thành thành phố có công nghiệp phát triển, hiện đại, văn minh, giàu đẹp, giàu bản sắc, phấn đấu là một trong những tỉnh đi đầu về chất lượng cuộc sống và sự hưởng thụ của nhân dân" - Tổng Bí thư lưu ý.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phát triển kinh tế phải đi đôi với coi trọng, phát triển hài hòa các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đặc biệt chú trọng nhiệm vụ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh nói riêng cũng như nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, tỉnh Bắc Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đối với những người có công với nước, những hộ nghèo, người lao động mất việc làm, không có thu nhập vì dịch bệnh.
"Trước mắt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm, tạo mọi điều kiện để các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, công nhân, lao động và toàn dân vui Xuân đón Tết Nhâm Dần sắp tới thật vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác đã tới dâng hương tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; xem in tranh dân gian Đông Hồ; gặp mặt các nghệ nhân biểu diễn Quan họ Bắc Ninh.
Trong mọi thời kỳ lịch sử, vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh đã sản sinh ra những anh tài nhân kiệt, được lịch sử dân tộc ghi danh, là hình ảnh rất rõ nét đại diện cho đặc trưng sĩ phu Bắc Hà về học vấn - nhân cách - khí tiết.
"Chính vì lẽ đó, tôi rất mong quê hương Bắc Ninh chúng ta sẽ tiếp tục phát huy sao cho mỗi khi nhắc đến Bắc Ninh là nhắc đến một vùng quê giàu đẹp, văn minh, thanh lịch; người Bắc Ninh hào hoa, tài giỏi, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc của "người Kinh Bắc". Cán bộ, đảng viên càng phải hết lòng, hết sức tận tâm, tận lực vì nước, vì dân" - Tổng Bí thư nói.