Chương trình Hạt giống cho Tương lai được triển khai lần đầu tiên vào năm 2008 với mục tiêu phát triển các tài năng ICT trong khu vực, thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia, giao lưu văn hoá và mang đến nhiều cơ hội nghiên cứu các công nghệ ICT tân tiến, xây dựng chuyên môn và kỹ năng thực tế cho người tham gia. Cuộc thi Tech4Good là dự án mới thuộc chương trình Hạt giống cho Tương lai, được triển khai lần đầu tiên vào năm 2021. Tại cuộc thi, các bạn sinh viên cần nhìn nhận được các vấn đề xã hội, dựa vào năng lực ICT đã được đào tạo xuyên suốt chương trình để đưa ra các giải pháp từ công nghệ. Bên cạnh đó, cuộc thi này cũng được thiết kế để đào tạo, phát triển khả năng lãnh đạo và hoạt động nhóm thông qua các bài tập và bài thi theo mô hình hoạt động đội nhóm.
Nhận thấy số lượng người khiếm thính đang gia tăng và nhu cầu giao lưu với những người xung quanh ngày một lớn, đặc biệt trong môi trường giáo dục và làm việc, nhóm sinh viên Việt Nam dự thi Tech4Good đã cho ra mắt ứng dụng di động Earlie nhằm hỗ trợ người khiếm thính trong quá trình giao tiếp. Ứng dụng Earlie được sử dụng công nghệ AI, cho phép nhận diện giọng nói, chuyển đổi thành văn bản và chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu thành giọng nói, cho phép mọi người có thể giao tiếp với người khiếm thính thông qua phiên dịch ảo. Với mong muốn tạo ra sự bình đẳng cho những người khiếm thính ở mọi khía cạnh, Đội Việt Nam VN01 với thành viên đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông (bạn Nguyễn Quốc Hùng), Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (bạn Đặng Lê Tưởng Vy), Đại học Công nghệ Swinburne (bạn Nguyễn Hoàng Hải), Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguyễn Việt Phương) tin rằng Earlie có thể hỗ trợ gỡ bỏ những rào cản, xây dựng sự kết nối giữa những người khiếm thính và người bình thường trong giao tiếp hàng ngày.
Tham dự tại buổi lễ trao giải của Tech4Good, Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, đã bày tỏ: "Tôi rất vui và tự hào khi được biết đội Việt Nam đã đạt giải Nhì trong cuộc thi này, đặc biệt là khi biết về ý nghĩa của dự án ứng dụng di động Earlie đối với người khiếm thính trong giao tiếp. Tôi mong rằng, trong tương lai, các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các ý tưởng, cải tiến sản phẩm công nghệ để đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội". Bên cạnh đó, ông cũng dành lời cám ơn đến Tập đoàn Huawei vì đã tổ chức chương trình Hạt Giống cho Tương lai và cuộc thi Tech4Good, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên gặp gỡ, tranh tài và trao đổi ý tưởng để đem đến những giải pháp tích cực giải quyết các vấn đề xã hội. "Trong bối cảnh này, đào tạo nguồn lực ICT đang được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt lên ưu tiên hàng đầu", Ông Hồng chia sẻ thêm.
Em Nguyễn Quốc Hùng, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đội trưởng Đội VN01, đã chia sẻ: "Sau khi tham gia chương trình Hạt giống cho Tương lai và cuộc thi Tech4Good Global của Huawei, chúng em không chỉ được nâng cao kiến thức ICT mà còn biết cách thực tế hoá những ứng dụng công nghệ mới vào xã hội qua những mô hình kinh doanh, ứng dụng xã hội. Nội dung cuộc thi cũng khiến em hiểu được với vai trò là một lập trình viên trong tương lai, là nguồn lực ICT trẻ của Việt Nam, năng lực là yếu tố cần thiết, nhưng khả năng nhận biết và đánh giá những vấn đề khó khăn, các yêu cầu cấp thiết trong xã hội để đưa ra những giải pháp thiết thực từ công nghệ cũng là yếu tố quan trọng không kém". Kết thúc mùa đầu tiên, Quốc Hùng cũng hy vọng rằng, trong tương lai, cuộc thi Tech4Good sẽ tiếp tục được tổ chức để các bạn học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, đặc biệt các bạn Việt Nam có nhiều cơ hội cùng giao lưu về năng lực và ý tưởng ICT cho tương lai.
Tại buổi trao giải, Bà Catherine Chen, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Hội đồng quản trị của Huawei vui mừng chia sẻ các con số kỉ lục của chương trình năm nay: 3.500 thí sinh tham gia đến từ 117 quốc gia, mang đến tổng số 120.000 thành viên trong 13 năm, đại diện cho 139 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Bà Chen cho biết: "Những phản hồi tích cực và tình cảm của mọi người dành cho chương trình này thực sự khiến tôi cảm động. Niềm đam mê và động lực phát triển của thế hệ trẻ các bạn chưa bao giờ làm tôi ngừng ngạc nhiên". Bên cạnh đó, bà cũng chia sẻ thêm về mục đích của chương trình trong việc thúc đẩy sự thống nhất và hợp tác trong một môi trường cạnh tranh quốc tế, bên cạnh những mục tiêu xã hội khác. "Chương trình Hạt giống cho Tương lai năm nay đã có hơn một nửa các thí sinh tham gia đến từ hơn 20 quốc gia là nữ. Công nghệ là lĩnh vực phi giới tính, một thế giới đa dạng, hoà nhập và không ngừng đổi mới cần có quan điểm và sức mạnh của phụ nữ. Chúng tôi mong rằng trong những năm tới, có thể nhìn thấy ngày một nhiều hơn nữa lực lượng nữ giới tham gia vào sự phát triển của khoa học và công nghệ."