Dân Việt

"Sẽ có 85 triệu công việc cũ mất đi, 97 triệu công việc mới xuất hiện nhờ công nghệ”

Huỳnh Dũng 27/01/2022 09:36 GMT+7
Indonesia khuyến khích chuẩn bị tư thế hòa nhập vào bối cảnh kỹ thuật số thông qua nâng cao kỹ năng và đào tạo lại kỹ năng, khi 97 triệu công việc mới có thể xuất hiện nhờ công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia Johnny G. Plate, ông khuyến khích mọi người tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của họ phù hợp với số lượng các loại công việc mới do áp dụng công nghệ tăng vọt trong tương lai. Dự báo sẽ có 85 triệu công việc cũ có thể mất đi và 97 triệu công việc mới có thể xuất hiện, điều này là do sự phân công lao động giữa con người, máy móc và thuật toán. Các công việc mới đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng mềm ở mức độ cao hơn so với các giai đoạn phát triển truyền thống trước đây.

Một báo cáo mới cho thấy, vào năm 2025 sẽ có 43% doanh nghiệp truyền thống trong ngành công nghệ giảm hoặc phải giảm số lượng lao động do hệ quả của việc áp dụng tích hợp công nghệ ngày càng phổ biến và chiếm vị thế quan trọng. Việc tăng cường kỹ năng kỹ thuật số và kỹ năng mềm phù hợp với sự phát triển công nghệ cho lực lượng lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ của Indonesia có thể được thực hiện thông qua nâng cao kỹ năng kỹ thuật số và đào tạo lại nếu thấy cần thiết.

Indonesia: "Sẽ có 85 triệu công việc cũ mất đi và 97 triệu công việc mới xuất hiện nhờ công nghệ". Ảnh: @AFP.

Indonesia: "Sẽ có 85 triệu công việc cũ mất đi và 97 triệu công việc mới xuất hiện nhờ công nghệ". Ảnh: @AFP.

"Các loại công việc mới đang xuất hiện và có nhu cầu nhân sự lao động ngày càng tăng bao gồm nhà phân tích và khoa học dữ liệu, chuyên gia dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyên gia học máy, chuyên gia chiến lược và tiếp thị kỹ thuật số. Các loại công việc khác sẽ phát triển là kỹ sư năng lượng tái tạo, chuyên gia tự động hóa quy trình, chuyên gia Internet vạn vật (IoT), chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số, dịch vụ kinh doanh và quản lý điều hành mạng viễn thông 5G, 6G; và các chuyên gia phát triển kinh doanh công nghệ và tin học, vi mạch…", Johnny G. Plate, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông Tin Indonesia cho biết rõ trong một tuyên bố mới nhất.

Không chỉ dừng tại đó, Chính phủ Indonesia sẽ tiếp tục khuyến khích các khu vực tư nhân ở Indonesia từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhanh chóng thích nghi, đáp ứng tuyển dụng nhân lực phù hợp với nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số của nước nhà trong tương lai. Do đó, chính phủ Indonesia chắc chắn hoan nghênh các sáng kiến của khu vực tư nhân trong việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng công nghệ, chuyển đổi số cao.

Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joko Widodo nhiệm kỳ 2019-2024 có 5 điểm quan trọng, một trong số đó là phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, chính phủ cũng tăng tốc và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng, mời gọi đầu tư rộng rãi nhất có thể để tạo nhân lực, việc làm, cải cách bộ máy hành chính.

Trong bối cảnh yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý nhân tài, trọng tâm của phát triển nguồn nhân lực cũng hướng đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Có thể thấy, một quốc gia hùng mạnh là một quốc gia có nguồn nhân lực mạnh mẽ và vĩ đại, có trình độ, chất lượng cao tương quan với bước phát triển đi lên của tổng thể một đất nước.

Cụ thể, trong việc cải thiện nguồn nhân lực ưu việt, chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục, thông qua việc mở rộng các chương trình học bổng, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cải tiến văn hóa số, khuyến khích các trường đại học dần bổ sung nâng cao chương trình đào tạo công nghệ, chuyển đổi số ngay từ ghế giảng đường, cũng như phát triển nghiên cứu và đổi mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài phù hợp, tránh để hao phí nguồn lực.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tiến hành phát triển cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt là trong thời kỳ đầu tiên Tổng thống Joko Widodo lãnh đạo. Theo Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia, bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số hiện nay, việc phát triển hạ tầng số đã và đang được Chính phủ và các đối tác đẩy mạnh và cần cân đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhân tài chất lượng và trình độ công nghệ cao.

Chỉ số am hiểu kỹ thuật số của Indonesia tăng lên. Ảnh: @AFP.

Chỉ số am hiểu kỹ thuật số của Indonesia tăng lên. Ảnh: @AFP.

Cũng theo báo cáo của OpenGov Asia, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo đã nhấn mạnh việc tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia trên 5 khía cạnh, một trong số đó liên quan đến việc tăng tốc mở rộng truy cập viễn thông, tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và cung cấp dịch vụ internet.

Vào năm 2021, Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin của Indonesia đã xây dựng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm tất cả các khía cạnh. Bộ cũng đã tổ chức lại phổ tần số vô tuyến điện từ để tối ưu hóa chất lượng của dịch vụ mạng 4G, phát triển mạng 5G và đã đạt được thành công đầu tiên từ chương trình Analog Switch Off (ASO).

Cũng theo báo cáo của OpenGov Asia, trong phép đo khảo sát mới thì Chỉ số am hiểu Kỹ thuật số của Indonesia năm 2021 trung bình đạt 3,49, trong đó hạng mục am hiểu Văn hóa Kỹ thuật số có số điểm cao nhất được ghi nhận với 3,9 trên thang điểm 5. Hơn nữa, các hạng mục là am hiểu Đạo đức kỹ thuật số với số điểm là 3,53, và Kỹ năng số với số điểm là 3,44.

Việc đo lường chỉ số am hiểu kỹ thuật số này không chỉ để tìm ra thực trạng của tỷ lệ biết am hiểu, khả năng áp dụng, tỉ lệ thích nghi kỹ thuật số của người dân ở Indonesia, mà còn để đảm bảo rằng các nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ biết am hiểu kỹ thuật số của người dân tại quốc gia này cũng sẽ được nhắm mục tiêu rõ ràng và nhiều hơn.

So với Chỉ số hiểu biết về kỹ thuật số năm 2020, chỉ số này năm 2021 đã tăng lên từ 3,46 lên 3,49. Việc đo lường Chỉ số am hiểu Kỹ thuật số năm 2021 được thực hiện thông qua một cuộc khảo sát trực tiếp với 10.000 người trả lời từ 514 quận và thành phố ở Indonesia. Đặc điểm của đối tượng được hỏi là người sử dụng Internet từ 13-70 tuổi. Kết quả nghiên cứu này cũng là tiền đề quan trọng trong lộ trình xóa mù kỹ thuật số của Indonesia 2021-2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia biên soạn.

"Chúng tôi muốn tiếp tục đẩy nhanh và liên tục theo dõi mức độ hiểu biết kỹ thuật số của mọi người. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng và ngày càng mang tính chiến lược của công nghệ kỹ thuật số đối với cuộc sống của người dân Indonesia ngày nay", Semuel Abrijani Pangerapan, Cục trưởng Cục Ứng dụng Tin học thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin Indonesia cho biết trong một tuyên bố.

Ngoài việc đo lường chỉ số biết đọc biết viết, cuộc khảo sát còn phân tích hành vi của người dùng internet ở Indonesia. Thông qua cuộc khảo sát này, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng người dân quốc gia này ngày nay đã dần nâng cao kỹ năng làm rõ tin tức giả mạo. Điều này được thể hiện qua việc ngày càng có nhiều người chăm chỉ tìm kiếm thông qua các công cụ tìm kiếm trên không gian mạng để có được sự thật từ các thông tin đáng nghi ngờ.

Huỳnh Dũng  -Theo Opengovasia