Lúc xong cũng là cuối năm, tôi vui mừng khỏi nói vì tết năm nay mình có nhà mới để khoe khoang cùng chúng bạn. Đêm, gió bấc lùa hun hút vào trong mấy gian nhà trống tênh vì mẹ mãi chưa mua mành treo lên cửa. Tôi khoái trí nằm cuộn tròn trong cái ổ rơm bố mới trải, quên giá rét nhìn lên mái nhà ngắm những cây tre làm đòn tay đều đặn và thẳng tắp, trong đầu tưởng tượng tết đến, có nhà đẹp thế này vui phải biết.
Bố tôi ngồi bó gối bên cây đèn dầu leo lét nghe tin tức đông tây bằng chiếc radio bé tí trên chiếc phản cũ kỹ. Gian giữa nhà kê chiếc bàn thờ cũng đã cũ, mùi nhang đen đang cháy và hương của trái bưởi vàng ươm quyện lại vô cùng đặc biệt, người ta chỉ gặp nó khi năm cũ đang dần đi đến những ngày cuối rốt. Mẹ tôi thì đang lúi húi sửa soạn gánh trầu cau cho buổi mai đi chợ sớm…
Thoáng cái đã đến 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo sắp lên trời chầu rồi mà tôi vẫn chưa thấy mẹ mua đỗ hay lá dong chuẩn bị gói bánh. Cái thùng nấu bánh cũ đã thủng vẫn chưa được đem hàn. Củi gộc thì đã chuẩn bị từ dạo làm nhà, những đầu mẩu gỗ thừa đã được cất đi để dành đun bánh. Hôm nào đi học về tôi cũng vào bếp ngó xem có thấy gì mới chưa mà căn bếp vẫn yên ắng như ngày thường.
Buổi chiều, ra đồng tưới luống su hào, hành củ dành ăn tết, chị tôi bảo chắc năm nay nhà mình sẽ không gói bánh chưng và không mua quần áo mới cho chúng tôi đâu vì bố mẹ đã làm nhà hết tiền. Tôi nghe mà lòng buồn vô cùng, như thể vừa tuột mất cái gì đó quý giá lắm. Bữa cơm chiều, tôi chỉ ăn có một bát cơm rồi lặng lẽ ngồi vào học bài sớm. Tôi cũng chẳng dám mè nheo đòi hỏi chuyện quần áo hay guốc dép mới như mọi bận nữa.
Mấy hôm sau đến lớp, lũ bạn rôm rả hỏi nhau chuyện quần áo, tôi cũng chỉ im lặng lảng sang chuyện khác chứ chẳng dám nói ra năm nay nhà mình sẽ không làm tết như nhà chúng nó. Những ngày u ám cứ dần qua, tôi vẫn đi học và ra đồng tưới rau, lòng chỉ mong bây giờ mới là mùa hè thì hay biết mấy.
Hôm ấy buổi học cuối năm cũng đã kết thúc, tôi đi học về, mới bước chân vào cổng, thằng em tôi đã lao vút ra kéo tôi ngay vào bếp, nó chỉ vào cái nồi nấu bánh chưng to tướng và sáng choang. Cạnh đó là lá dong, đỗ xanh, măng, miến...
Ui chao, đủ thứ cho một cái tết to. Tôi như thấy mình đang bay trong một giấc mơ tuyệt đẹp, chúng tôi nhảy nhót xung quanh cái nồi có phép thuật ấy mà cười mà hét vang nhà. Tới xế trưa, mẹ tôi mới gánh hàng về chợ, nhiều thứ quá, bố tôi phải mang xe đạp đi chở giúp.
Thì ra tết đến, gánh trầu cau của mẹ đắt hàng. Cau tươi đắt, mua vào không đủ bán ra. Những tải cau khô mẹ bổ phơi từ dạo trước, giờ mới mang ra bán lại được nhiều người ăn trầu thuốc ưa chuộng. Mới qua vài buổi chợ mà đã bán được khoản tiền đủ để mua sắm một cái tết đầy đủ. Bán hết chỗ cau khô ấy thì chắc cả nhà sẽ có một cái tết ra trò.
Mấy buổi chợ sau đó, mẹ lại mua về nào chuối, nào bưởi. Có cả những quả quýt đỏ rực, những quả trứng gà vàng ươm, tươi tắn còn nguyên cả cành lá để bày mâm ngũ quả và một bó nhang thơm loại đặt biệt do người bạn buôn hương để phần thắp tết. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đi ra xếp hàng ở của hàng hợp tác xã chờ mua mấy hộp mứt, gói chè sen và chai rượu màu về bày lên bàn thờ cho đầy đủ hương vị tết.
Buổi chợ cuối năm, bố tôi tự tay lựa chọn mấy bức tranh tết mang về treo lên tường khiến cho ngôi nhà tôi trở nên vô cùng khác lạ, chỉ mới bước vào thôi đã thấy ngày xuân lung linh tràn ngập khắp ba gian nhà. Chị em tôi đứa nào cũng được mua đầy đủ cả quần áo và dép nhựa mới, vô cùng ưng ý. Chỗ cửa trống cũng được bố mẹ mua mành tre treo vào khỏi lo gió rét lùa vào những đêm cuối năm lạnh buốt.
Sáng mùng một, sau khi dâng mâm cỗ cúng tổ tiên có đủ rượu màu, bánh chưng, thịt gà, canh măng, canh miến… tôi ra sân và thấy khói hương vấn vương luồn qua mái ngói một chốc rồi tan đi trong gió…