Ngày 25/1, UBND TP.HCM đã có quyết định cho phép trẻ em thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.
UBND TP đưa ra lộ trình cụ thể: Từ ngày 7/2, các cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.
Từ ngày 10/2 đến 13/2, các cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ; tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.
Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường, học tập trực tiếp.
Trước đó, hầu hết các cơ sở giáo dục đều khảo sát, lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đi học sau Tết Nguyên đán.
Tại Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn/căn tin, hoạt động nội trú, bán trú trong trường học, ông Trần Văn Toản - Trưởng Phòng GDĐT huyện Củ Chi cho biết, đơn vị này nhận được những tín hiệu rất tích cực từ phụ huynh thông qua khảo sát.
Kết quả khảo sát của các nhà trường cho thấy, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận ở bậc tiểu học là 78,8%; mầm non là 78,25%, lớp 6 tỷ lệ cũng tương đương. Đây là con số cao nhất so với trước đây, khi mà Củ Chi là địa phương phải cho học sinh khối 9, 12 đi học thí điểm muộn nhất vì phụ huynh chưa đồng thuận.
Tương tự, ông Đặng Nguyễn Thịnh - Trưởng Phòng GDĐT quận 7 cũng cho biết, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con trở lại trường ở bậc mầm non khoảng 50%; tiểu học 79% và khối 6 hơn 83%.
Tại quận 1, lãnh đạo phòng GDĐT cho biết, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận ở bậc mầm non là 59%, tiểu học là 81,15%, lớp 6 là 50,7%. Tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh về việc tổ chức bán trú là tiểu học là 69,8%, mầm non là 60,08%.
Đại diện Phòng GDĐT quận Gò Vấp cũng cho biết, nhiều trường tiểu học có kế hoạch tổ chức hoạt động căng tin, bán trú cho học sinh và nhận được tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh cao.
Hiện, quận đang thẩm định phương án an toàn phòng chống dịch khi đón học sinh đi học trực tiếp của các trường tiểu học, mầm non.
Tại cuộc họp giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác trọng tâm của năm học 2021 - 2022 của ngành giáo dục mầm non thành phố, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non cho biết, để đảm bảo an toàn và từng bước thích ứng linh hoạt, xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra trong cơ sở giáo dục mầm non khi mở cửa đón trẻ đi học trở lại, dự kiến thời gian đầu các cơ sở mầm non sẽ chỉ tổ chức chăm sóc, giáo dục cho trẻ mẫu giáo từ 3 - 6 tuổi.
Đồng thời, các cơ sở mầm non chuẩn bị điều kiện để tổ chức bữa ăn bán trú, nhưng chưa tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường.
Trao đổi về vấn đề này, một phụ huynh tại quận 12 thắc mắc, tại sao không tổ chức ăn sáng cho các bé mầm non khi tổ chức học trực tiếp trở lại. Theo vị phụ huynh này, mục đích của việc trẻ đến trường là để đảm bảo nhu cầu học tập và giải phóng thời gian chăm sóc trẻ để phụ huynh yên tâm làm việc.
Theo vị phụ huynh này, việc cho bé ăn sáng tại nhà sẽ tốn rất nhiều thời gian của bố mẹ. Điều này cũng dẫn đến tình trạng trẻ tới lớp muộn, phụ huynh thì trễ giờ làm. Thiết nghĩ, việc bố trí ăn sáng hay không nên giao quyền tự quyết cho từng cơ sở giáo dục. Nếu đảm bảo được công tác nhân sự và phòng dịch thì nên thực hiện luôn việc ăn sáng cho trẻ.
"Hơn nữa, tôi chưa thấy có một nghiên cứu hoặc thống kê nào cho rằng ăn sáng tại trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh cả. Trong khi suốt cả thời gian sau đó các bé phải học chung và sinh hoạt chung trong một không gian giống nhau. Do đó, việc không phục vụ bữa sáng không mang ý nghĩa phòng dịch", phụ huynh này nói.
Một phụ huynh khác đồng quan điểm, cho biết: "Không hiểu mục đích việc không tổ chức ăn sáng có tác dụng gì trong phòng chống dịch? Trong khi vẫn bán trú, ăn trưa, ăn xế... hy vọng rằng, việc này chỉ diễn ra trong một tuần đầu để các trường thích ứng, sau đó mở rộng dần. Chứ nếu cho trẻ đi học, mà không tổ chức ăn sáng thì rất bất tiện".
Diễn tập các phương án nhuần nhuyễn
Theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TP.HCM, để việc tổ chức học tập trực tiếp được diễn ra an toàn, suôn sẻ thì các phòng giáo dục phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương kiểm tra, thẩm định, phê duyệt phương án phòng chống dịch của các cơ sở mầm non, tiểu học.
Đồng thời, các cơ sở phải đảm bảo rằng trước khi dạy học trực tiếp, phương án đã được phê duyệt. Các cơ sở tổ chức bán trú sau Tết Nguyên đán 2022 cần tuân thủ theo đúng bộ tiêu chí thực hiện hoạt động này.
Đặc biệt, các trường mầm non, tiểu học phải tổ chức diễn tập thật kỹ việc đón học sinh, xử lý các tình huống về dịch trong nhà trường, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương để vận hành mọi quy trình được trơn tru, không lúng túng, bị động.