Tần Thủy Hoàng (18 tháng 2 năm 259 TCN - 10 tháng 9 năm 210 TCN) nổi tiếng là vị vua Trung Hoa tàn độc và điên cuồng với ước mơ trường sinh bất tử, muốn sống trường tồn để trị vì thiên hạ.
Kể từ khi những bức tượng chiến binh đất nung lần đầu được phát hiện, mãi cho đến ngày nay, các sử gia, nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn bên trong ngôi mộ 2000 năm tuổi của vị hoàng đế này. Theo đó, quá trình tìm hiểu về lăng mộ Tần Thủy Hoàng không thể tiến sâu hơn vì các nhà khoa học tin rằng bên trong ngôi mộ này có rất nhiều cạm bẫy chết người, đặc biệt dòng sông thủy ngân khổng lồ.
Thủy ngân vốn là chất kịch độc, có thể nguy hại khôn lường với sức khỏe con người chỉ với liều lượng nhỏ. Cũng bởi thế nên Tần Thủy Hoàng đã lấp đầy lăng mộ bằng thứ chất này để ngăn chặn những kẻ trộm mộ tấn công nơi yên nghỉ của mình.
Ngoài việc đề phòng bọn trộm mộ, Tần Thủy Hoàng cần đến một lượng lớn thủy ngân như vậy là vì thủy ngân là kim loại nặng, hình dạng giống như nước nên được dùng để mô phỏng núi sông trong lăng mộ. Hơn nữa, thủy ngân không dễ bay hơi hoặc oxy hóa, không phản ứng hóa học với các thành phần của không khí, do đó, 100 tấn thủy ngân đã được Tần Thủy Hoàng giữ trong lăng mộ suốt ngần ấy năm.
Quả thật, phương pháp này thực sự đem lại hiệu quả khi mà mãi hơn 2.000 năm sau, lăng mộ dưới lòng đất này vẫn là một ẩn số khiến không ít nhà khoa học đau đầu vì có quá nhiều thủy ngân trong đó, ngăn cản việc nghiên cứu sâu hơn về lăng mộ của vị vua hung tàn này.
Tuy nhiên, một câu hỏi khác lại được đặt ra là : Vậy, 100 tấn thủy ngân trong địa lăng của Tần Thủy Hoàng từ đâu mà có ? Ai là người đã cung cấp chúng?
Ở thời cổ đại, người Trung Quốc chủ yếu khai thác thủy ngân từ Chu Sa. Vì vậy, các nhà nghiên cứu tin rằng rất có thể 100 tấn thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng là do bà chủ của mỏ khoáng sản Chu Sa lớn nhất nước Tần cách đây hơn 2.000 năm cung cấp.
Sử sách ghi lại, vào thời nhà Tần, có một người phụ nữ tên Ba Thanh được xem là ngườu sở hữu nhiều mỏ chu sa nhất lúc bấy giờ và được vua Tần kính trọng.
Tương truyền rằng, Ba Thanh là một phụ nữ bình thường được gả vào một gia đình giàu có ở đất Ba Thục. Sau cái chết của chồng, bà thủ tiết và tiếp quản khối tàn sản to lớn của gia tộc, trong đó có các mỏ khoáng sản chu sa. Với tài năng của người phụ nữ bản lĩnh, sản lượng chu sa hàng năm tăng mạnh, danh tiếng của bà lan tỏa khắp vùng, thậm chí việc làm ăn phát đạt của gia tộc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của nước Tần khi đó.
Bên cạnh đó, lúc bấy giờ, Thái hậu Triệu Cơ là người phóng túng, trụy lạc nên hành động thủ tiết thờ chồng của Ba Thanh rất được lòng Tần Thủy Hoàng. Thậm chí, vị vua này còn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình bằng cách "ngỏ ý" muốn mời quả phụ này vào cung.
Ngoài ra, việc "rước" người phụ nữ này vào cung còn có một nguyên nhân khác sâu xa hơn. Theo một số ghi chép, Chu Sa thời đó không chỉ được dùng để luyện thủy ngân mà còn được dùng để chế thuốc "trường sinh" - là tiên dược mà vua Tần đang ráo riết tìm kiếm.
Trong khi đó, Ba Thanh là bà chủ của mỏ khoáng sản Chu Sa lớn nhất nước Tần, vì thế mà Tần Thủy Hoàng đã "mời" bà vào cung để có thể tác động và kiểm soát tất cả các mỏ chu sa nhằm phục vụ cho mục đích trường sinh của mình. Trước khi qua đời, toàn bộ lăng mộ của vị hoàng đế này được bao phủ bởi một "dòng sông" thủy ngân, cho tới nay, đây vẫn là một thách thức lớn với hậu thế khi muốn khám phá bí mật bên trong khu lăng mộ này.