Thời Tam Quốc có rất nhiều danh tướng kiệt xuất như Lữ Bố, Điển Vi, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân... Những nhân vật này đều đạt được thành công và địa vị khi tuổi đời còn rất trẻ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số tướng lĩnh phải đến tuổi già mới thành danh, tiếng vang khắp thiên hạ.
Lão tướng nổi tiếng hàng đầu thời Tam Quốc hiển nhiên phải kể đến Hoàng Trung.
Hoàng Trung, tự Hán Thăng, người ở Nam Dương (Hà Nam). Thời trẻ, ông là thuộc hạ của Lưu Biểu và đảm đương chức vị Trung lang tướng. Chỉ tiếc Lưu Biểu là vị quân chủ yếu kém, không thể tận dụng hết tài năng của Hoàng Trung, khiến ông luôn "vô hình" trong giới tướng lĩnh kiệt xuất. Sau khi Chu Du đánh bại Tào Tháo ở trận Xích Bích, Lưu Bị tiến quân đến chiếm Kinh Châu. Hoàng Trung quy phục Lưu Bị.
Sau khi phục vụ dưới trướng của Lưu Bị, tài năng của Hoàng Trung được bộc lộ mạnh mẽ. Thế nhưng lúc này, ông cũng đã bước vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy".
Hoàng Trung được miêu tả trong tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" như là một vị tướng già nhưng sức địch muôn người, lập nhiều công lao cho Lưu Bị và là một trong Ngũ hổ tướng của quân Thục gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Hoàng Trung và Triệu Vân.
Nghiêm Nhan là danh tướng dưới quyền của Lưu Chương, đảm nhận chức Thái thú Ba quân.
Năm Kiến An thứ 19 (năm 214), Lưu Bị phái Trương Phi tấn công Ba quân khiến Nghiêm Nhan phải chịu thất bại thê thảm. Thế nhưng, Nghiêm Nhan vẫn nhất quyết không chịu đầu hàng. Một câu nói tạo nên danh tiếng muôn đời cho ông chính là: "Đời này chỉ có tướng quân đứt đầu, chứ không có tướng quân đầu hàng!".
Trương Phi nổi giận muốn chém Nghiêm Nhan. Vị tướng già vẫn mạnh miệng nói: "Chém thì cứ việc chém, hà cớ gì phải tức giận?".
Trương Phi chứng kiến được thái độ uy nghiêm và tinh thần bất khuất của Nghiêm Nhan nên đã chừa cho ông con đường sống.
Sách cổ Trung Quốc có câu: "Thục trung vô đại tướng, Liêu Hóa tác tiên phong". (Tạm dịch: Nước Thục không có tướng giỏi nên mới để Liêu Hóa làm tướng tiên phong)
Câu nói trên đã khiến nhiều người cho rằng Liêu Hóa không có tài năng và đánh giá thấp con người của ông. Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự của câu nói phải là: Thời kỳ Thục Hán hiếm nhân tài tướng lĩnh nên mới đành cho Liêu Hóa tuổi đã già nhưng vẫn phải dẫn binh tham gia chiến trường.
Liêu Hóa, tự Nguyên Kiệm, là tướng lĩnh Quý Hán thời Tam Quốc. Liêu Hóa vốn là một thư lại ở Kinh Châu, theo Quan Vũ khi đã trung tuần. Sau khi Quan Vũ thất bại ở trận Phàn Thành, Liêu Hóa bị quân Đông Ngô bắt được.
Để trở về với chủ mình là Lưu Bị, ông đã dàn dựng và khiến cho mọi người tin rằng ông đã chết. Thực ra, ông đã đưa mẹ chạy thẳng về phía Tây, và gặp Lưu Bị khi đó đang dẫn quân đánh Đông Ngô báo thù cho Quan Vũ.
Lúc Lưu Bị mất ở thành Bạch Đế, Liêu Hóa làm cố vấn cho thừa tướng Gia Cát Lượng. Sau đó, ông đã tham gia nhiều trận đánh trong chiến dịch Bắc phạt. Sau khi Hán Hoài đế hàng Ngụy, Liêu Hóa bị áp về Lạc Dương nhưng được nửa đường thì qua đời.
Hoàng Cái là công thần khai quốc nước Đông Ngô thời Tam Quốc.
Hoàng Cái từng hỗ trợ Chu Du đối kháng với Tào Tháo trong trận đại chiến Xích Bích. Theo đó ông đã hiến kế: "Địch đông ta ít. Nếu cầm cự lâu dài thì ta bất lợi. Vì Tào Tháo cột chặt thuyền lại với nhau nên phải áp dụng phương pháp hỏa công, tốc chiến tốc thắng".
Sau trận Xích Bích, Hoàng Cái được phong làm Vũ phong Trung lang tướng quân.
Hoàng Cái nổi tiếng không chỉ vì tài dụng binh mà còn vì tấm lòng cứu giúp muôn dân. Ông có công trấn giữ sự yên bình của 9 huyện ở Giang Đông và dẹp yên cuộc phản loạn của sơn dân Vũ Lăng.
Mặc dù chinh chiến khi tuổi đã quá trung tuần, Hoàng Cái vẫn tạo nên những kỳ tích lẫy lừng khiến người đời nhớ mãi. Về sau, ông được người dân Giang Đông kính trọng và nhiều nơi vẽ chân dung để tưởng nhớ công đức.