Phiên tòa xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và các đồng phạm trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai vừa khép lại cuối tháng 1/2022. Phía những người từng là lãnh đạo bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt này bị khởi tố gồm: Ông Nguyễn Quốc Anh – cựu Giám đốc; ông Nguyễn Ngọc Hiền – cựu Phó Giám đốc; bà Trịnh Thị Thuận – cựu Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính Kế toán…
Về phía doanh nghiệp liên kết lắp đặt robot Rosa (robot được xác định có giá nhập khẩu khoảng hơn 7 tỷ đồng, nhưng liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai 39 tỷ đồng), người bị khởi tố là Phạm Đức Tuấn – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS; Ngô Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Công ty BMS…
Bị cáo buộc giữ vai trò chính, là người quyết định để Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký hợp đồng liên danh, liên kết lắp đặt robot vào năm 2017, ông Nguyễn Quốc Anh bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cũng cùng tội danh, ông Hiền lĩnh án 3 năm 6 tháng tù. Phạm Đức Tuấn bị tuyên phạt 3 năm tù, cho hưởng án treo. Tuấn trước đó bị bắt tạm giam từ ngày 1/9/2020 đến ngày 17/4/2021 thay đổi biện pháp ngăn chặn sang bảo lĩnh, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hành vi của các bị cáo trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai đã làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho 637 người bệnh, tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng (mỗi ca là 16.593.129 đồng).
Ở phiên tòa hôm đó có 3 bị hại đến tòa, chị Lộc (36 tuổi, Anh Sơn, Nghệ An) là 1 trong 3 người. Người mẹ nghèo từ huyện Anh Sơn bắt xe ra Hà Nội, chị được toà án triệu tập với tư cách đại diện cho người bị hại trong vụ án.
Con trai chị, cháu không may mắc u não và là 1 trong hàng trăm ca bệnh được Bệnh viện Bạch Mai phẫu thuật có hỗ trợ của robot Rosa.
Lần đầu tiên chị Lộc ra Hà Nội là vào năm 2020, khoảng tháng 7, khi cậu con trai đang học lớp 9 của mình có dấu hiệu không tốt về sức khỏe. Hai vợ chồng đưa con ra Bệnh viện Bạch Mai với vỏn vẹn 14 triệu đồng trong người.
Cháu mắc u não, phải phẫu thuật gấp và gia đình được tư vấn mổ robot là an toàn nhất nhưng tốn đến 90 triệu đồng.
Số tiền quá lớn với gia đình, tuy nhiên người mẹ nghèo không vì thế mà từ bỏ. Chồng ở lại Hà Nội chăm con, chị cầm 400 nghìn đồng rồi về Nghệ An. Chị về quê bán đôi trâu đã nuôi 6 năm, thậm chí cầm cả sổ hộ nghèo để lấy tiền cứu con.
Lo liệu xong, chị ra Hà Nội lần thứ 2. Ca mổ của con trai chị thành công, cháu dần khỏe lại và 2 vợ chồng lại tiếp tục "công cuộc trả nợ".
Tuy nhiên, ông trời run rủi, chị sau đó có lần ra Hà Nội thứ 3 bởi những vi phạm rúng động liên quan đến việc lắp đặt robot phẫu thuật mà con trai chị từng được sử dụng bị Bộ Công an phanh phui.
Theo như tính toán của nhà chức trách, mỗi ca điều trị có sự hỗ trợ của robot Rosa giá cao hơn thực tế hơn 16,5 triệu đồng.
Và lần thứ 3 này, chị Lộc ra Hà Nội, đến Tòa án nhân dân TP.Hà Nội với tư cách bị hại. Ngay trước lúc khai mạc phiên tòa, chị được Tuấn hoàn trả 16 triệu đồng. Tại tòa, khi thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là bà Chử Phương Ngọc hỏi có đề nghị thanh toán nốt số tiền đúng như cơ quan chức năng tính toán (còn khoảng 593 nghìn đồng), người phụ nữ trả lời: "Có ạ. Vì tiền xe đi lại nhiều, phức tạp lắm".
Người mẹ nghèo trả lời thật thà, nhưng đó là những điều chính đáng đương nhiên chị có quyền làm, bởi nếu không có những toan tính, thông đồng của người trong cuộc, chị đã chẳng phải xuất hiện ở phiên tòa này.