Dân Việt

Con chạm tay vào giấc mơ, mẹ vỡ òa hạnh phúc

Thu Hương 01/02/2022 07:48 GMT+7
Vất vả chăm 2 con, một con tự kỷ, một con bị bại não, chị Vũ Thị Hải Yến chưa bao giờ coi các con là gánh nặng. Sự kiên trì, tình yêu thương vô bờ của chị đã tiếp thêm năng lượng cho cậu con trai Đinh Vũ Tùng Lâm theo đuổi niềm đam mê với Toán học.

Tấm Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế 2021 là một kỷ niệm đẹp để con tiếp tục chinh phục những giấc mơ lớn hơn.

Nỗi thấp thỏm ngoài cổng trường

Hơn chục năm trước, chứng tự kỷ còn chưa được hiểu rõ nên trong mắt nhiều người, cậu bé Tùng Lâm bị xem là "có vấn đề về thần kinh". Thời gian đó, chị Hải Yến cảm thấy suy sụp, không tìm ra lối thoát.

Năm 4 tuổi, Tùng Lâm mới biết nói nhưng lại tỏ ra đặc biệt thích những con số. Vì thế, chị đã mời thầy giáo về dạy Toán cho con. Để "bước chân" vào thế giới của con, cả mẹ và thầy giáo cùng nỗ lực, tìm cách biến những con số thành ô tô, vũ trụ, những món đồ chơi mà con thích.

Con vào lớp 1, chị Hải Yến liên hệ nhiều trường nhưng không nơi nào đồng ý nhận một đứa trẻ "đặc biệt" như con. Sau nhiều cố gắng, chị Hải Yến đã thuyết phục được Ban Giám hiệu trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho con học tại đây với lời hứa "sẽ đồng hành cùng con đi học".

Mỗi ngày con đến trường, tâm trí của người mẹ cũng để ở đó. Để con có thể dễ dàng hòa nhập với các bạn, người mẹ như chị không ngại nói ngôn ngữ, mặc nhí nhố như những đứa trẻ, chỉ mong các bạn của con "tiếp nhận mình và tiếp nhận con".

Chị không bỏ lỡ cơ hội nào để được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng lớp con. Suốt năm con học lớp 1, chị phải xin nghỉ làm, "con học trong lớp thì mẹ cũng thấp thỏm ngoài cổng trường". Đến khi thấy việc học của con ổn định chị mới xin đi làm bán thời gian.

“Con là món quà quý giá nhất” - Ảnh 1.

Sự kiên trì, tình yêu thương vô bờ của chị đã tiếp thêm năng lượng cho cậu con trai Đinh Vũ Tùng Lâm theo đuổi niềm đam mê với Toán học.

Suốt những năm sau đó, biết con có khả năng về Toán, chị Hải Yến đã tìm thầy giáo giỏi để nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học trong con. Năm lớp 10, khi thấy Tùng Lâm viết chữ IMO (kỳ thi Olympic Toán quốc tế) khắp phòng, chị Hải Yến cảm thấy lo và thương con vô hạn. Chị hiểu, nếu tham gia đội tuyển thì con sẽ phải đánh đổi nhiều thứ. Thấy con quyết tâm chinh phục IMO, người mẹ như chị chọn đồng hành cùng con theo đuổi giấc mơ.

Đêm trước ngày con đi thi

Khó khăn, vất vả thật nhiều nhưng chị Hải Yến luôn lạc quan, tự nhận mình là một bà mẹ hạnh phúc: "Chắc ít có bà mẹ nào có cảm xúc thăng hoa tột cùng như tôi. Không hạnh phúc, không vỡ òa sao được khi liên tục đón nhận những tin vui về thành tích học tập của con".

Không chỉ là người mẹ, người thầy, người bạn, chị Hải Yến còn là chuyên gia tâm lý cho Tùng Lâm. Lớp 11, Tùng Lâm lọt vào đội tuyển dự thi IMO nhưng do áp lực nên cậu là người duy nhất trong đoàn không giành được huy chương. Thời gian đó, Tùng Lâm luôn cảm thấy có lỗi khi làm ảnh hưởng đến thành tích của toàn đoàn. Chị Hải Yến đã ở bên con, trấn an con.

Năm nay, khi Tùng Lâm bày tỏ mong muốn được tiếp tục đi thi quốc tế, chị Hải Yến không muốn con đi thi nữa. Nhưng cuối cùng chị cũng gật đầu trước sự quyết tâm và tự tin của con. Đêm trước ngày diễn ra kỳ thi, chị nói với con rằng: "Con hãy coi đây không phải là cuộc thi mà con đang được đắm chìm với những bài toán mà con yêu thích". Kết quả, Tùng Lâm giành Huy chương Bạc và là người có điểm số cao thứ 2 của đoàn Việt Nam. Nhận được kết quả của con, người mẹ vỡ òa hạnh phúc khi con đã chạm tay vào giấc mơ của mình.

Hiện Tùng Lâm đang theo học lớp Toán tài năng của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Không muốn con "ngủ quên trên chiến thắng", chị Hải Yến nói với con: "Tấm Huy chương Bạc IMO là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời học sinh của con. Giờ là sinh viên, con cần bắt đầu lại từ đầu, con cần đặt ra mục tiêu cho mình để phấn đấu". Chị tin con sẽ chinh phục được những giấc mơ lớn hơn trong cuộc đời mình.

Gửi mẹ - NGƯỜI VIẾT NÊN CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH CỦA ĐỜI TÔI

"… Tôi không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Khi tôi ba tuổi, bác sĩ nói tôi mắc chứng rối loạn tự kỉ dạng tăng động. Mẹ kể dạo ấy không phút nào tôi chịu ngồi yên, tôi nghịch ngợm, ngỗ ngược, phá phách. Thậm chí, tôi còn bị hạn chế về khả năng ngôn ngữ giao tiếp. Tôi không thể phát âm tròn vành, rõ tiếng, diễn đạt vụng về, ngọng nghịu... Mẹ bảo lúc ấy mẹ như đứt từng khúc ruột, nhưng vì thương con, mẹ tôi đã gạt nước mắt và sẵn sàng làm tất cả vì tôi. Người ta thường nói, nuôi con vất vả trăm bề, còn với mẹ, nỗi vất vả như nhân lên gấp bội lần...

Tôi biết đằng sau thành công của tôi là biết bao sự hi sinh và những giọt nước mắt âm thầm, những lo lắng, trăn trở của mẹ. Mẹ săn sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho tôi. Mẹ chở tôi đi học, mẹ đồng hành với tôi trong mỗi kì thi.

Có một điều mẹ luôn nhắc nhở tôi đó là sự nhẫn nại, lòng khiêm tốn và thái độ "nhìn lên cao để thấy mình còn thấp, nhìn xuống thấp để thấy mình chưa cao". Trải qua mỗi cuộc thi quan trọng, tôi càng thấm thía về lời nhắn nhủ ấy của mẹ tôi. Có lần một người bạn của tôi từng khoe được đi du lịch nhiều nơi, được thưởng thức nhiều món ăn lạ, được một mình ngắm cảnh tuyết rơi... Kể xong, cậu ấy hỏi tôi: "Thế bạn có được như mình không?". Tôi chỉ cười: "Mình không được đi chơi nhiều như cậu nhưng đi đâu mình cũng có mẹ, thế là đủ", càng nói tôi càng cảm thấy hãnh diện về mẹ mình nhiều hơn.

Tôi muốn nói về mẹ nhiều hơn thế. Tôi muốn được ngồi trong lòng mẹ, được mẹ dạy tập nói, tập hát như ngày còn bé. Tôi muốn được ngắm nhìn đôi mắt long lanh, khuôn mặt bừng sáng của mẹ mỗi khi tôi làm được một việc tốt. Giờ đây, tôi biết tôi cần phải mạnh mẽ, dũng cảm hơn trên mỗi hành trình sắp tới. Bởi vì tôi muốn mẹ vui".

Trích bức thư viết gửi mẹ của Tùng Lâm, đạt giải Nhất cuộc thi "Người phụ nữ trong tôi", do Khoa Toán- Cơ - Tin học (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức dịp 20/10/2021