Vì vậy, Lãnh đạo tối cao Liên Xô Joseph Stalin đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị vào lúc 9 giờ sáng ngày 15/10/1941 để yêu cầu họ sơ tán khỏi thủ đô ngay tối hôm đó.
Thành phố Kuibyshev, tức Samara ngày nay, chính là phương án tối ưu để làm thủ đô mới của Liên Xô. Nằm cách Moskva 1.100 km về phía Đông, Kuibyshev được lựa chọn bởi nhiều lý do.
Với khoảng cách địa lý không quá xa Moskva, Kuibyshev là phương án thuận lợi cho việc sơ tán thủ đô. Các cơ quan nhà nước và các nhà máy quan trọng sẽ không mất nhiều thời gian để tái sắp xếp tại địa điểm mới.
Kuibyshev cũng được bảo vệ tương đối vững chắc bởi một số lượng lớn binh sĩ đóng quân tại đó. Trụ sở của Quân khu Volga của Liên Xô được đặt tại Kuibyshev. Thành phố này cũng được biết đến như một đầu tàu công nghiệp của Liên Xô với các nhà máy, sân bay cũng như là một đầu mối đường sắt quan trọng.
Vào buổi sáng định mệnh ngày 15/10/1941, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô do ông Stalin đứng đầu đã thông qua nghị quyết tuyệt mật số 801. Nghị quyết yêu cầu Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân, các đoàn ngoại giao, Đoàn Chủ tịch Liên Xô tối cao, Hội đồng Ủy viên Nhân dân Liên Xô chuyển đến Kuibyshev và có hiệu lực ngay lập tức.
Ông Joseph Stalin đã ở lại Moskva thêm một ngày. Các cộng sự thân cận nhất của ông là Beria, Mikoyan và Kosygin cùng ở lại.
Bộ trưởng Bộ Dân ủy Nội vụ (NKVD) Lavrentiy Beria được lệnh giám sát việc đặt thuốc nổ và phá hủy các nhà máy, nhà kho và cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có cả hệ thống tàu điện ngầm. Đó là những thứ không thể sơ tán kịp thời đến thủ đô mới.
Việc đặt mìn phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở thủ đô đã khiến những người dân ở Moskva lo lắng rằng giới lãnh đạo Liên Xô chuẩn bị từ bỏ thủ đô và phó mặc hàng triệu người cho Đức Quốc xã.
Tin đồn về việc di tản khỏi thủ đô lan nhanh, bất chấp yêu cầu phải giữ bí mật. Mọi việc xuất phát từ sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử ga tàu điện ngầm không mở cửa vào sáng ngày 16/10/1941 để chuẩn bị cho việc phá hủy hoàn toàn, làm dấy lên tin đồn rằng thủ đô của Liên Xô cuối cùng có thể rơi vào tay Đức Quốc xã. Chẳng bao lâu sau, cơn hoảng loạn tại Moskva bộc lộ rõ ràng.
Nhiều người từ bỏ công việc và tài sản cá nhân, đổ xô đến các nhà ga đường sắt với hy vọng rời khỏi thành phố trước khi quân phát xít kéo đến. Sự hỗn loạn bắt đầu diễn ra toàn thành phố.
Là nhân chứng của sự kiện này, ông Leo Larsky mô tả cuộc di tản vội vã như sau: “Vào lúc 3 giờ sáng, xảy ra một vụ tắc nghẽn giao thông trên cầu. Thay vì đẩy những chiếc xe tải bị mắc kẹt ra khỏi cầu để giải quyết ùn ứ, mọi người lao vào giành lấy chỗ ngồi trên xe. Những người ngồi trong xe tải đã liều lĩnh dùng va li đánh lại những người muốn cướp chỗ. Những kẻ tấn công trèo lên đầu nhau, nhào lên các xe tải và ném những người trên xe xuống như những bao tải khoai tây. Nhưng ngay sau khi những kẻ tấn công vừa kịp ngồi xuống, làn sóng người tiếp theo lại lao vào”.
Sự sợ hãi và hoảng loạn bắt đầu lan ra khắp thủ đô. Nhiều công nhân đến nơi làm việc với hy vọng được trả lương nhưng phát hiện ra rằng ban quản lý đã rời đi trước đó. Cảm thấy tức giận và bị bỏ rơi, một số cư dân đã nảy sinh bạo lực và cướp bóc.
Cần phải có các giải pháp triệt để để đưa Moskva trở lại bình thường. Vào ngày 19/10/1941, sau ba ngày hỗn loạn ở thủ đô, nhà lãnh đạo Stalin đã ban hành sắc lệnh cấm người và phương tiện không có giấy phép đặc biệt được di chuyển vào ban đêm, đồng thời cho phép cảnh sát bắn hạ bất cứ người nào khả nghi.
Quyết định ở lại Moskva của ông Stalin khi thủ đô bị bao vây góp phần xoa dịu người dân. Nhiều người coi đó là dấu hiệu cho thấy Hồng quân sẽ bảo vệ thành phố bằng mọi giá.
Nhờ những nỗ lực của Hồng quân và những cư dân kiên trì bám trụ, Đức Quốc xã đã thất bại trong việc đánh chiếm Moskva hay tiêu diệt các lực lượng vũ trang Liên Xô. Cuối cùng, quân phát xít đã không thể thực hiện được ý đồ ban đầu là đánh nhanh thắng nhanh mà phải đối mặt với một cuộc chiến giằng co kéo dài với Liên Xô.