Trồng gì cũng phải tính đến cái ăn, chả thế mà bố tôi vẫn nói: "Tề Thiên Đại Thánh không mạnh bằng cơm. To như đống rơm không cơm cũng chết".
Bố tôi có máu văn nghệ nên ngay cả chuyện làm nông cũng thấy thấp thoáng chút văn nghệ, văn gừng trong đó. Nhà tôi thuộc diện có đất vườn rộng hơn so với các gia đình khác, bởi vậy ngoài chuyện trồng vài chục gốc dong riềng và sắn cùng mấy vồng khoai thì năm nào bố tôi cũng phá vỡ quy tắc bất biến bằng việc dành hẳn một phần đất để trồng rau mùi (còn gọi là ngò rí) trong vườn nhà.
Để có được những cây rau mùi già vào dịp Tết thì cuối thu đã phải xuống giống. Hạt mùi khô cất trên ránh bếp được bố tôi mang xuống, rải đều ra mẹt, lấy một chai thủy tinh lăn nhè nhẹ để hạt tách làm đôi, có như vậy hạt mới có thể nảy mầm. Hạt mùi được ngâm trong nước ấm cho no nước thì vớt ra, ủ khoảng một ngày rồi đem gieo. Hạt rắc xong rồi thì phủ một lớp đất bột mịn lên, lại phủ thêm một lớp rơm thưa; ngày hai lần phải dùng bình có vòi sen tưới nước và kiên nhẫn chờ.
Một tháng, khi lá trên những cành xoan đã trút hết, những lá bàng chuyển sang màu đỏ ối thì những mầm mùi non mới yếu ớt, từ từ nhô lên. Hai lá mầm mỏng tang, xanh mướt, run rẩy dưới những giọt nước vòi sen. Nhưng nhanh lắm, qua một tuần thì những cây mùi non lớn như thổi từng ngày. Luống mùi với chi chít những ống rơm ngang, dọc ngày nào đã được phủ một màu xanh của lá. Đây cũng là lúc rau diếp, rau xà lách và cà chua bắt đầu được thu hoạch, vậy nên mỗi sáng, bố mẹ tôi dậy sớm, ra vườn tỉa thưa luống rau mùi để hai chị em tôi mang ra chợ bán cho người ta mua về ăn kèm với rau sống, chấm nước cà chua.
Lúc chị em tôi ngủ dậy, đã có rổ rau mùi rửa sạch, bó gọn, mỗi bó to bằng ngón tay cái cho hai chị em vui vẻ bưng rổ rau ra chợ bán làm vốn riêng. Năm xu, một hào hay bao nhiêu một bó, tôi không nhớ, chỉ nhớ giá trị rổ rau khi ấy với chị em tôi lớn lắm, trẻ em ngày nay dẫu có được cho tiền triệu cũng chẳng thể vui bằng.
Khoảng một tuần như thế thì việc tỉa thưa mấy luống rau hoàn thành. Những cây còn lại được bố tôi tiếp tục chăm sóc, thậm chí còn kỹ càng hơn trước để chuẩn bị cho lần thu hoạch mang tính quyết định tiếp theo, đó là rau mùi già.
Sau khi được tỉa thưa, chăm sóc kỹ, những cây mùi còn lại lớn nhanh chóng. Tháng mười một, cây bắt đầu chựng lại; khi những lá mới trên ngọn cây phát triển như những lá kim cũng là lúc thân cây chắc lại, chuyển từ màu xanh non sang màu tím nhạt và tạo nên những gióng, đốt. Đi ngang luống mùi lúc này đã thấy hương mùi thơm nồng nàn. Rồi những chùm nụ trồi lên, xanh non, li ti như những chùm bóng bay tí hon màu lam. Mỗi kẽ lá kim là một chùm nụ, liên tiếp từ khoảng giữa thân cây, kéo dài lên tới ngọn. Cuối tháng 10 thì cây đã cao ngang đầu gối người lớn, những nụ hoa cũng nở, phủ trắng luống mùi, góc vườn bây giờ đã ngào ngạt hương thơm và dàn hợp xướng đặc biệt chào đón mùa xuân cũng bắt đầu.
Nếu như các loài hoa nở thường thu hút ong và bướm thì hoa mùi nở lại thu hút một loài đặc biệt mà hiện nay gần như thiếu vắng, loài chuồn chuồn kim. Bởi lẽ hoa mùi nhỏ bé nên chỉ thích hợp với loài côn trùng tí hon này. Chẳng biết có ngoa không nhưng tôi thấy, xét về mức độ điệu đà thì chuồn Kim bằng cả Chuồn chuồn và bướm cộng lại. "Kim kỉm kìm kim", chị em tôi vừa đuổi bắt chuồn kim vừa gọi giữa phảng phất hương mùi.
Những luống mùi giờ đây không cần chăm sóc nữa bởi đã có mưa và rễ cây cũng phát triển rất sâu trong đất, đủ sức nuôi cây và chờ bàn tay người thu hoạch.
Thu hoạch cây mùi già chỉ tiến hành duy nhất một ngày, đó là ngày ba mươi tháng chạp. Tục lệ ngày ba mươi, mọi nhà sẽ nấu một nồi nước với các loại lá thơm cùng bồ kết để các thành viên trong gia đình tắm rửa tẩy uế. Để rũ bỏ hết những gì uế tạp trong một năm trời để bước sang năm mới sạch sẽ, thơm tho, để cơ thể mạnh khỏe và hành trình mới thuận lợi hơn, may mắn hơn. Và cây mùi già là thành phần bắt buộc không thể thiếu trong nồi nước tắm cuối năm ấy.
Từ chiều hôm trước bố tôi đã chuẩn bị một nắm dây rơm, vuốt thẳng, xấp nước cho mềm để làm dây buộc. Lại tưới luống thật đẫm nước để giúp đất mềm. Sáng sớm ngày ba mươi, rét căm căm nhưng bố mẹ tôi vẫn dậy thật sớm, thắp cây đèn dầu ra vườn nhổ rau mùi già. Những cây mùi đã bền bỉ cùng luống đất từ cuối thu, đến hết cả mùa đông, bộ rễ đã cắm sâu vào lòng đất đến hàng gang tay nên nhổ không khéo cây sẽ bị dứt ngang. Mà rễ mùi, hoa mùi mới là những bộ phận quan trọng làm cho mùi hương của nồi nước tắm bay xa.
Khi chị em tôi thức dậy thì gánh rau mùi già đã sẵn sàng. Ăn sáng qua quýt, chị em tôi mặc thêm áo ấm, hớn hở đi chợ theo bước chân nhịp nhàng quang gánh của mẹ. Một phần nhỏ của số tiền bán gánh rau mùi này sẽ là vốn riêng của hai chị em. Háo hức lắm nhưng hai chị em vẫn thấy ngại ngùng với bạn bè đi chơi chợ Tết nên bao giờ đi bán cũng phải có chị, có em.
Mẹ sẽ chọn một chỗ khô ráo cho hai chị em ngồi bán hàng. Không cần vào giữa chợ bởi bao nhiêu năm, rau mùi già là mặt hàng chỉ chị em tôi bán. Bố mẹ tôi đã rất khéo léo bó những bó mùi đều nhau và phù hợp với mệnh giá một đồng tiền nào đó, phù hợp với túi tiền sắm Tết còm cõi của các chị, các mẹ. Vậy nên chẳng mấy chốc, gánh rau mùi già được bán hết veo. Tiền thu về cũng kha khá, để mẹ có thêm tiền sắm sang cho ngày Tết của gia đình.
Xong nghĩa vụ và cũng là niềm vui bán hàng, chị em tôi được đi sắm Tết. Sẽ luôn là một phong mứt mà mê nhất trong đó có mấy viên kẹo trứng chim; một phong pháo tép màu hồng đỏ; một cây dừa cảnh để trang trí bàn thờ được làm từ những đoạn phim hỏng cuốn theo hình chóp hay vài cành hoa trang trí được làm từ những chiếc lông gà nhuộm xanh đỏ, sinh động và lạ mắt.
Thật lạ, đói là thế, rét là thế và những hàng quà ở chợ ngon là thế, thèm đến thế mà chẳng bao giờ chị em tôi mua cho riêng mình một món gì bao giờ.
Bao nhiêu năm qua, mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi vẫn thấy hiển hiện trước mắt mình hình ảnh hai bé gái gầy còm nơi góc chợ, khuất sau đôi quang gánh mùi già cao chất ngất.
Vẫn thấy những chùm mùi già bung nở như những chùm bóng bay chuẩn bị thả lên bầu trời; thấy ánh đèn le lói nơi góc vườn một ngày tháng chạp.
Vẫn nghe tiếng nói chuyện rì rầm của mẹ, cùng cha trong buổi sớm mai giữa khí trời rét buốt, lắc rắc mưa xuân; nghe tiếng nổ lẹt đẹt của phong pháo tép treo trước hiên nhà khiến con mèo mướp giật mình hoảng hốt trốn sâu vào gầm giường.
Và, vẫn thấy, rõ lắm chú chuồn kim cánh mỏng chập chờn múa lượn trong những giấc mơ xuân yêu dấu của tôi.
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.