Ngày Tết, gia đình nào cũng nấu nhiều món ăn, tổ chức các bữa ăn, bữa tiệc sum họp gia đình. Mọi người vui vẻ, có nhiều món ăn ngon nên ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, chế độ ăn như thế nào là hợp lý, đủ chất dinh dưỡng mà vẫn giữ cảm giác ngon miệng, đặc biệt là tốt cho sức khoẻ, đặc biệt với bệnh nhân ung thư đường tiêu hóa thì không phải ai cũng hiểu rõ!
GS.TS Lê Thị Hương – Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Đại học Y Hà Nội), Phụ trách Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện K Trung ương) cho biết, vào dịp Tết, gia đình nào cũng chuẩn bị các bữa ăn thịnh soạn để gia đình sum họp, ăn uống với nhau cho vui vẻ, đầm ấm.
Do đó, mọi người thường có xu hướng mua sắm, tích trữ nhiều thực phẩm vào dịp Tết, đến bữa cũng thường nấu nướng nhiều món, mọi người cũng "vui miệng" nên ăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, đối với người bệnh ung thư đường tiêu hóa cần phải lưu tâm khi ăn uống trong dịp Tết. Dù không cần kiêng khem quá, vẫn có thể nhấm nháp các món ăn ngày Tết nhưng cũng không thể ăn uống "thả phanh".
"Người bệnh ung thư đường tiêu hóa cần ăn uống hạn chế để đường tiêu hóa không quá mệt mỏi trong những ngày Tết", GS Hương khuyến cáo.
Theo GS Hương, việc đầu tiên là người bệnh ăn uống đảm bảo các chất dinh dưỡng và các thức ăn phải tươi, không được tích trữ quá lâu hoặc đồ ăn không được chế biến đi chế biến lại, nhất là đồ rán đi rán lại tuyệt đối không nên ăn.
Thứ hai là người bệnh nên ăn ở mức độ vừa phải, không nên ăn quá nhiều, quá no gây cảm giác khó tiêu. Ngày Tết đồ bánh kẹo, đồ ăn sẵn (xúc xích, lạp sườn, giăm bông, thịt hun khói…) nhiều nhưng người bệnh ung thư đường tiêu hóa không nên ăn quá nhiều các đồ chế biến sẵn có chất bảo quản.
Người bệnh cũng nên đa dạng thực đơn như thịt, cá tôm, rau xanh… chứ không nên chỉ ăn 1-2 món mình thích.
"Người bệnh cần duy trì chế độ ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt là những bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng cần phải bồi bổ để có sức khỏe chống lại bệnh tật. Nếu lượng chúng ta ăn được ít thì chất phải được nhiều để bù lại năng lượng và hàm lượng protein cần thiết cho cơ thể", GS Hương chia sẻ.
Thứ 3 là người bệnh phải đảm bảo ăn đủ rau xanh, hoa quả, nhất là chất xơ để có lợi cho đường tiêu hóa. Nhất là ngày Tết khi chúng ta ăn nhiều đồ dầu mỡ, thịt, chất bột thì cần phải tăng cường rau xanh, hoa quả.
Thứ 4 là phải uống đủ nước, hoạt động thể lực. Dù dịch Covid-19 không đi ra ngoài được nhiều nhưng người bệnh vẫn phải duy trì chế độ tập thể dục ở nhà để giữ sức khỏe và giúp cho việc tiêu hóa thức ăn được tốt hơn.
"Những người bệnh ung thư đường tiêu hóa mà mắc bệnh béo phì càng cần phải kìm chế việc ăn uống của mình trong dịp Tết.
Mặc dù các món ăn ngày Tết rất ngon, chúng ta rất thèm nhưng chúng ta phải kiểm soát việc ăn uống, kiểm soát cân nặng. Vì người bệnh ung thư mà bị béo phì sẽ cản trở việc điều trị và làm tăng nguy cơ tái phát ung thư.
Đặc biệt, đồ ngọt, món ngon có nhiều trong dịp Tết những người bệnh ung thư mắc bệnh béo phì cần phải tránh xa", GS Hương khuyến cáo.