"Văn hóa tuần lộc" được bộ tộc Ewenki tạo ra tại thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki ở thành phố Căn Hà, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. (Ảnh: china-tours)
Chăn nuôi tuần lộc là khi tuần lộc được người dân chăn thả tại một khu vực hạn chế. Hiện tại tuần lộc là loài vật tự nhiên vốn thuộc về phương Bắc duy nhất được bán thuần hóa cả ở 2 quốc gia châu Á là Trung Quốc và Mông Cổ (trên tổng số 9 quốc gia duy trì nghề chăn nuôi tuần lộc, với khoảng 30 tộc người chăn nuôi khoảng 3,4 triệu con tuần lộc bán thuần hóa trên thế giới).
Tại Mông Cổ, điểm "nóng" du lịch liên quan tới tuần lộc nổi tiếng nhất là Lễ hội Tuần lộc diễn ra trong 2 ngày 6-7/7 hàng năm, ở khu vực gần hồ Khuvsgul (lớn thứ nhì và sâu nhất Mông Cổ) tại Khuvsgul.
Lễ hội Tuần lộc nhằm quảng bá cho lối sống, nền văn hóa khác lạ và các phong tục truyền thống của bộ lạc Dukha (tiếng Mông Cổ gọi là Tsaatan) sống bán du mục, chăn nuôi tuần lộc. Qua đó thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Khuvsgul - tỉnh cực bắc của Mông Cổ, nằm ở độ cao 1.645m dưới chân dãy núi Sayany, gần biên giới với Nga.
Lễ hội Tuần lộc bao gồm cuộc đua tuần lộc đầy phấn khích cùng nhiều hoạt động hấp dẫn khác. (Ảnh: vom.mn)
Tại đây có cộng đồng nhỏ bộ lạc Dukha (Tsaatan), được biết đến là những người chăn nuôi tuần lộc cuối cùng ở Mông Cổ. Bộ lạc Dukha (Tsaatan) đại diện cho nền văn hóa 3000 năm tuổi của cộng đồng du mục chăn nuôi tuần lộc. Trong nhiều thế kỷ các thế hệ bộ lạc Dukha (Tsaatan) đã lang thang trong rừng Taiga ở miền bắc Mông Cổ, chăn nuôi các đàn tuần lộc vốn cung cấp nguồn sống cho họ.
Sâu trong rừng Taiga có 85 gia đình thuộc bộ lạc Dukha (Tsaatan) với khoảng hơn 200 người, chăn nuôi khoảng 2.690 con tuần lộc. (Ảnh: freepik)
Từ đầu tháng 7, nhiều người Dukha (Tsaatan) bắt đầu đưa tuần lộc của mình từ rừng sâu ra tham gia Lễ hội Tuần lộc. Đây cũng là cơ hội cho khách du lịch trải nghiệm nền văn hóa gắn với tuần lộc của bộ lạc Dukha (Tsaatan), đồng thời khám phá cảnh quan tuyệt đẹp đượm vẻ ma mị và làn nước mát lành của hồ Khuvsgul.
Tại Trung Quốc, người Ewenki tại khu tự trị Nội Mông ở phía bắc được mệnh danh là "bộ tộc săn bắn cuối cùng", cũng là tộc người duy nhất chăn nuôi tuần lộc và bảo tồn "văn hóa tuần lộc" có lịch sử từ gần 3000 năm trước.
Ngày càng có nhiều khách du lịch tới thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki ở Nội Mông, để tận mắt chiêm ngưỡng loài vật gắn với "văn hóa tuần lộc" độc đáo. (Ảnh: china-tours)
"Văn hóa tuần lộc" được bộ tộc Ewenki tạo ra tại thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki ở thành phố Căn Hà - nơi được mệnh danh là "Cực Lạnh" của Trung Quốc - thuộc khu vực Hulunbuir, phía đông bắc khu tự trị Nội Mông.
Thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki là nơi sinh sống của nhánh xa nhất và bí ẩn nhất của bộ tộc Ewenki. Nơi đây nổi tiếng với những phong tục tập quán dân tộc giản dị và "văn hóa tuần lộc" đầy mê hoặc.
Một đám cưới của cặp đôi bộ tộc Ewenki ngày 8/6/2021, tại thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki ở Nội Mông, với lễ rước dâu bằng tuần lộc đi xuyên rừng. (Ảnh: Xinhua)
Thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki nằm ở trung tâm những khu rừng nguyên sinh, ở phía bắc dãy núi Great Khingan, cách sông Mo - lãnh thổ cực bắc của Trung Quốc - khoảng 100km về phía nam. Nơi đây mùa Đông thường kéo dài, nhiệt độ có thể giảm sâu tới âm 50 độ C, nhưng lại được thiên nhiên ưu đãi nguồn tài nguyên dồi dào.
Khách du lịch đi xe do tuần lộc kéo, ngắm phong cảnh thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki ở Nội Mông. (Ảnh: China Daily)
Thời trước thập niên 1950, bộ tộc Ewenki vẫn duy trì lối sống tự cung tự cấp gắn với nghề thuần dưỡng tuần lộc và săn bắn truyền thống. Tới năm 1965 bộ tộc Ewenki ngừng du mục để dần ổn định cuộc sống. Từ năm 2004 thị trấn dân tộc Aoluguya Ewenki bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm cả khu văn hóa dân gian và 5 khu chăn nuôi tuần lộc. Năm 2007 có thêm khu Thắng cảnh Bộ lạc sử dụng tuần lộc.