Dân Việt

"Quay lưng" với 3 vị quân chủ, khiến Quan Vũ mất mạng: Kẻ tiểu nhân này là ai?

PV 07/02/2022 14:33 GMT+7
Liên quan đến cái chết đầy nuối tiếc của Quan Vũ, kẻ tiểu nhân liều lĩnh này rốt cục là ai?

Tam Quốc (220 – 280) là thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời cũng là thời kỳ có nhiều anh hùng, hào kiệt. Thời thế tạo anh hùng, câu nói này quả không sai khi nhắc đến Tam Quốc.

Dù có không ít anh hùng nhưng trong thời đại hỗn loạn như Tam Quốc vẫn có một số kẻ tiểu nhân. Thậm chí vì những kẻ tiểu nhân này mà một số mãnh tướng phải bỏ mạng đầy tiếc nuối.

Thời Tam Quốc là cuộc đua tranh gay gắt giữa các chư hầu, đỉnh điểm là ba tập đoàn chính trị lớn nhất Ngụy – Thục – Ngô. Không phải danh tướng hay mưu sĩ tài danh, có một kẻ tiểu nhân lại có thể ảnh hưởng đến cục diện chung của Tam Quốc, hoặc chí ít là gây ra những xáo trộn không hề nhỏ trên vũ đài chính trị lúc bấy giờ. Đó là Mạnh Đạt (? - 228).

Kẻ tiểu nhân liên tục phản chủ

"Quay lưng" với 3 vị quân chủ; dính dáng tới cái chết của Quan Vũ: Kẻ tiểu nhân này là ai? - Ảnh 1.

Mạnh Đạt liên tục quay lưng với 3 vị quân chủ. Ảnh: Sohu

Sống trong thời loạn thế, trung nghĩa luôn được coi là phẩm chất hàng đầu đối với "kẻ sĩ" hay một bậc anh hùng. Nhưng Mạnh Đạt lại đi ngược điều này.

Trong suốt cuộc đời của mình, Mạnh Đạt liên tục thay đổi nhiều chủ khi từng phản Lưu Chương để theo Lưu Bị, sau lại phản Lưu Bị theo Tào Tháo và cuối cùng phản Ngụy về Thục.

Ban đầu, Mạnh Đạt phụng sự dưới trướng của Lưu Chương. Thậm chí, Mạnh Đạt được Lưu Chương đối đãi không tệ, còn phong làm tướng quân. Khi Lưu Bị vào Tây Xuyên, Lưu Chương đã cử Mạnh Đạt, Pháp Chính đi nghênh đón. Nhưng thật không ngờ Mạnh Đạt sau đó đã quay lưng với Lưu Chương để đi theo Lưu Bị.

Mạnh Đạt được giao nhiệm vụ trấn thủ Giang Lăng, công chiếm Phòng Lăng và Thượng Dung. Tuy nhiên, do không yên tâm về Mạnh Đạt nên Lưu Bị cho Lưu Phong đến hợp quân.

Tuy nhiên, mâu thuẫn lại xảy ra giữa Mạnh Đạt và Lưu Phong. Cụ thể, Mạnh Đạt có phần đố kỵ với Lưu Phong. Ông vốn lập được không ít chiến công nhưng sau đó lại phải san sẻ với người con nuôi của Lưu Bị. Do không được một mình tiếp quản Thượng Dung nên Mạnh Đạt trong lòng nảy sinh bất mãn.

Năm 219, Quan Vũ dẫn quân Bắc phạt ở Tương Phàn (tức Tương Dương và Phàn Thành), nhưng không ngờ đây lại là trận chiến cuối cùng trong cuộc đời lừng lẫy của mãnh tướng này.

"Quay lưng" với 3 vị quân chủ; dính dáng tới cái chết của Quan Vũ: Kẻ tiểu nhân này là ai? - Ảnh 2.

Cái chết của Quan Vũ làm thay đổi cục diện Tam Quốc. Ảnh: Sohu

Cát chết đầy nuối tiếc của Quan Vũ sau đó có phần trách nhiệm không hề nhỏ của Mạnh Đạt và Lưu Phong. Cụ thể, khi dẫn binh bao vây Tương Phàn, muốn tập kích Tào Tháo, song do binh lực không đủ nên Quan Vũ đã nhiều lần yêu cầu Lưu Phong và Mạnh Đạt xuất binh đến chi viện.

Nghe lời Mạnh Đạt nên Lưu Phong án binh bất động. Cả Mạnh Đạt và Lưu Phong đều không xuất quân chi viện để cứu Quan Vũ. Do bị Lã Mông (đại tướng của Tôn Quyền) đột kích Kinh Châu, Tào Tháo dẫn binh cứu viện Tương Phàn khiến Quan Vũ rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ông phải tháo chạy về Ích Châu nhưng giữa đường lại bị quân Đông Ngô bắt và giết chết.

Quan Vũ chết, Lưu Bị nổi giận truy cứu trách nhiệm của Mạnh Đạt và Lưu Phong. Sau cùng, Lưu Bị ra lệnh chặt đầu xử tội Lưu Phong.

Sợ bị giáng tội, đồng thời vốn đã có bất mãn với Lưu Phong, nên Mạnh Đạt đã dẫn quân đầu hàng nhà Tào Nguỵ. Sau khi đầu quân cho Tào Nguỵ, Mạnh Đạt cùng Hạ Hầu Đôn chiếm lấy Thượng Dung, lãnh địa cuối cùng của Lưu Bị ở Kinh Châu. Điều này khiến thế lực của Thục Hán bị tổn thất nghiêm trọng, sau phải rút khỏi Kinh Châu.

Trúng kế Gia Cát Lượng, kết cục của kẻ tiểu nhân

Sau khi đầu hàng Tào Nguỵ, Mạnh Đạt rất được Tào Phi trọng dụng và đánh giá cao. Tào Phi đã đem Phòng Lăng cùng hai quận Tây Thành và Thượng Dung hợp lại làm một, đồng thời giao cho Mạnh Đạt nhiệm vụ trấn thủ.

Tuy nhiên, Tào Duệ (con trai Tào Phi) lại không thích Mạnh Đạt. Trong mắt Tào Duệ, Mạnh Đạt chỉ là kẻ tiểu nhân tráo trở. Do đó, sau khi người quan tâm chiếu cố nhất là Nguỵ Văn Đế Tào Phi qua đời, tâm can của Mạnh Đạt thấp thỏm không yên.

Âm thầm bồi dưỡng thế lực tại Tân Thành, đồng thời vừa liên kết với Đông Ngô, bí mật gửi thư với Thục Hán, Mạnh Đạt lại muốn bỏ Nguỵ để quay về Thục.

"Quay lưng" với 3 vị quân chủ; dính dáng tới cái chết của Quan Vũ: Kẻ tiểu nhân này là ai? - Ảnh 3.

Cả Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý đều sớm nhìn ra sự do dự của Mạnh Đạt. Ảnh: Sohu

Nào ngờ, do biết Mạnh Đạt là kẻ phản phúc bất thường nên Gia Cát Lượng đã bí mật bày mưu để dụ Mạnh Đạt về Thục Hán, đồng thời phái người đến Tào Nguỵ mật báo rằng Mạnh Đạt muốn làm phản.

Sau đó, giữa lúc Mạnh Đạt còn do dự vì cho rằng Tào Nguỵ vẫn còn tin tưởng mình, Tư Mã Ý đã âm thầm tiến hành kế hoạch thảo phạt Mạnh Đạt. Trong khi đó, sự do dự của Mạnh Đạt cũng sớm nắm trong tính toán của Gia Cát Lượng nên ông chỉ quan sát từ xa, sau mới động thủ.

Bấy giờ, chớp lấy thời cơ, Tư Mã Ý đã đưa đại quân tốc hành ngày đêm để đến Thượng Dung nhằm tiêu diệt Mạnh Đạt.

Kết quả, do hành sự bất cẩn cùng với sự quay lưng của Gia Cát Lượng, Thân Đam và Thân Nghi, nên Mạnh Đạt cuối cùng bị mất mạng trong tay Tư Mã Ý. Sử gọi là trận chiến Tân Thành, một trong những trận chiến khiến tên tuổi của Tư Mã Ý vang danh khắp Tam Quốc.