Dân Việt

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng

Hồ Công Thiết 06/02/2022 06:10 GMT+7
Nói không ngoa, hồn cốt bóng đá Hà thành trước đây ở các đội bóng hạng B, hạng C hay phong trào đậm đặc hơn các đội bóng hạng A nhiều.

Thời cực thịnh, các đơn vị, công ty lớn ở Hà Nội đều có đội bóng đá. Sang thì như Đo lường, Xe ca, Thủ công nghiệp, Xe điện, Bốc vác ga, Đúc Mai Lâm, Toa xe, Đoạn đầu máy, Tổng cục Thuế, Tổng cục Địa chất… đều nuôi hẳn một đội bóng, có lương có thưởng đàng hoàng.

Yếu thì như Bộ Ngoại giao, Ba Đình, Văn Miếu, Trương Định, Triều Khúc, Hoàng Mai, Xã Đàn, In Ngân hàng, Vôi Ba Nhất, Phương Đông 4… có các đội bóng hoạt động bằng sự hảo tâm của các ông bầu và những thành viên đóng góp một phần kinh phí.

Hồi ấy có nhiều cầu thủ nổi danh Hà thành, nhưng vì lẽ này lẽ khác, họ không đầu quân cho các đội hạng A.

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng - Ảnh 1.

Ông Huy “lô” từng là lãnh đạo của đội bóng "phủi" hàng đầu Hà Nội. Ảnh: Công Thiết

Ông Căn "con", Lĩnh "Đo lường", Thành "trô", Huệ "toét", Long "săng mai", Trâu "lừa", Long "vuông", Bản "say", Núi, Thuận (Man), Thành "lùn", Hỷ "mũi đỏ", Mạc "lợn", Dũng "kếu", Thắng "mao", Thịnh "Thưởng", Thắng "Tài Dậu", An "cận"… đủ sức đá hạng A. Nhưng họ nhông nhênh, đá bóng mà như dạo chơi, không chịu gò vào khuôn khổ như các cầu thủ ăn lương để đá bóng.

Từ hàng chè chén năm xu đến các quán ăn ở rìa chợ, hễ thấy đám đông đàn ông ngồi vung chân, múa tay bàn luận chuyện bóng đá, đích thực đấy là các thành viên của "Đội bóng phố tôi".

Sân Hàng Đẫy Chủ nhật mỗi tuần mới có trận đá bóng của các đội hạng A. Nhưng hàng chục sân ở Long Biên, Xã Đàn, Mai Động, Bưởi, Gia Lâm, Phúc Xá… thì ngày nào cũng có các trận đá bóng. Những cuộc so tài này nảy lửa, quyết liệt, kịch tính với tất cả sự đam mê của những người chơi bóng.

Cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có tuổi nghề khoảng hơn chục năm, nhưng máu đá bóng còn lẽo đẽo theo họ suốt cuộc đời. Khỏe thì xách giày ra sân bám theo đám trẻ. Yếu thì ngồi ngoài đường piste "phán", cũng hả phần nào đam mê trái bóng tròn.

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng - Ảnh 2.

Tác giả bài viết đến thăm cựu cầu thủ Huy "lô" ngày đầu xuân Nhâm Dần. Ảnh: FBNV

Có nhiều người còn làm hơn thế. Họ bỏ công, bỏ của gây dựng bóng đá phong trào mà nay hay gọi là bóng đá "phủi". Đến cuối thời bao cấp, hàng loạt cầu thủ ở các đội bóng chuyên nghiệp giải nghệ.

Khi ấy, ông Huy "lô" và ông Lực "vẩu" đứng ra thành lập đội Lão tướng Đống Đa. Đó là đội bóng phong trào đầu tiên được tổ chức và hoạt động bài bản nhất trên địa bàn Hà Nội. Đội được Phòng TDTT quận Đống Đa bảo trợ, cho tập ở sân Hoàng Cầu miễn phí và các cầu thủ được cấp thẻ vận động viên. Cầu thủ của đội lúc ấy là các danh thủ đông đảo như: Bảy Nam Định, Quỳ "bại", Sơn "min", Thọ "gáo', Ngọc "tráp", Trọng "phệ", Hải "lơ", Hùng "xồm", Chung "xe ca", Phúc "vổ", Thịnh "cơm", Độ "trây", Quang B, Chi "tơ', Lĩnh "Đo lường", Hồng "nhắng", Dũng "kếu", Mùi "sẹo', Trữ "đầu bò", Hùng "gỗ", Long "săng mai", anh em Ty - Sửu… và cả các ông cựu trọng tài Vũ Quý, Gia Quang, Thìn, Mạc… Lứa trẻ hơn có Tô Quang Nhạ, anh em Chi - Thiết, Chung "bỏi", Thiết "quài", Phi Hùng, Lăng "ngựa", Bình "thương binh", Tiến "Hoa", Hòa "chó", Lại "xe điện", Hiển, Cường "Ta-nô", Vinh "mi cô"…

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng - Ảnh 3.

Bóng đá luôn mang lại cảm hứng lớn lao cho các cựu cầu thủ. Ảnh: C.T

Ông Huy "lô" làm chủ tịch. Ông như quan võ, chuyên "mày, tao" và văng tục, nhưng lại là người có tâm, có tầm và hết lòng với đội. Từ ông Sơn "min", ông Hải "lơ" đến lứa út ít đều kính nể ông. Ông Huy "lô" là cựu cầu thủ Tổng cục Bưu điện. Ông là em ruột ông chủ cà phê Nhân ở Hàng Hành. Hồi Pháp thuộc, ông là người pha chế chính và giúp việc đắc lực cho ông anh nên khi nghỉ hưu, ông mở quán riêng ở phường Thịnh Quang. Quán cà phê Huy đông khách và to bậc nhất quận Đống Đa là vì thế.

Ông Lực "vẩu" lại giống quan văn. Ông trắng trẻo và ăn nói nhỏ nhẹ. Ông làm lãnh đạo ở HĐND phường Sinh Từ nên việc quản lý và điều hành đội bóng ông làm "dễ như ăn kẹo". Giới cầu thủ đa phần là những người tính cách mạnh, thậm chí là "siêu nhân", nhưng đã vào đội, ai cũng thần phục hai ông Huy, Lực.

Cặp bài trùng lãnh đạo này đã từng gắn bó với nhau nhiều năm ở đội Bưu Điện nên họ hiểu nhau. Ông "đấm", ông "xoa", những khúc mắc, bất hòa nảy sinh trong đội được các ông giải quyết thấu tình, đạt lý.

Thời cực thịnh, CLB Đống Đa có hơn trăm cầu thủ. Nhiều người ví von, CLB như Lương Sơn Bạc, với 108 anh tài. Hằng năm, CLB tổ chức thi đấu nội bộ, có năm chia ra 4 đội, có năm 6 đội để đảm bảo ai cũng được thi đấu. Mỗi đội có trang phục riêng, có đội trưởng đội phó và khoảng hai chục cầu thủ.

Trước ngày giải khai mạc, Ban lãnh đạo cho phép các cầu thủ quyền xin đổi đội thi đấu. Vậy là thị trường chuyển nhượng trong CLB bắt đầu diễn ra tấp nập.

Việc thay đổi cầu thủ phải được các đội trưởng đề nghị và Ban lãnh đạo chấp nhận để đảm bảo tương quan giữa các đội. Một số trường hợp khó, tế nhị, các cầu thủ và cả đội trưởng mời Ban lãnh đạo đến… quán cháo lòng để xét duyệt. Quán cháo lòng ở chợ Châu Long là nơi nhiều vụ chuyển nhượng đã được ký kết thành công.

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng - Ảnh 3.

Các cựu cầu thủ bóng đá "phủi" Hà Nội vẫn theo đuổi niềm đam mê và câu chuyện bên trái bóng tròn của họ là bất tận. Ảnh: C.T

Có một số cầu thủ bị thẻ đỏ, treo giò tới vài tháng, muốn thi đấu phải làm đơn để Ban lãnh đạo xem xét. Ông Bản "say" xưa đá ở Phương Đông 4 bị treo giò. Ông hì hục viết viết, xóa xóa mấy lần ở nhà lá đơn khiến cô cháu gái đang đi học thắc mắc: "Ơ, sao ông lại phải viết kiểm điểm?".

Cô cháu gái không ngờ ông Bản dù tuổi đã gần 70, nhưng vì tình yêu bóng đá, phải nắn nót viết bản kiểm điểm nộp cho ông Huy, ông Lực.

Vì nhiều lý do, CLB Đống Đa đã giải thể. Một số anh em tâm huyết đang muốn tổ chức buổi sum họp và thi đấu bóng đá giữa các cựu thành viên.

Bóng đá “phủi” Hà Nội một thời hào hùng - Ảnh 5.

Xem bóng đá "phủi" trước đây có những sự trải nghiệm vô cùng đặc trưng với những cầu thủ vang bóng một thời. Ảnh: C.T

Mùng 5 Tết Nhâm Dần, tôi đến thăm ông Huy "lô". Bảo Ngọc, con gái cả ông Huy "lô" kể ông vừa bị bệnh viện trả về do đột quỵ vì bệnh tim mạch. Ông chỉ nằm, thở ô xy và nói chuyện rất khó khăn. Vậy mà, khi thấy anh em của mình tới thăm, ông lại tỉnh như sáo, đòi ngồi dậy và kể chuyện về bóng đá Đống Đa, nhắc tới những người còn, người mất.

Những kỷ niệm và câu chuyện như thế, đúng là một thời hào hùng của người yêu bóng đá như chúng tôi!