Bỏ ngoài tai những lời "cảnh báo" rằng đường đến điểm chốt Biên phòng Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) rất khó đi, thậm chí, trơn trượt, lầy lội…, ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022), chúng tôi vẫn quyết tâm đến tận nơi "xông đất" để biết cán bộ, chiến sĩ ở đây sinh hoạt và làm việc như thế nào.
Trên đường đến điểm chốt, chúng tôi gặp từng tốp nam nữ du xuân, tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn véo von trên các sườn núi. Hai bên đường, hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc, tạo nên vẻ huyền ảo đặc trưng riêng chỉ có ở những vùng biên viễn.
Phải mất ít nhất 50 phút đi xe máy qua các cung đường trơn trượt, lầy lội với mưa xuân lất phất bay, chúng tôi dừng lại gửi xe ở một nhà dân ven đường. Người đàn ông dân tộc Mông tỏ vẻ ái ngại, nói với chúng tôi bằng chất giọng phổ thông lơ lớ: "Đi thăm chốt bộ đội biên phòng à? Phải đi bộ thôi, cũng hai quăng dao đấy…". Là người miền núi, nên tôi hiểu ngay "hai quăng dao" là ước lượng về độ dài quãng đường đi của người dân địa phương.
Theo hướng tay người đàn ông chỉ, chúng tôi phải tháo giày, lội bộ qua một con suối rộng chừng hơn chục mét với nước sâu đến ngang đùi. Mùa này, nước cạn nên không mất quá nhiều thời gian để đi qua, nhưng sang đến bờ suối phía bên kia, ai cũng xuýt xoa vì được "nếm" cái lạnh đến thấu xương với hai bàn chân tím tái, tê dại. Không ai bảo ai, nhưng nhìn ánh mắt của các thành viên đoàn, chúng tôi tự cảm nhận được những khó khăn, vất vả và thán phục tinh thần, ý chí, quyết tâm của những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên mảnh đất biên viễn này.
Cứ thế, tay xách giày và đi chân đất, đoàn chúng tôi men theo con đường mòn nham nhở dấu chân trâu dẫn vào một điểm bản với gần chục nóc nhà.
Quan sát nhanh, chúng tôi ghi nhận dù không khang trang, sầm uất như những cụm dân cư mà chúng tôi đã gặp trên đường đi, nhưng các ngôi nhà sàn ở đây đều được làm bằng gỗ chắc chắn. Trên sân, từng tốp trẻ con, trai gái và người già đang vui đùa trước một khoảnh sân rộng với các trò ném pao, đánh tù lu (đánh cù), múa khèn… theo phong tục của người Mông.
Thấy chúng tôi, một số người lớn tuổi vui vẻ cất lời: "Co tua ló! Co tua bộ đội". Đáp lại, trung tá Nguyễn Văn Đại - Đồn trưởng Đồn biên phòng Na Cô Sa (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cũng trao đổi gì đó bằng tiếng dân tộc lẫn tiếng Kinh, mà tôi chỉ nghe được bập bõm: "Để con lên chốt thăm anh em đã rồi sẽ quay lại...". Theo anh Đại, thì đó là những câu chào hỏi mà bà con dân tộc Mông dành cho người thân thiết, đại loại như: "Mày đến chơi à? Bộ đội đến chơi…".
Nói trong làn khói lạnh, trung tá Nguyễn Văn Đại, giới thiệu: "Có lẽ đây là điểm bản duy nhất mà người Mông làm nhà sàn và sinh sống ở gần suối. Dù dân cư thưa thớt, nhưng đây cũng là địa bàn được đơn vị quan tâm đặc biệt, bởi điểm bản này khá phức tạp về tệ nạn xã hội…".
Men theo con đường mòn trơn trượt ven sườn núi gần 30 phút đi bộ thì trước mắt chúng tôi hiện ra một khoảnh sáng. Theo hướng tay chỉ của trung tá Nguyễn Văn Đại là bãi đất trống rộng chừng vài chục mét vuông. Vừa bước ra khỏi cánh rừng, trước mặt chúng tôi là căn nhà cấp 4 núp dưới tán rừng. Ngay sát đường là chòi gác được dựng bằng khung tre, mái lợp bằng tấm nhựa và lá cây rừng, xung quanh thưng bằng vách nứa, thân cây. Vắt ngang con đường mòn là chiếc rào chắn barie sơn màu đỏ, trắng.
Thấy chúng tôi, chiến sĩ gác giơ tay chào theo điều lệnh. Qua trao đổi thì được biết, ca gác này do binh nhất Khoàng Trung Thành (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên) đảm nhiệm. Tâm sự với chúng tôi, Thành cho biết mấy tháng trước được chỉ huy đơn vị giao cùng Đồn biên phòng Na Cô Sa làm nhiệm vụ gác tại chốt này. Hằng ngày, Thành cùng đồng đội và dân quân thay nhau canh gác kiểm soát người qua lại, phòng chống dịch Covid-19; tuần tra kiểm soát khu vực biên giới, ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép…
Nói về công việc của mình, Thành tâm sự: "Cũng ngần ấy công việc và chế độ như ở đơn vị, nhưng lần đầu tiên xa gia đình và cũng là năm đầu tiên đón xuân ở đây. Dù vậy, tôi rất vui, tự hào, bởi hằng ngày được ăn ở, sinh hoạt và làm nhiệm vụ cùng các đồng chí bộ đội biên phòng và dân quân…".
Rời chốt gác, chúng tôi bước vào căn nhà cấp 4 nép mình dưới tán cây rừng là nơi các cán bộ, chiến sĩ nghỉ ngơi sau khi làm nhiệm vụ. Mặc dù căn nhà chỉ rộng chừng 20m2, nhưng được bày trí rất khoa học, ngăn nắp với chăn màn được gấp vuốt, sắp đặt gọn gàng. Chính giữa nhà là bàn làm việc, trên mặt bàn là lọ hoa to được cắm khéo léo xen kẽ giữa các bông hoa rừng và hoa cải vàng rực. Câu đối xuân được trang trí ngay ngắn trên tường cạnh bàn làm việc…
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, binh nhất Vì A Dụng, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên) hào hứng kể: "Ở điểm chốt, nhưng chỉ huy đơn vị rất quan tâm, không để anh em chúng tôi thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần…". Nói rồi, Dụng thật thà kể vanh vách cho chúng tôi nghe các công việc hằng ngày, như: Báo thức, sắp đặt nội vụ vệ sinh, ăn sáng, đọc báo, gác và tuần tra kiểm soát… Vốn xuất thân từ đơn vị cơ sở, nên nghe cậu ta kể, tôi đã mường tượng ra rằng tất cả các chế độ trong ngày vẫn được chỉ huy chốt duy trì đầy đủ và nghiêm túc, như ở đơn vị chính quy.
Im lặng dõi theo câu chuyện của chúng tôi từ đầu, thượng úy Nông Văn Thương, cán bộ chốt Biên phòng Nậm Chẩn, nhoẻn miệng cười: "Nói là thực hiện nhiệm vụ riêng lẻ, nhưng Tết chúng tôi vẫn có đủ mâm ngũ quả, cành đào, bánh chưng… Dù đón xuân ở giữa rừng, nhưng chúng tôi cảm thấy rất ấm cúng như bên cạnh người thân vậy…".
Để minh chứng cho những điều mình vừa nói, thượng úy Nông Văn Thương dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh chốt. Qua quan sát, chúng tôi thấy, các vật dụng sinh hoạt đều đầy đủ, ngăn nắp từ bể nước đến bếp nấu. Không những thế, trong khoảnh vườn rộng được các cán bộ, chiến sĩ ở đây trồng rất nhiều loại rau, củ, quả khác nhau đều đang lên xanh tốt. Ngoài trồng rau, các cán bộ, chiến sĩ còn nuôi gà và một số gia cầm khác để sẵn sàng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.
Theo chia sẻ của trung tá Nguyễn Văn Đại, Đồn trưởng Đồn biên phòng Na Cô Sa, đơn vị thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình; phổ biến Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Luật Biên giới quốc gia năm 2003; phát tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền các nội dung trên.
Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đơn vị tổ chức 2 chốt kiểm soát cố định và 2 tổ kiểm soát cơ động thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại các khu vực biên giới, địa bàn khó khăn, hiểm trở. Với chốt Biên phòng Nậm Chẩn, được đơn vị tổ chức hơn 10 người gồm lực lượng phối thuộc của Trung đoàn 741 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Điện Biên và dân quân…, trong đó, Bộ đội Biên phòng giữ vai trò nòng cốt, chủ trì. Bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát người qua lại khu vực đảm nhiệm để phòng chống dịch Covid-19, đơn vị còn tổ chức tuần tra kiểm soát khu vực biên giới từ mốc số 39 đến mốc 40, nhằm ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép…
Để các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ, đơn vị bảo đảm lượng dự trữ lương thực, thực phẩm đủ trong thời gian 2 tháng. Bên cạnh đó, chỉ huy đơn vị cũng chỉ đạo các chốt, đẩy mạnh công tác tăng gia sản xuất kết hợp với khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ để đưa vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội.
Chúng tôi chia tay các cán bộ, chiến sĩ chốt Biên phòng Nậm Chẩn với những cái bắt tay thật chặt trong tiếng thầm thì của mùa xuân giữa chập chùng núi non vọng lại. Xa xa, mùa xuân đã ngập tràn trên những cành hoa mai, hoa đào đang đua nhau khoe sắc bên bìa rừng.