Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử thành công quả bom RDS-1 ở bãi thử Semipalatinsk, trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. RDS-1 có sức công phá tương đương 22.000 tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn hai quả bom Mỹ thả xuống Nhật.
Đánh mất ưu thế độc quyền hạt nhân và đối mặt mối đe dọa mới, không quân Mỹ đã bí mật chuẩn bị cho kịch bản tấn công Liên Xô và đồng minh bằng vũ khí hạt nhân trong thập niên 1950.
Phòng Lưu trữ An ninh Quốc gia (NSA) tại Đại học George Washington của Mỹ năm 2015 công bố tài liệu giải mật cho thấy không quân Mỹ từ năm 1956 đã vạch ra tất cả mục tiêu dự định tấn công nếu Thế chiến III nổ ra, cũng như số lượng oanh tạc cơ và vũ khí hạt nhân cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong tài liệu dài hơn 800 trang mang tên "Nghiên cứu Yêu cầu về Vũ khí Nguyên tử", giới tình báo Mỹ đã xác định hơn 2.000 mục tiêu mặt đất tiềm năng ở Liên Xô và các nơi khác, trong đó có nhiều căn cứ quân sự và thành phố đông dân cư.
"Nghiên cứu này chứa đựng nhiều chi tiết đáng sợ. Theo đó, các mục tiêu ưu tiên và chiến thuật ném bom hạt nhân sẽ khiến người dân và cả lực lượng đồng minh của Mỹ gần đó tiếp xúc với lượng lớn bụi phóng xạ chết người", William Burr, chuyên gia nghiên cứu và phân tích hạt nhân tại NSA, cho biết.
Năm 1956, Mỹ không còn độc quyền về bom nguyên tử, nhưng dường như đang thắng thế trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Liên Xô. Nước này đã bắt đầu chế tạo bom nhiệt hạch uy lực hơn, trong đó bom Mark 36 có sức công phá gấp 250 lần quả bom ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Trong bối cảnh tên lửa đạn đạo tầm xa vẫn đang trong quá trình phát triển, không quân Mỹ phải dựa vào lực lượng oanh tạc cơ và tiêm kích để tung đòn tấn công hạt nhân đối phương.
Mỗi oanh tạc cơ chiến lược B-52 có thể mang hai quả bom Mark 36 nặng 8,5 tấn, trong khi oanh tạc cơ B-47 và tiêm kích F-101 sẽ mang các loại bom hạt nhân nhỏ hơn.
Trong kế hoạch chuẩn bị cho Thế chiến III, không quân Mỹ dự kiến triển khai hơn 2.000 máy bay và số lượng tương ứng tên lửa hành trình. Ngoài ra, khoảng 180 tên lửa đạn đạo tầm trung đặt ở châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tham gia tấn công, dù chúng không thuộc quyền kiểm soát của Bộ tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ.
Để đề phòng cuộc phản công sau đòn phủ đầu, mục tiêu chính của không quân Mỹ là xóa sổ hoàn toàn các căn cứ không quân của Liên Xô và đồng minh. Các phi đội chiến đấu cơ Mỹ sau đó sẽ chuyển sang tấn công hàng loạt mục tiêu thứ yếu.
Bom nhiệt hạch sẽ được dùng để tấn công các mục tiêu quân sự quan trọng như căn cứ không quân. Chiến đấu cơ sẽ thả bom phân hạch vào các mục tiêu còn lại, trong đó một số mục tiêu sẽ bị tấn công nhiều lần để đảm bảo bị xóa sổ hoàn toàn. "Các chỉ huy đều nhất trí một số mục tiêu có mức độ ưu tiên cao cần bị tấn công bằng nhiều quả bom", nghiên cứu viết.
Tài liệu còn dành 5 trang liệt kê các mã số định danh cho những mục tiêu cần tấn công, mỗi mã gồm 8 chữ số, trong đó 4 số đầu chỉ một khu vực lớn hơn, còn 4 số sau thể hiện địa danh cụ thể. Cách đánh số này cho phép Mỹ liệt kê tới 9.999 mục tiêu khác nhau vào một thời điểm.
Giới phân tích tình báo Mỹ còn chọn mục tiêu là mọi thứ có thể hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Liên Xô, từ cơ sở sản xuất công cụ cho đến nhà máy lốp cao su và xưởng chế tạo thuốc kháng sinh. Đáng chú ý nhất là không quân Mỹ còn đặt mã "275" cho các "khu dân cư".
"Kế hoạch nhằm phá hủy có hệ thống các mục tiêu đô thị - công nghiệp của Liên Xô với mục tiêu cụ thể và rõ ràng là hướng vào khu vực đông dân cư ở những thành phố như Moskva, Leningrad, Đông Berlin, Warsaw...", chuyên gia Burr đánh giá.
Nhắm mục tiêu vào khu dân cư đi ngược lại các tiêu chuẩn quốc tế khi đó, vốn cấm tấn công dân thường vô tội. Tuy nhiên, các nguồn tin cho hay Lầu Năm Góc khi đó coi những người tham gia nỗ lực hỗ trợ chiến tranh đều là "mục tiêu quân sự hợp pháp".
Không quân Mỹ cho biết đã nỗ lực hết sức để giảm tối đa số bom cần thiết cho nhiệm vụ. Tài liệu cũng đề xuất phương án cho bom hạt nhân nổ gần mặt đất sẽ giảm bụi phóng xạ. Tuy nhiên, không quân Mỹ giải thích rằng họ không thể xem xét tất cả những mối lo ngại này.
"Dù chúng tôi đã cân nhắc khả năng bụi phóng xạ ảnh hưởng đến người dân và các lực lượng đồng minh, ưu tiên cao nhất là giành chiến thắng trong cuộc đọ sức trên không. Nếu thất bại trong trận chiến này, hậu quả với các đồng minh còn khủng khiếp hơn nhiều", tài liệu có đoạn.
Chuyên gia quân sự Robert Beckhusen cho rằng điều may mắn cho nhân loại là Chiến tranh Lạnh đã kết thúc mà những kịch bản trong kế hoạch đáng sợ trên đều không trở thành hiện thực.