Bối cảnh ở đây là quan trọng. Như trang Bloomberg giải thích, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đang mắc kẹt trong các cuộc đàm phán về kế hoạch "thay thế một hiệp ước truyền dữ liệu xuyên Đại Tây Dương mà hàng nghìn công ty đã dựa vào đó để hoạt động".
Tuy nhiên, hiệp ước này đã bị Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu hủy bỏ vào năm 2020, vì "lo ngại dữ liệu của công dân không an toàn" khi nó được chuyển đến Hoa Kỳ. Trong khi đó, các luật của Châu Âu nhằm bảo vệ quyền riêng tư của người dùng bằng cách giữ dữ liệu của người dùng trong phạm vi quyền hạn của Liên minh Châu Âu kiểm soát, chính điều này đã làm mất hiệu lực của các hệ thống trước đó. Vì vậy, Meta đã không thể đạt được các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu mới, nên họ có nguy cơ tách khỏi lục địa già với Facebook và Instagram.
Trong một báo cáo thường niên mà Meta nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), Meta tuyên bố việc truyền dữ liệu giữa các quốc gia hoặc khu vực là "quan trọng đối với hoạt động" của mạng xã hội này. Công ty chia sẻ nỗi lo sợ khi không thể chuyển dữ liệu giữa Mỹ và các nước ở châu Âu, điều có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ cũng như khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo, sẽ "có khả năng không thể cung cấp một số các sản phẩm và dịch vụ, bao gồm Facebook và Instagram ở Châu Âu".
"Nếu chúng tôi không thể chuyển dữ liệu giữa các quốc gia và khu vực mà chúng tôi hoạt động, hoặc nếu chúng tôi bị hạn chế chia sẻ dữ liệu giữa các sản phẩm và dịch vụ của mình, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp dịch vụ của chúng tôi", bản tuyên bố nêu rõ. Sau đó, Meta giải thích rằng họ nghĩ rằng họ sẽ có thể đạt được các thỏa thuận mới vào năm 2022, nhưng nếu không đạt được, "chúng tôi có thể sẽ không thể cung cấp một số sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhất của mình, bao gồm cả Facebook và Instagram ở châu Âu". Nghĩa là Meta đã đưa ra một đe dọa ngầm rằng tập đoàn này có thể rút Facebook và Instagram khỏi thị trường châu Âu nếu không được phép trao đổi dữ liệu của người dùng châu Âu với Mỹ. Công ty còn nói thêm điều này "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến hoạt động kinh doanh, tình trạng tài chính và kết quả hoạt động của chúng tôi".
"Meta không thể đe dọa đòi EU từ bỏ các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu của mình", nhà lập pháp châu Âu Axel Voss cho biết qua Twitter và nói thêm rằng, "việc rời khỏi EU sẽ là mất mát của họ". Voss trước đây đã viết một số luật bảo vệ dữ liệu của EU.
Mặc dù không chắc Meta sẽ rút các sản phẩm chủ lực của mình khỏi một trong những thị trường béo bở nhất, nhưng phản ứng của họ cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng giữa công ty truyền thông xã hội và các nhà lập pháp về quyền sở hữu dữ liệu người dùng tại Châu Âu.
Sau khi báo cáo này được đưa ra, các nhà quản lý ở EU đã nhanh chóng gọi Meta là trò lừa bịp, và thậm chí còn nói rằng "cuộc sống rất tốt nếu không có Facebook và chúng tôi sẽ sống rất tốt nếu không có Facebook". Điển hình là hai chính trị gia hàng đầu của Đức và Pháp đã lên tiếng về lời đe dọa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các phóng viên rằng, ông đã không xài Facebook và Twitter trong bốn năm do tài khoản của ông bị tấn công liên tục, và "cuộc sống thật tuyệt vời" kể từ đó. Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói thêm rằng, ông có thể "xác nhận cuộc sống mới không có Facebook" và "chúng tôi sẽ sống rất tốt nếu không có Facebook".
Le Maire tiếp tục nói thêm rằng, các công ty công nghệ lớn phải "hiểu rằng lục địa Châu Âu sẽ chống lại và khẳng định chủ quyền bảo vệ dữ liệu người dân của mình". Ông Habeck còn nói thêm rằng EU "là một thị trường có nội lực phát triển cực lớn với nhiều sức mạnh kinh tế đến mức nếu chúng ta hành động thống nhất, chúng ta sẽ không bị đe dọa bởi những thứ như thế này".
Trước đây, vào tháng 8/2020, Meta nhận được dự thảo quyết định từ Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (IDPC), trong đó tuyên bố việc chuyển dữ liệu của Meta giữa Mỹ và châu Âu là vi phạm Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) và phải cấm. Dù mới chỉ dừng ở dự thảo, công ty sở hữu Facebook, Instagram vẫn lo ngại quyết định cuối cùng có thể được ban hành vào nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Facebook đe dọa sẽ cấm các dịch vụ của mình. Vào năm 2020, công ty này cho biết họ có kế hoạch chặn mọi người và các nhà xuất bản ở Úc chia sẻ tin tức, trong nỗ lực chống lại một đạo luật được đề xuất buộc công ty phải trả tiền cho các công ty truyền thông cho các bài báo của họ.
Cũng gần đây nhất, Zuckerberg thừa nhận lần đầu tiên lượng người dùng Facebook hàng ngày trong một quý bị giảm kể từ năm 2004. Điều này được xem là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu sụt giảm nặng nề, làm giá trị vốn hoá công ty mẹ Meta bốc hơi 230 tỷ USD.