Ít ai biết rằng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km về hướng Tây Bắc có một ngôi làng kính cẩn thờ phụng và gọi chó đá là Quan lớn Hoàng Thạch. Đó là làng Địch Vĩ, xã Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội.
Những ngày đầu xuân năm mới Nhâm Dần 2022, đặt chân tới làng, hỏi thăm người dân về vị thần này, từ già đến trẻ không ai là không biết. Người dân luôn ghi nhớ và tự hào rằng: "Nơi đây đã thờ phụng quan Hoàng Thạch được 400 năm". Ngoài sự ngạc nhiên, chúng tôi rất đỗi tò mò về vị thần khuyển này tại sao lại được người dân nơi đây sùng bái đến như vậy?
VIDEO: Khám phá tục thờ chó đá của người dân làng Địch Vĩ. Thực hiện: Thu Hà - Như Quỳnh.
Để hiểu hơn về nguồn gốc của tượng "thần đá", chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Hùng (66 tuổi) - Trưởng thôn làng Địch Vĩ. Theo lời ông Hùng: "Những bậc cao niên trong làng kể lại, đời nọ truyền lại đời kia, tượng chó đá đã tồn tại hơn 400 năm nhưng nguồn gốc xuất hiện chính xác có từ bao giờ thì không ai rõ".
Câu chuyện về thần chó đá bắt nguồn từ giai thoại: "Tương truyền, ngày xưa ở vùng cửa sông Hát có 2 anh em nhà nọ, người anh tên là Ngọc Tri làm quan viên triều đình, còn em trai là Hoàng Thạch. Một lần anh trai ra trận đánh giặc, giao lại nhà cửa, ruộng đồng cho người em trai ở nhà trông nom cùng với chị dâu ở nhà. Sau khi đánh giặc tan, anh trai về thấy vợ có thai nên đem lòng ghen tức và sinh nghi người em có gian tình với chị dâu.
Khi sự hiềm khích lên tới đỉnh điểm, lòng ghen tức lấn át lý trí, người anh trai giận dữ tột độ nên chém chết người em mà mắng rằng: "Đồ chó má"… Thời gian sau, người vợ sinh ra một "quái thai", người em báo mộng về cho anh là bị oan.
Về phần người em, sau khi chết, người anh mang xác vứt xuống sông… nỗi oan tình kia khiến xác người em hóa thành tượng đá. Về sau tượng đá trôi dạt xuống khúc sông thuộc địa phận làng Thọ Xuân – đối diện làng Địch Vĩ, được ngăn cách bởi dòng sông Hồng. Dân làng Thọ Xuân đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ là tượng quý nên người Thọ Xuân cử hàng trăm người ra khiêng về thờ nhưng không thể.
Kỳ lạ thay chỉ khi về đến địa phận làng Địch Vĩ, bốn thanh niên trai tráng ra khiêng thử thì pho tượng nhẹ bẫng. Biết là báu vật linh thiêng, người dân làng Địch Vĩ mang về hạ ở đầu chùa, bảo vệ khu đình, chùa và cho cả làng. Người dân trong làng đi qua kính cẩn, có nỗi oan khuất hay ấm ức đều chắp tay khấn cầu trước "Ngài chó đá" để mong được hóa giải.
Tương truyền tượng chó đá ấy là Hoàng Thạch hóa thân. Từ đó, trong tâm thức của người dân làng Địch Vĩ, Quan lớn Hoàng Thạch đã cùng các vị thần khác bảo hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cho đến nay, tục thờ cúng Quan lớn Hoàng Thạch đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người dân trong làng.
Cũng bởi lẽ đó, mà người dẫn đã đưa vị thần này lên thờ phụng trên một gò đất cao ở đầu làng, tiếp giáp với ngôi chùa cổ của làng, bệ thờ chó đá được tạc bằng đá bề thế, trang nghiêm và linh thiêng.
Ông Hùng cho biết, tượng đá thờ thần chó lớn cao 1,4m trong tư thế ngồi, chân cụp, hàm răng nhọn đang nhe ra. Ngồi xung quanh còn có 16 tượng chó nhỏ, kích thước không đều với nhiều tư thế khác nhau.
Trước đây, người dân thờ chó đá ở mô đất thấp. Sau này, người dân xây bệ thờ và rước ngài lên, bệ thờ khoảng 10m2, xung quanh bệ thờ có tường bao quanh. Người dân cùng với du khách bốn phương thường đến đây vào ngày tết, mùng 1 và 15 hàng tháng để tế lễ, cúng bái thắp hương cầu bình an, may mắn.
Tượng được đặt hướng mặt về phía làng Hát Môn vì lẽ tưởng nhớ quê hương của quan Hoàng Thạch. Cũng từ đó đến nay, làng Hát Môn và Địch Vĩ kết nghĩa anh em. Theo giao kết, trai gái trong làng không được phép yêu nhau. "Nếu có lấy nhau cũng chỉ là trường hợp hãn hữu, bất khả kháng", ông Hùng cho biết thêm.
"Theo chia sẻ của các bậc cao niên trong làng, từ nhiều đời truyền lại, Quan Hoàng Thạch rất linh thiêng, trước đây chúng tôi hay gọi là Quan lớn, người dân đi chợ hay đi đâu qua đó phải ngả nón, ngả mũ. Theo lệ, gia đình nào có đám tang khi rước linh cữu qua tượng chó đá phải ngừng thổi kèn, đánh trống cách 50m", ông Hùng nói.
Không phải tự nhiên mà người dân nơi đây tin rằng "thần Hoàng Thạch" như một vị quan xét xử những điều oan ức, chuyện éo le mà người đời khó bề phân xử. Chị Nguyễn Mai Loan (42 tuổi), một hộ dân sống gần đó kể lại: "Từng có một người mất trộm, ra đặt lễ, kêu khấn rồi mấy ngày sau lại thấy của. Có người bị vu oan, ra cậy nhờ ngài để minh oan. Hay đôi vợ chồng suýt bỏ nhau, đến thề thốt với ngài rồi gia đình lại đoàn tụ".
Một lãnh đạo UBND xã Phương Đình cho biết, tục thờ chó đá đã có từ lâu đời, xuất hiện không chỉ ở làng Địch Vĩ mà ở nhiều làng quê Việt Nam. Tục thờ chó đá được biểu hiện dưới nhiều hình thức. Người Việt thường chôn chó đá trước cổng với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ. "Tục thờ chó đá ở địa phương tôi cũng tương tự như vậy", vị này nói và xác nhận, việc trai gái 2 làng Hát Môn, Địch Vĩ không lấy nhau là có. "Tuy nhiên vài năm trở lại đây, cũng có vài cặp đôi đã kết hôn. Theo ghi nhận của tôi, các cặp vợ chồng vẫn hạnh phúc, sinh con đẻ cái bình thường, khỏe mạnh".
Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, tại huyện Đan Phượng, chỉ cách làng Địch Vĩ khoảng 2 km, còn có một ngôi làng khác cũng thờ chó đá đó là làng Trung Hiền (xã Thượng Mỗ). Tại đình làng thờ 4 vị là Hải thần, Nhật thực, Chàng út và thần Cẩu với mong muốn các vị thần phù hộ cho mọi điều tốt đẹp đến với nhân dân.
Trong đó, thần Cẩu được gọi là quan Hoàng Thạch đặt trên bệ thờ ở góc trái của sân đình. Tượng được tạc bằng đá xanh ở tư thế ngồi, hai chân sau áp sát xuống đất. Bệ thờ xây bằng gạch, trát xi măng, hiện đã được tu sửa thêm và bắn tôn để che nắng, che mưa.
Ông Nguyễn Văn Thấn (67 tuổi), người trông coi đình Trung Hiền mỗi ngày đều đặn tới đây trông nom, quét dọn và chăm chút hương khói cho đình chia sẻ: "Đình làng nói chung và Thần Hoàng Thạch nói riêng đối với dân làng có ý nghĩa vô cùng lớn. Việc thờ thần đã được truyền từ đời này sang đời khác và chúng tôi luôn gìn giữ và bảo tồn, coi đó là một nét văn hóa tâm linh của làng".