Mới đây, bộ VH-TT-DL vừa ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, áp dụng cho các thành viên gia đình gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể… Đó là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
Ngoài tiêu chí ứng xử chung là "tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ", các thành viên trong gia đình còn có những tiêu chí ứng xử khác tùy theo quan hệ. Theo đó, tiêu chí ứng xử của vợ, chồng gồm: chung thủy, nghĩa tình. Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình…
Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu là gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà là hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: hòa thuận, chia sẻ.
Cũng theo bộ tiêu chí này, Bộ VHTTDL sẽ sử dụng một số khẩu hiệu tuyên truyền như: Vợ, chồng chung thủy, nghĩa tình; Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu thương con cháu; Con, cháu hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà; Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con, cháu thảo hiền; Xây dựng nhân cách người VN từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) về những vấn đề xung quanh bộ tiêu chí này.
- Năm 2019, chúng tôi bắt tay vào xây dựng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, đến năm 2020 - 2021 thì triển khai thí điểm ở 12 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi một miền chọn 4 tỉnh để thí điểm. Ngoài 12 tỉnh đó, các tỉnh thành còn lại cũng bố trí kinh phí cho việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình này ở địa phương họ bằng nhiều hình thức khác nhau, thí dụ như tuyên truyên ở các câu lạc bộ tại xã, huyện, tuyên truyền trên loa phóng thanh địa phương, hoặc lồng ghép vào các hoạt động văn hóa địa phương theo nguồn kinh phí có sẵn...
Sau một thời gian triển khai thí điểm, kết quả thu được tại các tỉnh, thành phố này như thế nào, thưa bà?
- Sau thời gian triển khai thí điểm, việc tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại các tỉnh, thành phố này đã đem đến những kết quả tích cực. Dễ hiểu bởi gia đình chính là yếu tố cơ sở để các thành viên ứng xử tại cộng đồng, khu dân cư mình sinh sống, cũng như toàn xã hội, đặc biệt ở những nơi công cộng như di tích, danh thắng, hoặc lễ hội.
Từ việc ứng xử văn minh, mỗi gia đình sẽ góp phần hình thành nên mỗi công dân tốt, mỗi địa phương sẽ tạo nên cảnh quan môi trường lành mạnh, thanh lịch, thu hút thêm khách du lịch. Xây dựng mối quan hệ tốt trong gia đình tạo còn củng cố sự bền vững cho các môi trường khác mà chúng ta sinh sống.
Ứng xử tích cực giữa con cái với bố mẹ, người vợ với người chồng, con cháu với ông bà, anh chị em với nhau… sẽ giúp phòng ngừa bạo lực gia đình, phát huy bình đẳng giới, tạo nên con người với những lối ứng xử đẹp. Lối ứng xử đẹp trong gia đình sẽ tác động đến nhiều môi trường xã hội khác.
Đặc biệt là những nơi đang xây dựng môi trường du lịch mới, lịch sử, văn minh, con người hiếu khách và ứng xử đẹp đẽ. Thí dụ, những người làm công việc kinh doanh ở những nơi du lịch, khi tham gia vào Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình họ cũng sẽ thay đổi nhiều về cách ứng xử với du khách để hạn chế tối đa những điều không tích cực.
Rồi trong các gia đình có bố mẹ làm công nhân, áp lực về gánh nặng áo cơm nặng nề hơn và không có nhiều thời gian để gặp gỡ nhau thường xuyên, sợi dây liên kết trong gia đình bị lỏng lẻo... thì Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cũng sẽ nhắc nhở họ điều chỉnh lại hành vi của mình. Đa số các địa phương đều rất hưởng ứng điều này và ra sức tuyên truyền bằng hệ thống trực quan sinh động với 4 mối quan hệ cơ bản: ông bà với con cháu, cha mẹ với con cái, vợ với chồng - chồng với vợ, anh chị em với nhau.
Điều này cũng phù hợp và xuyên suốt với truyền thống văn hóa của người Việt từ bao đời là kính trên nhường dưới, con cháu hiếu thảo với ông bà và cha mẹ. Cái này sẽ góp phần giáo dục đạo đức con người rất nhiều.
- Đây là Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VHTTDL ban hành nhằm vận động, tuyên truyền, giáo dục, định hướng... Cũng bởi vậy, hình thức phổ biến chủ yếu là truyền thông qua loa đài, truyền hình, báo chí, in tờ rơi... chứ không phải bắt buộc các gia đình phải đăng ký thực hiện. Các tỉnh, thành phố cũng có thể in tờ rơi phát cho mỗi nhà, có hình thức khen thưởng, tổng kết, biểu dương cho những gia đình gương mẫu, thực hiện tốt.
Thật ra bộ tiêu chí này là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời. Sự ra đời của bộ tiêu chí ứng xử chỉ là cách để nhắc nhở, đồng thời để các thành viên trong gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức hơn về cách giao tiếp, chia sẻ lẫn nhau.
Xã hội nào cũng có cái tốt, cái xấu đan xen. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để loại bỏ những tác động tiêu cực, truyền tải những nguồn thông tin tích cực. Tôi nghĩ, hiệu quả thực hiện tới đâu, tùy thuộc rất lớn vào các địa phương.
Chúng ta rất dễ dàng nhận thấy, những người được gia đình giáo dục tốt thì khi ra đường họ sẽ rất có ý thức trong mọi việc. Thí dụ, một đứa trẻ được giáo dục kỹ càng và văn minh thì khi tham gia giao thông, lỡ va chạm với người khác sẽ ứng xử rất văn minh. Những người không được dạy bảo tốt thì thường có những ứng xử không được văn minh.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vì thế sẽ là nền tảng để con người hoàn thiện nhân cách, hướng tới chân - thiện - mỹ, xây dựng một xã hội phồn vinh - hạnh phúc như chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Chúng ta muốn tiến tới được điều đó thì phải tích cực tuyên truyền, tích cực vận động, tích cực giáo dục và tích cực xây dựng môi trường.
Những ngày vừa qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em gây chấn động đã xảy ra trên cả nước. Bà có nghĩ "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình" sẽ góp phần hạn chế những tác động tiêu cực đó?
- Hiện nay, tôi đã gửi văn bản đề xuất với Bộ trưởng Bộ VHTTDL triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên toàn quốc chứ không còn thí điểm ở một số tỉnh thành nữa. Thông qua việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, chúng tôi cũng mong rằng các hành vi bạo lực trong gia đình sẽ ngày càng giảm thiểu. Đạo đức là gốc của con người, gia đình là gốc của xã hội. Cần một quá trình chia sẻ, tuyên truyền thật rộng rãi để những điều tốt đẹp được nhân rộng trong chúng ta.
Thời gian qua, chúng ta phải chứng kiến quá nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến bạo lực gia đình, nhất là bạo hành trẻ em. Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế đánh chết ở TP.HCM, rồi bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu... và cả sự việc cô bé 21 tuổi giết bố bằng chất hóa học rồi đổ bê tông phi tang ở Bà Rịa - Vũng Tàu nữa. Những sự việc này không phải bây giờ mới xảy ra mà đã âm ỉ từ lâu và nó đều có liên quan đến chuyện xuống cấp đạo đức trong gia đình.
Đạo đức là gốc của con người nhưng cũng là gốc của xã hội. Chính vì thế, tôi cũng kỳ vọng, khi ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong các khu phố, khu dân cư, khu công xưởng và các khu công cộng sẽ có sự lan tỏa. Dĩ nhiên, để điều này thực sự lan tỏa và ngấm sâu vào từng cá nhân thì cần phải có một quá trình. Cộng thêm đó, có sự chung tay của truyền thông - báo chí, tôi hy vọng mọi người sẽ có sự điều chỉnh dần dần.
Cảm ơn những chia sẻ của bà!