Cụ thể là lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được triển khai theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (quý I và II.2022): Tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi được Chính phủ cho phép.
Các hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Giai đoạn 2 (từ quý III.2022): Dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vắc xin cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Kế hoạch cũng yêu cầu Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến gắn với di sản-di tích làng nghề.
Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác tour truyền thống. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực, tuyến phố đi bộ theo chủ đề.
Xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp tại một số huyện có tiềm năng, thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…
Đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tỉnh, thành xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương. Tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Ngoài ra, theo kế hoạch, UBND thành phố cũng yêu cầu các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch bảo đảm tuyệt đối quy định, điều kiện về phòng, chống dịch và tiêu chí về đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND thành phố.
Theo UBND thành phố, Hà Nội kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi ngành Du lịch Thủ đô, tiến tới mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch trở lại bình thường trong năm 2022, phấn đấu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Sở du lịch Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai du lịch năm 2022. Cụ thể, về công tác truyền thông, triển khai hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá thông qua trang website, nền tảng mạng xã hội (youtube, facebook, fanpage VTV...), hệ thống thông tin đại chúng và đường dây hỗ trợ khách du lịch.
Triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thị trường trọng điểm khu vực phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, khu vực miền Trung-Tây Nguyên... hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không tổ chức các chương trình, sự kiện kích cầu, quảng bá du lịch trên địa bàn Thành phố; ở trong nước và nước ngoài; đón các đoàn famtrip gồm phóng viên báo chí và doanh nghiệp lữ hành nước ngoài vào Việt Nam, Hà Nội...
Tổ chức các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp, tầm cỡ, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô và hướng đến hội nhập quốc tế. Triển khai các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong và trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ hàng năm trên địa bàn Thành phố như: Lễ hội Du lịch - Văn hóa ẩm thực, Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Áo dài Hà Nội; Chương trình Hành trình hữu nghị; tổ chức tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát dành cho du lịch Hà Nội thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đối với các sự kiện này.
Xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch như: các tuyến phố du lịch ẩm thực đặc sắc, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, như: Đề án mở rộng các tuyến phố đi bộ hiện có tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; Đề án phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; Đề án tổ chức khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; Đề án tổ chức không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng...
Đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh như: Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng…
Nhóm sản phẩm du lịch di sản: Phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ ở Đường Lâm...; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp trải nghiệm tại chùa Hương, cụm di tích đền Tản Viên Sơn Thánh, K9, Cổ Loa, đền Sóc...
- Tiếp tục phát triển những sản phẩm nhóm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, làng nghề truyền thống (gắn với giáo dục, nông nghiệp) tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện thuận lợi khu vực các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Thường Tín, Đan Phượng… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của du khách...