Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam liên tục tăng. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nguy kịch, tử vong có xu hướng giảm. PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội về tình hình phòng chống dịch bệnh cũng như những đánh giá, đề xuất trong giai đoạn mới.
Thưa ông, những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam liên tục tăng, tuy nhiên số ca nặng, tử vong đang có xu hưởng giảm. Ông đánh giá thế nào về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay ra sao?
- Tôi thấy các biện pháp chống dịch của chúng ta thời gian vừa qua phù hợp, đúng đắn. Chúng ta chuyển từ Zezo Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Các cơ sở có khả năng quản lý tốt các bệnh nhân, bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ, ít nguy cơ ở nhà.
Nhiều chương trình, nhóm, tư vấn hỗ trợ F0 liên tục cập nhật thông tin, theo dõi nên bệnh nhân F0 cũng yên tâm khi điều trị tại nhà. Bệnh nhân nào thực sự cần vào viện cũng được đưa vào viện. Đơn cử như các bệnh viện tuyến tại Hà Nội cũng đã tích cực nhận F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nhân nào nặng, nguy kịch sẽ được chuyển lên các bệnh viện tầng trên nên đáp ứng được.
Hiện tại, tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn) hiện đang điều trị cho 140 bệnh nhân nặng, nguy kịch. Con số này chưa có chiều hướng giảm, vẫn như trước Tết Nguyên đán. Hiện bệnh viện vẫn đang đáp ứng được, chưa gây quá tải.
Qua đánh giá, bệnh nhân tử vong chủ yếu là bệnh nhân chưa tiêm vaccine. Trong đó, có tới 80% bệnh nhân tử vong chưa tiêm vaccine, 20% còn lại là bệnh nhân tiêm một mũi hoặc tiêm đã quá lâu. Rất ít trường hợp tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer từ 2 mũi trở lên mà tử vong, chủ yếu nhiều bệnh nền. Điều này cho thấy tiêm vaccine vẫn rất hiệu quả.
Ông nghĩ sao về quan điểm đến giờ phút này nên xem Covid-19 là bệnh thông thường?
- Đúng vậy, đến thời điểm này Covid-19 không nên xem là đại dịch nữa mà xem như một bệnh chuyên khoa. Nó không phải là cúm cũng không phải là đại dịch bởi cách điều trị khá riêng. Khác với cúm nên xem Covid-19 là một bệnh thông thường của một bệnh truyền nhiễm. Cần tập trung vào việc lựa chọn bệnh nhân vào viện để trang bị cho các bệnh viện đầy đủ, trang bị con người, thuốc thang để điều trị cho bệnh chất lượng tốt nhất.
Theo ông, việc thống kê số ca Covid-19 mắc mới trong giai đoạn này có còn chính xác?
Chúng ta không nên đếm ca mắc Covid-19 ở thời điểm hiện tại bởi khoảng 50% các trường hợp người dân ở nhà, test nhanh dương tính gọi cho tổ tư vấn, nặng tự vào viện nên không thống kê được.
Khi đã coi Covid -19 là bệnh lý thông thường thì bệnh nhân Covid-19 có nên trả phí không, thưa ông?
Bệnh do nCoV khi ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A thì xem là bệnh thông thường, nên chi trả. Cụ thể việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả. Như thế, Nhà nước sẽ có đủ năng lực để làm tốt nhất, chuyên sâu nhất. Để trông chờ vào ngân sách Nhà nước sẽ rất khó khăn.
Thời gian qua, không ít người dân tự xét nghiệm Covid-19 phát hiện dương tính nhưng không báo lực lượng y tế tuyến cơ sở. Theo bác sĩ, việc này có nên hay không?
Khi xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, người dân nên báo với lực lượng y tế. Như vậy, lực lượng y tế sẽ nắm được những con số nhất định để đưa ra những lời khuyên phù hợp. Y tế địa phương cũng là những người được tập huấn kỹ, có kinh nghiệm. Người dân điều trị ở nhà nhưng nên theo chuyên gia theo dõi đó là y tế địa phương hay các nhóm bác sĩ. Việc này sẽ hỗ trợ cho tốt nhất người dân nên và không nên làm gì trong quá trình điều trị tại nhà, tránh tự phát.
Theo ông, khi xem Covid-19 là bệnh thông thường, các quy định trước đây có cần phải nới lỏng không?
Tôi cho rằng quy định gì chứ quy định 5K vẫn nên duy trì một thời gian nữa bởi có thể tiêm vaccine rồi, khả năng lây nhiễm cho những người tiêm vaccine sẽ giảm đi, thậm chí có ý kiến cho F0 không cần cách ly nên tham gia công việc bình thường. Tuy nhiên quy định 5K vẫn nên duy trì vì vẫn còn những người chưa tiêm vaccine. Vẫn có người đã tiêm vaccine nhưng có nhiều bệnh nền. Những người này bị nhiễm làm cho hệ miễn dịch kém đi có thể làm bệnh nền nặng gây tử vong.
Có những cái cần nới lỏng, có những cái không nên bởi biện pháp 5K là rẻ tiền mà hiệu quả, ý thức người dân tuân thủ là điều quan trọng nhất.
Là đơn vị điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tuyến cuối, ông có lời khuyên gì?
Người dân vẫn không nên hoang mang, số bệnh nhân Covid-19 những ngày tới có thể sẽ vẫn tăng, nhiều người sẽ bị nhiễm hơn nữa nhưng khi những người đã tiêm vaccine rồi sẽ bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ 5K, không hoang mang nhưng cũng đừng chủ quan để tránh trường hợp những người yếu thế, nguy cơ cao, chưa tiêm vaccine, người bệnh nền nhiều… nguy cơ tử vong còn cao. Ai chưa tiêm vaccine thì nên tiêm. Đừng mang tư tưởng theo môn phái gì không tiêm vaccine, không nên theo cách cực đoan như vậy.
Khi có vaccine cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi thì các trẻ nhỏ cũng nên tiêm để các con được đi học. Nhiều trẻ em bị nhiễm sẽ có những trẻ bị bệnh nền. Những người nhiễm bệnh nên sẵn sàng chung tay chi trả để giảm gánh nặng cho ngành y tế để có thể mua được những thuốc tốt cho điều trị bệnh nhân tốt hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!