Chuyển động Nhà nông 15/2.
Thị trường thực phẩm ngày rằm tháng Giêng dồi dào, giá cả ổn định
Khảo sát tại các chợ truyền thống tại Hà Nội cho thấy, nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi, thủy hải sản, thịt bò, thịt lợn, gà, hoa tươi… rất dồi dào và giá cả ổn định.
Các loại hải sản giá đã hạ nhiệt so với thời điểm trước và ngay sau Tết. Cụ thể với mặt hàng tôm tươi, trước Tết có thời điểm lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg, thậm chí ngay sau Tết còn "cháy hàng" mà giá cao, khoảng 450.000 đồng/kg loại vừa thì nay giá dao động từ 180.000 đồng – 350.000 đồng/kg tùy loại.
Các loại cá như cá trắm, cá chép… giá ổn định, không có gì đột biến, từ 50.000 đồng – 80.000 đồng/kg tùy loại to nhỏ.
Nông dân tái đàn heo sau Tết Nguyên đán
Sau Tết Nguyên Đán, các trang trại, hộ chăn nuôi ở Hà Nội rục rịch tái đàn để duy trì quy mô chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Tính đến hết tháng 1, tổng đàn heo của Hà Nội đạt hơn 1,5 triệu con, cơ bản bảo đảm nguồn cung thịt heo cho Thủ đô. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp liên tục khuyến cáo các địa phương hướng dẫn hộ chăn nuôi tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc rất cao. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi diễn biến thị trường, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở cả thị trường trong nước và thế giới để đưa ra các dự báo kịp thời, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với các sản phẩm chăn nuôi.
Giá phân bón có thể giảm sâu vào quý I
Thị trường phân bón trong nước năm 2021 đã khép lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần ở mức giá cao nhưng theo xu thế, giá phân bón sẽ giảm sâu sau khi tăng hỗn loạn gần như suốt năm theo đà tăng của thế giới. Bên cạnh một vài nguyên nhân khác, nguyên nhân chính thúc đẩy giá trong nước giảm, đó là sự điều chỉnh giá Urea của thị trường thế giới. Trong hơn 1 tháng trở lại đây, giá Urea thế giới đã giảm 300-400 USD/tấn mà phản ánh rõ rệt nhất là qua đấu thầu mua 1.5 triệu tấn của Ấn Độ vừa qua. Trong một diễn biến liên quan, nhu cầu lớn từ thị trường thế giới tăng mạnh cũng khiến hoạt động xuất khẩu phân bón của Việt Nam hưởng lợi. Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2022, xuất khẩu phân bsn tăng 682% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tăng cao, doanh nghiệp được lợi, song năm 2021 cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc có nên hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng phân bón trong nước để bình ổn thị trường, hỗ trợ nông dân.
Dự báo giá tôm nguyên liệu của Việt Nam sẽ ổn định trong quý I
Giá tôm thẻ chân trắng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng dần trong một vài tháng tới vì nguồn cung trở nên eo hẹp trước khi các vụ thu hoạch chính bắt đầu. Trước đó, các nhà máy chế biến đã phải thu mua tôm thẻ chân trắng với giá cao trong suốt nửa cuối năm 2021, đỉnh điểm vào những tuần cuối cùng của năm. Về phía các trang trại, nông dân đang tăng cường thả nuôi tôm vụ chính vào thời điểm sau Tết, dự kiến kéo dài đến hết tháng 2, tháng 3. Tôm thẻ chân trắng chủ yếu được nuôi trong các ao theo hình thức bán thâm canh, thâm canh và siêu thâm canh. Do đó, các trang trại sẽ không đẩy mạnh thu hoạch trước khi vào chính vụ. Các tập đoàn thủy sản quốc tế dự báo giá tôm thẻ chân trắng và tôm sú của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao trong quý I vì nguồn cung eo hẹp trước mùa thu hoạch chính.