Dân Việt

Nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút vào ban đêm

Theo Phương Mai 15/02/2022 06:35 GMT+7
Thường xuyên bị thiếu nước, tập thể dục quá sức hay mang thai có thể là nguyên nhân khiến bạn dễ bị chuột rút vào ban đêm.

Chuột rút là cơn co thắt cơ ở chân gây đau đớn, không tự chủ, có thể kéo dài vài giây hoặc vài phút. Mặc dù chuột rút vào ban đêm thường hết nhanh, chúng gây khó chịu và có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Chuột rút xảy ra phổ biến nhất ở cơ bắp, đùi hoặc bàn chân.

Nguyên nhân gây chuột rút

Chuột rút có thể gây khó chịu và đau đớn. Trải qua cơn đau trong đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Nguyên nhân chính xác của chuột rút chân về đêm vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm.

Thuốc

Theo Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ, một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, steroid và thuốc chống trầm cảm, có liên quan chứng chuột rút ở chân về đêm. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn bị chuột rút vào ban đêm khi đang dùng loại thuốc nào đó.

Nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút vào ban đêm - Ảnh 1.

Chuột rút vào ban đêm có thể khiến bạn khó chịu, gây gián đoạn giấc ngủ. Ảnh: Sleepfoundation.

Mang thai

Chuột rút là một trong những trải nghiệm phổ biến ở phụ nữ mang thai. Các nhà nghiên cứu không chắc liệu hiện tượng chuột rút này xảy ra do chính quá trình mang thai hay do thiếu máu trong tĩnh mạch khi mang thai.

Điều này cũng có thể do phụ nữ mang thai tăng cân và bị gián đoạn tuần hoàn. Theo Hiệp hội Mang thai Mỹ, thai nhi ngày càng lớn gây áp lực các mạch máu và dây thần kinh của người mẹ, dẫn đến chuột rút. Bổ sung magiê đã được chứng minh là có thể làm giảm chứng chuột rút trong thai kỳ. Tuy nhiên, tốt nhất là bạn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chất bổ sung mới nào.

Mất nước

Không uống đủ nước trong ngày có thể khiến cơ thể bị mất nước. Mất nước gây yếu cơ và chuột rút. Chuột rút vào ban đêm nói riêng không liên quan trực tiếp đến tình trạng mất nước, nhưng việc uống nước vẫn rất quan trọng. Lượng nước chính xác bạn cần uống mỗi ngày tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, mức độ hoạt động, thuốc men và khí hậu địa phương.

Theo Prevention, tiến sĩ Michael Behringer, Giáo sư khoa học thể thao tại Đại học Goethe (Đức), cho biết mất nước có thể thúc đẩy sự mất cân bằng điện giải trong máu, là một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút. Bạn có thể giảm khả năng bị chuột rút bằng cách duy trì lượng nước liên tục trong ngày để giảm tần suất chuột rút cơ bắp.

Cơ bắp mệt mỏi

Theo Medical News Today, việc đứng gây áp lực lên chân trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm. Đây thường là vấn đề nan giải đối với những người thường xuyên phải đứng khi làm việc. Bạn nên dành thời gian ngồi nghỉ ngơi thay vì đứng liên tục để bảo vệ đôi chân và ngăn ngừa chuột rút.

Ngoài ra, tập luyện quá sức tại phòng tập thể dục có thể dẫn đến chuột rút cơ. Các vận động viên có nhiều khả năng bị chuột rút sau khi thực hiện các hoạt động ở mức độ cao hơn bình thường. Khi cơ bắp mệt mỏi hoặc làm việc quá sức, chúng có thể dễ bị chuột rút hơn, đặc biệt vào ban đêm. Kéo căng, massage chân khi bị chuột rút do tập thể dục sẽ giúp bạn giảm đau.

Không vận động cả ngày

Nguyên nhân phổ biến khác là ngồi trong thời gian dài, chẳng hạn với người làm việc ở văn phòng, có thể khiến các cơ ngắn lại theo thời gian. Việc không hoạt động thể chất này khi bạn không kéo căng cơ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị chuột rút và chúng thường xảy ra vào ban đêm.

Ngoài ra, ngồi hoặc nằm theo cách nào đó hạn chế chuyển động hoặc lưu lượng máu đến chân, chẳng hạn gác chân này lên chân kia hoặc bắt chéo chân, có thể dẫn đến chuột rút. Bạn có thể thử thay đổi tư thế để xem liệu điều này có làm giảm chứng chuột rút vào ban đêm hay không.

Nguyên nhân khiến bạn bị chuột rút vào ban đêm - Ảnh 2.

Lười vận động trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ bị chuột rút vào ban đêm. Ảnh: Medicalnewstoday.

Một số tình trạng y tế nhất định

Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút ở bàn chân và bắp chân vào ban đêm mà không biến mất khi thay đổi lối sống hoặc chế độ ăn uống, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Trong nhiều trường hợp, nó có thể là dấu hiệu của căn bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, bao gồm: Bệnh tim mạch, xơ gan, bệnh thận, viêm xương khớp, tổn thương dây thần kinh ở chân, rối loạn tuần hoàn.

Theo tiến sĩ Scott Garrison, Phó giáo sư về y học gia đình tại Đại học Alberta (Canada), bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh thần kinh và trầm cảm cũng có liên quan chứng chuột rút.

Cách giảm chuột rút ở chân vào ban đêm

Mặc dù nguyên nhân chính xác của chuột rút vào ban đêm vẫn chưa được biết rõ, có nhiều cách để giảm nguy cơ gặp phải triệu chứng này.

Kéo giãn cơ: Thực hiện một số động tác kéo giãn hoặc tập yoga trước khi ngủ có thể giúp bạn giảm tần suất và cường độ của chuột rút về đêm. Nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện vài động tác kéo giãn trước khi ngủ giúp giảm chuột rút và đau chân sau khoảng 6 tuần.

Tắm: Một số người nhận thấy tắm giúp giảm chứng chuột rút vào ban đêm của họ. Đặc biệt, tắm muối epsom có thể làm giảm đau cơ. Muối epsom chứa magie sulfat, vì vậy, tắm bằng muối này có thể làm tăng mức magiê, giúp giảm chứng chuột rút ở chân.

Massage: Thực hiện massage bắp chân hoặc bàn chân trước khi ngủ có thể giúp bạn giảm chuột rút vào ban đêm vì nó làm thư giãn các cơ. Nếu bạn bị hạn chế về khả năng vận động, hãy nhờ người thân giúp đỡ.

Đi bộ bằng gót chân: Một số người nhận thấy đi bằng gót chân của họ giúp giảm chứng chuột rút về đêm. Nếu bạn thức dậy vào nửa đêm với tình trạng chuột rút ở bắp chân, hãy thử đứng dậy và đi bằng gót chân của mình. Mặc dù kiểu đi bộ này giúp thư giãn cơ bắp chân bị căng đột ngột, nghiên cứu đã phát hiện nó không hiệu quả bằng cách kéo giãn cơ khi bị chuột rút.