Theo đó, việc sửa đổi Luật Viễn thông và xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đồng thời đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số và sự phát triển của thực tiễn.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông cho biết việc xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi là rất cần thiết vì sau hơn 10 năm áp dụng, Luật đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới như xu thế phát triển công nghệ đã tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế số; Chưa có chính sách phát triển các doanh nghiệp mạng viễn thông di động ảo để thể chế hoá quan điểm của Đảng về việc thúc đẩy tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông mới, chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ của các doanh nghiệp có hạ tầng mạng trong việc cho thuê hạ tầng; Việc cấp phép và điều kiện cấp phép chưa phù hợp.
Từ năm 2010, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… với những cam kết mới và cao hơn so với các cam kết của việt Nam trong khi gia nhập WTO…
Ông Nhã cho biết chính sách đề xuất trong Luật Viễn thông sửa đổi gồm các chính sách: quản lý và điều tiết thị trường bán buôn, hoàn thiện các quy định cấp phép viễn thông, quản lý và phát triển dịch vụ thông tin vệ tinh, bổ sung thêm phần trung tâm dữ liệu (data center) vào cơ sở hạ tầng viễn thông và quản lý kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết tính đến hết năm 2021, doanh thu ngành công nghiệp ICT ước đạt 136 tỷ USD, gấp 22 lần so với năm 2009 là 6,2 tỷ USD. Cả nước 64.000 doanh nghiệp công nghệ số. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 bình quân cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.
Việc xây dựng Luật phù hợp sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT hình thành công nghiệp, công nghệ số khi xu thế hội tụ giữa các lĩnh vực CNTT, viễn thông và truyền thông hình thành nên ngành công nghiệp CNTT và truyền thông (công nghiệp ICT) đồng thời tạo ra các hoạt động sáng tạo, đổi mới tạo ra giá trị mới và thị trường mới.
Bên cạnh đó, xu thế phát triển ngành công nghiệp ICT kết hợp với công nghệ số mới của cuộc CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, dữ liệu lớn, chuỗi khối,... hình thành nên ngành công nghiệp, công nghệ số.
Chính sách trong Luật CN, CNS được đề xuất gồm 2 nhóm chính sách: Nhóm chính sách 1, gồm: hoạt động công nghiệp, công nghệ số, sản phẩm và dịch vụ công nghệ số; Thử nghiệm sản phẩm và dịch vụ công nghệ số (Sandbox), quản lý sản phẩm AI, quản lý sản phẩm và dịch vụ công nghệ số trọng yếu; Nhóm chính sách 2, gồm: bảo đảm phát triển công nghiệp, công nghệ số; sản phẩm CNS trong nước (Make in Viet Nam); dữ liệu số; trung tâm tính toán hiệu năng cao; thâm nhập thị trường nhà nước và kinh doanh xuyên biên giới. Các chính sách mới có tỷ lệ 45% chính sách kế thừa, bổ sung, thay thế Luật CNTT và 55% là các chính sách mới.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ ngành, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp số đã đóng góp nhiều ý kiến xây dựng cho việc sửa đổi Luật Viễn thông, xây dựng Luật CN-CNS.
Đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết việc sửa đổi luật Viễn thông và xây dựng luật CN-CNS là rất cần thiết. Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực Viễn thông, CNTT, Internet, đặc biệt chú trọng về tự chủ công nghệ, theo đó, việc xây dựng Luật CN-CNS có thể góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ trong nước, tránh lệ thuộc công nghệ nước ngoài, giảm thiểu rủi ro. Các đơn vị chủ trì soạn thảo luật, cần bám sát quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Nhà nước để bổ sung sự cần thiết. Việc xây dựng Luật cũng phải đảm bảo tính thống nhất từ của các văn bản quy phạm pháp luật từ luật, nghị định; các quy định tập trung vào lĩnh vực chuyên ngành và chưa có; đảm bảo tính phù hợp với các quy định quốc tế.
Đóng góp các ý kiến cho việc sửa đổi Luật Viễn thông, xây dựng Luật CN-CNS, các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT, CMC, FPT, VCCor đều cho rằng, lĩnh vực viễn thông - công nghệ số đã tiến rất xa, đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống nên cần phải có sửa đổi tổng thể.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đề nghị các đơn vị soạn thảo là Cục Viễn thông, Vụ CNTT tiếp thu các ý kiến góp ý của các cơ quan Bộ, Ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội và các chuyên gia trong công tác sửa đổi và xây dựng Luật Viễn thông, Luật CN,CNS.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, Bộ TT&TT đã rà soát Luật Viễn thông về các vấn đề thực thi, các vấn đề mới phát sinh, các dự báo, các vấn đề thực hiện theo quy định quốc tế, cách tiếp cận mới và các vấn đề phát sinh sẽ tiếp tục bổ sung trong quá trình sửa đổi, trong đó có 2 chính sách lớn là tạo ra thị trường cạnh tranh tốt bằng cách mở thị trường bán buôn, bán lẻ; Đưa việc xây dựng, vận hành, quản lý trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp vào Luật Viễn thông để thúc đẩy sự phát triển.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, công nghệ số đã đi vào cuộc sống nên việc xây dựng Luật CN, CNS cần có hành lang phát triển. Luật sẽ giúp thúc đẩy công nghệ số, sản phẩm Make in Vietnam để phát triển, sánh tầm khu vực. Để làm được sản phẩm dịch vụ Make in Vietnam thì cần phải có dữ liệu và dữ liệu phải mang tính hợp pháp. Việc có quy định sandbox cũng là để thúc đẩy phát triển Ngành, thúc đẩy Make in Việt Nam./.