Dù Nga và Ukraine đứng trên bờ vực xung đột, có vẻ các thị trường tài chính và các nhà kinh tế đang bận tâm đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất như thế nào hơn là cái giá kinh tế phải trả cho một cuộc chiến.
Trong đó, một số nhà phân tích thị trường toàn cầu hàng đầu nâng cao cảnh báo về rủi ro chiến tranh. Tuần trước, nhóm chiến lược gia của Robabank đã phát hành một báo cáo đánh giá nguy cơ xung đột Nga – Ukraine có thể tác động đến kinh tế thế giới như thế nào.
Báo cáo đi sâu vào phân tích các nhóm ngành hàng sẽ chịu ảnh hưởng theo các kịch bản khác nhau, kể cả trường hợp xung đột chưa đến một cuộc chiến tranh vũ trang. Rất có khả năng, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ đại diện cho một một cuộc khủng hoảng lớn hơn sắp diễn ra như quy luật lịch sử: trật tự kinh tế thế giới đã thay đổi lần lượt sau các năm 1945, 1971, 1978 và 1991.
Trong ngắn hạn, nhiều người thừa nhận rằng một cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, dù chỉ là một cuộc chiến hạn chế, chắc chắn làm tăng giá dầu và khí đốt, đặc biệt là ở châu Âu.
Nga cung cấp khoảng 30% lượng dầu mỏ và 35% lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu. Trường hợp xảy ra xung đột vũ trang, chắc chắn khối lượng xuất khẩu này sẽ bị cắt đứt hoàn toàn.
Các nhà phân tích năng lượng của Rabobank tin rằng điều này có thể khiến giá dầu bị đẩy tăng từ mức cao ở hiện tại là khoảng 90 USD/thùng lên đến 125 USD/thùng, với giá khí đốt cũng sẽ tăng theo sau.
Chiến lược gia trưởng bộ phận Hàng hóa toàn cầu của RBC, bà Helima Croft, cũng tin rằng giá dầu và khí đốt sẽ tăng cao hơn trong trường hợp nguồn cung của Nga bị gián đoạn, bất chấp những nỗ lực tốt nhất của chính phủ Mỹ để tìm nguồn thay thế.
"Mặc dù châu Âu có phạm vi nhập khẩu khí đốt khá rộng [từ Trung Đông] để giúp giảm thiểu tác động của sự gián đoạn từ Nga, nhưng nguồn cung khác hiện có chưa thể bù đắp được hết khối lượng thiếu hụt khi xảy ra gián đoạn", bà Helima Croft đưa ra nhận định.
Tuy nhiên, nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với Nga để tránh xung đột, Rabobank cảnh báo tác động giá có thể còn nghiêm trọng hơn.
Giả sử tất cả các quốc gia ngừng mua năng lượng của Nga, Báo cáo dự báo tác động giá sẽ rất lớn, giá dầu khi đó có thể tăng lên 175 USD/thùng do thiếu hụt nguồn cung trầm trọng.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia lưu ý rằng trường hợp này rất khó xảy ra vì các quốc gia không thể đều sẽ tuân thủ. Ví dụ như Trung Quốc vẫn có khả năng hỗ trợ Nga thông qua các giao dịch mua lớn, và thậm chí EU cũng không thể từ bỏ hoàn toàn năng lượng của Nga.
Điều đó có thể dẫn đến giá sẽ chỉ cao hơn ở các nước áp dụng lệnh trừng phạt, còn ở những quốc gia vẫn sẵn sàng mua dầu và khí đốt của Nga, giá sẽ "mềm" hơn.
Các mặt hàng quan trọng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh hoặc lệnh trừng phạt vì Nga là nước trồng lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine nằm trong top 5 nước hàng đầu.
Sản lượng lớn lúa mạch, ngô, hướng dương và hạt cải dầu cũng có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi các quốc gia khác, bao gồm Úc, có thể bù đắp được phần nào sự mất mát về nguồn cung, nước này có thể phải đối mặt với một khó khăn: phân bón.
Rabobank ước tính 23% amoniac, 17% kali, 14% urê và 10% phốt phát của thế giới do Nga cung cấp hàng năm.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu phân bón lớn - Trung Quốc – thì lại đang dự trữ phần lớn sản lượng urê và phốt phát cho mục đích sử dụng trong nước. Chính vì vậy, việc sản phẩm phân bón của Nga giảm đi sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hoá và đẩy giá các thành phần phân bón chính tăng cao.
Các chuỗi cung ứng sản xuất cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột hoặc các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Thị phần xuất khẩu niken toàn cầu của Nga ước tính vào khoảng 49%, paladi 42%, nhôm 26%, bạch kim 13%, thép 7% và đồng 4%.
"Xung đột Nga – Ukraine sẽ dẫn đến gián đoạn một nửa lượng niken xuất khẩu toàn cầu cung cấp đồ dùng nhà bếp, điện thoại di động, thiết bị y tế, phương tiện giao thông, tòa nhà và nguồn điện; palađi cho bộ chuyển đổi xúc tác, điện cực và thiết bị điện tử; và một phần tư nhôm cho xe cộ, xây dựng, máy móc và bao bì" - Rabobank cảnh báo.
Nhóm chuyên gia cho rằng một nền hòa bình thù địch với các lệnh trừng phạt kéo dài đôi khi có thể sẽ đe dọa nguồn cung và chi phí kim loại còn nhiều hơn là sự gián đoạn tạm thời từ một cuộc chiến ngắn.
Rabobank dự đoán rằng chiến tranh hoặc các biện pháp trừng phạt nặng nề có thể dẫn đến sự an toàn trên thị trường tài chính, đẩy giá trái phiếu lên và khiến lãi suất thấp hơn.
Đây có thể là một đối trọng có sức nặng đối với xu hướng tăng lãi suất hiện nay ở nhiều nền kinh tế tiên tiến.
Tuy nhiên, bức tranh sẽ trở nên phức tạp do lạm phát thậm chí có thể còn cao hơn hiện tại do tình trạng thiếu hàng hóa tiềm ẩn nêu trên.
Việc các ngân hàng trung ương xem xét lạm phát gây ra bởi các nguồn nước ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát là bao nhiêu vẫn chưa được thực sự xác định trong giai đoạn hiện tại do Fed chuẩn bị nâng lãi suất của Mỹ vào tháng Ba.
Trớ trêu thay, việc kéo dài thời gian lãi suất thấp có thể giúp ngăn chặn tình trạng bán tháo gần đây của thị trường. Dù thực tế là sự bù đắp cho thiệt hại kinh tế từ xung đột nóng hoặc lạnh liên quan đến Nga, EU, Mỹ, thậm là cả Trung Quốc, và sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích của tỷ lệ thấp hơn trong thời gian dài hơn.
Về mặt tiền tệ, Rabobank dự đoán đô la Mỹ, yên Nhật, franc Thụy Sĩ và vàng sẽ là những nơi trú ẩn an toàn hiển nhiên trong trường hợp xảy ra xung đột.
Đồng rúp của Nga sẽ giảm giá trong trường hợp có chiến tranh hoặc các lệnh trừng phạt, và sự ưa chuộng của đồng euro cũng có thể sẽ giảm xuống.
Đây dường như vẫn là điều mà các thị trường nói chung đang hy vọng vì Nga cũng từng nhiều lần "lùi bước" trong căng thẳng với Ukrain, lần gần nhất là vào tháng 4 năm ngoái.
Nhưng ngay cả trong "kịch bản lành tính nhất" này, nhóm chuyên gia vẫn dự đoán về những hậu quả kinh tế lâu dài.
Robabank dự đoán rằng cuộc khủng hoảng Ukraine hiện tại sẽ thúc đẩy một số xu hướng toàn cầu đang diễn ra. Nhiều xu hướng trong số đó được châm ngòi bởi cuộc khủng hoảng COVID và chính sách ngoại thương ngày càng hung hăng của Trung Quốc:
Theo đó, nhóm chuyên gia nhận định Mỹ khó có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt Nga mà không làm tê liệt các bộ phận lớn của nền kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu.
Thay vào đó, báo cáo dự đoán thế giới sẽ có xu hướng phát triển các khối liên minh chặt chẽ, cùng có lợi với những quốc gia lớn mạnh nhất. Gần đây, đã có hai khối liên minh như vậy qua hai hiệp ước: AUKUS (thoả thuận quốc phòng ba bên giữa Úc, Vương quốc Anh, và Mỹ) và QUAD (Liên minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) .
Cuối cùng, xung đột có thế khiến kinh tế thế giới hướng tới một hình thức toàn cầu hóa khác, khép kín hơn theo các khối. Lúc này, Mỹ cùng với các đồng minh vẫn có thể giữ được quyền lực và ảnh hưởng theo một mô hình như vậy, thì những nước khác không có khối liên minh đi cùng sẽ phải "vật lộn" trong tình hình mới.
Khi kinh tế toàn cầu là một trò chơi có tổng bằng 0 (sự thay đổi ròng về tài sản là bằng 0 – nước này có được lợi nhuận từ thua lỗ của nước khác), hẳn đây sẽ là thách thức lớn đối với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nhà xuất khẩu ròng EM (thị trường mới nổi), Trung Quốc và EU.