Dân Việt

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Câu chuyện ít biết trong những ngày khói lửa

Nguyễn Quý 16/02/2022 07:00 GMT+7
43 năm trước, quân Trung Quốc đã nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (6 tỉnh). Quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng để ngăn bước tiến quân thù, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Dù năm tháng trôi đi nhưng những câu chuyện về ký ức hào hùng trong cuộc chiến đấu này vẫn còn nguyên vẹn.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn (Bài 1)

Sáng sớm 17/2/1979, cả người lớn và trẻ nhỏ xã Pò Hèn (TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đều giật mình bởi những tiếng nổ lớn. Tiếng nổ mỗi lúc một dày hơn, gần hơn, rung chuyển, vang động cả những cánh rừng. Đó là những loạt pháo cối đầu tiên bắn cấp tập vào Đồn 209 Pò Hèn.

Một buổi chiều giáp Tết Nhâm Dần 2022, trong chương trình làm việc tại Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Trung ương đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.

Nơi đây, ngày 17/2/1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh và cán bộ Lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp Móng Cái đã ngoan cường chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

43 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2022): Câu chuyện ít biết trong những ngày khói lửa - Ảnh 1.

Ngày 26/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái. Ảnh: VGP

Ngày 13/2, tôi và cựu chiến binh Hoàng Như Lý (chiến sĩ trinh sát Đồn 209 Pò Hèn, nhân chứng sống của trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979) hẹn gặp nhau tại Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.

Ông Lý đi theo đường vành đai biên giới từ TP.Móng Cái lên, còn tôi đi từ TP.Hạ Long đến huyện Hải Hà, lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh rồi mới lên đường vành đai biên giới tới xã Hải Sơn. Đến 13 giờ 30, tôi mới tới điểm hẹn.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh 1.

Ông Hoàng Như Lý thắp nén hương cho đồng đội tại Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn, chiều 13/2. Ảnh: Nguyễn Quý.

Khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sáng nhưng đượm nét u buồn, cựu chiến binh Hoàng Như Lý chậm rãi thắp nhang từ Đài tưởng niệm, đến ngôi mộ gió.

Tôi và Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, lặng lẽ theo sau, rồi chúng tôi dừng lại ở nhà bia, bắt đầu câu chuyện về ngày 17/2/1979 lịch sử.

Nỗi niềm ẩn ức của người sống sót

"Gần 70 năm cuộc đời, tôi đã trải qua nhiều nỗi cay đắng, nhưng không có nỗi cay đắng, xót xa nào hơn khi phải nghe những tiếng xì xào, đồn đại, rằng: Cả Đồn Pò Hèn đang ngủ, bọn chúng vào cắt cổ chết hết, chẳng còn ai sống sót. Lại có lời đồn, tối ngày 16/2/1979, Đồn tiếp khách, uống rượu say nên sáng sớm hôm sau, địch kéo đến thì không xoay xở kịp.

Mỗi khi có ai đó hỏi: "Có phải vậy không anh Lý?", tôi lại thấy lòng mình đau xót nghẹn ngào, nước mắt cố kìm lại nhưng vẫn cứ ứa ra, thực sự không muốn nói gì nữa" – người cựu chiến binh già trầm ngâm, đôi mắt sáng chuyển màu đỏ sậm, ầng ậng nước.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh 2.

Bên tấm bia ghi danh sách các liệt sĩ, cựu binh Hoàng Như Lý kể cho Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn (bên phải) và PV Dân Việt nghe kỉ niệm với từng đồng đội. Ảnh: Nguyễn Quý.

Nhưng đến bây giờ, ông Hoàng Như Lý không thể im lặng được nữa: "Có lẽ tôi không chết là nhờ anh em đã che chở cho. Anh em muốn tôi phải sống, ở lại để làm nhân chứng, nói lên tất cả những gì chúng tôi đã trải qua trong giờ phút ác liệt ấy. Để người ta hiểu cái giá của hòa bình, các giá của từng tấc đất quê hương, cái giá của lòng tự tôn dân tộc đã phải trả như thế nào".

"Đó thực sự là một cuộc chiến đấu quyết tử" – cựu binh Hoàng Như Lý nhìn thẳng vào tôi nói, với tròng mắt trở lại màu sáng rực.

Ngày 16/2/1979 là thứ Bảy, Đồn ăn cơm tối hơi muộn so với mọi ngày, chỉ có 2 chốt là chốt Đồi Quế và chốt cửa khẩu, anh em đến lấy cơm về chốt ăn sớm để đảm bảo nhiệm vụ thường trực chiến đấu.

Bữa cơm hôm đó rất vui và đầm ấm, vì có cả khách ủy ban, thương nghiệp, phân viện ăn cùng. Khẩu phần và chất lượng bữa ăn cũng được tăng thêm so với ngày thường. Vẫn còn không khí của ngày xuân năm mới Tết Kỷ Mùi, chỉ tiếc là không có rượu chúc mừng nhau.

Trinh sát Hoàng Như Lý hỏi quản lý hậu cần Hoàng Tiến Cờ: "Trong kho còn rượu không chú?". "Anh ơi, cả đồn được phân phối 5 chai rượu, mấy ngày ăn Tết uống hết rồi".

Cơm nước xong khách ra về. Ban Chỉ huy Đồn triệu tập cuộc họp khẩn, mời các đồng chí cán bộ chủ chốt lên nhà chỉ huy, gồm: Phạm Xuân Tảo (Chính trị viên), Đỗ Sỹ Họa (Đồn phó), Bùi Hữu Liễn (Trạm trưởng), Nguyễn Văn Mật (cán bộ tổng hợp), Nguyễn Văn Khoát (Trung đội trưởng vũ trang), Hoàng Tiến Cờ (Quản lý quân nhu) và Hoàng Như Lý (Trinh sát viên). Tại cuộc họp, chỉ huy Đồn phổ biến tình hình và các công văn khẩn của cấp trên gửi xuống.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh 3.

Ông Hoàng Như Lý chỉ tay về hướng chốt Đồi Quế, nơi nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Ảnh: Nguyễn Quý.

"Họp xong, có đồng chí Liễn, Khoát, Cờ về trước, còn tôi và đồng chí Mật ở lại để chỉ huy Đồn gặp riêng. Anh Tảo dặn chúng tôi sắp xếp tài liệu, giấy tờ gọn vào một chỗ, nếu có tình hình xấu bất khả kháng phải đốt luôn tại phòng này, cấm không được mang ra ngoài đốt. Ra về, tôi và anh Mật nói với nhau: Hình như bác Tảo có gì khác khác, chắc bác quen ở chiến trường Tây Ninh rồi, đánh nhau nhiều trận nên có linh cảm đấy" – ông Hoàng Như Lý kể.

Không ngờ, bữa cơm hôm ấy là bữa cơm sum họp định mệnh, bữa cơm cuối cùng của các chiến sĩ Đồn 209 Pò Hèn. Chỉ sau 1 giấc ngủ đêm, anh em đồng chí đã mãi mãi chia xa, vĩnh viễn không bao giờ còn gặp lại nhau được nữa.

Loạt đạn pháo nã từ bên kia suối

"Đoàng!" Giữa màn đêm tĩnh mịch, tiếng súng bắn báo động của chiến sĩ Nguyễn Văn Hồi (SN 1960, quê Lạng Giang, Bắc Giang) vang lên. Anh là người gác ca cuối cùng, khi ấy khoảng 4 giờ 45 sáng 17/2/1979.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh 4.

Gia đình liệt sĩ Đỗ Sỹ Họa trồng cây nhãn lồng Hưng Yên trước cửa phòng làm việc cũ, theo di nguyện của liệt sĩ. Ảnh: Nguyễn Quý.

Những câu chuyện cảm động về sự chiến đấu quên mình của các cán bộ, chiến sĩ như thước phim quay chậm đưa chúng tôi về với chiến hào biên giới năm xưa, qua lời kể xúc động nghẹn ngào của cựu binh Hoàng Như Lý.

Đó là câu chuyện về mệnh lệnh của Đồn phó Đỗ Sĩ Họa trong tiếng pháo rền địch bắn sang từ bên kia suối: "Tuyệt đối không đồng chí nào được rời vị trí. Bọn chúng xông vào, ta yểm trợ cho nhau, quyết chiến với bọn chúng". Đến khi ngừng tiếng pháo, kẻ địch phóng loa kêu gọi ta đầu hàng, Đồn phó Họa mệnh lệnh: "Anh em đừng nghe bọn chúng nói, chúng ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ Đồn. Chúng xông vào ta bắn bỏ!"

Đó là hình ảnh chiến sĩ Hoàng Tiến Cờ, máu từ bên mang tai chảy xuống đẫm mặt, anh vẫn cầm khẩu AK với ánh mắt hoang dại, gào lên: "Quyết đánh, anh em ơi!"

Đó là câu chuyện tại giao thông hào, tự vệ Hoàng Thị Hồng Chiêm dù được Đồn phó Họa khuyên lùi về phía sau, nhưng cô vẫn cùng với người yêu là Thượng sĩ Bùi Văn Lượng chiến đấu cho đến lúc hi sinh…

Bên tấm bia ghi tên các liệt sĩ, người cựu binh già nghẹn ngào khi kể về tình yêu của Chiêm – Lượng: "Mới khoảng chục ngày trước khi xảy ra trận chiến, tôi còn đưa hai đứa lên gặp chỉ huy đồn để về quê xin làm lễ cưới. Thế là cả hai con người trẻ tuổi ấy đã ra đi, tất cả đều dang dở".

Xanh thẳm Pò Hèn

Trên mảnh đất in đậm ký ức lịch sử hào hùng, cuộc sống đã có nhiều thay đổi, không chỉ với người dân Pò Hèn mà cả xã Hải Sơn nói chung. Thanh xuân của các liệt sĩ đã gửi lại để thắp lên mùa xuân mới, sức sống mới, gieo hi vọng cho những chiến công mới nơi mảnh đất biên cương Đông Bắc.

Chuyện chưa kể trên đỉnh Pò Hèn - Ảnh 5.

Đời sống của người dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều thay đổi, NTM khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Quý.

Gặp Bí thư trẻ xã Hải Sơn Vũ Tuấn Anh, anh hào hứng: "Sau khi hoàn thành xây dựng NTM với nhiều khởi sắc, xã Hải Sơn đang tập trung xây dựng NTM nâng cao. Xã đang trở thành điểm sáng trong xây dựng kinh tế và đời sống văn hóa, một địa chỉ du lịch hấp dẫn của TP.Móng Cái. Ngoài điểm du lịch tâm linh là Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn, còn có làng du lịch cộng đồng (xóm họ Đặng); suối Mã Thầu Sán, đỉnh Mã Thầu Sơn…".

Trong mỗi bước đi tự hào của Hải Sơn hôm nay, đâu chỉ rực rỡ sắc đỏ của những mái nhà cao tầng kiên cố, sắc vàng của đồng lúa bội thu, sắc xanh của những cánh rừng bạt ngàn…, mà còn lấp lánh màu tự hào của ký ức lịch sử, đã và đang tô thắm thêm vẻ đẹp riêng có của mảnh đất biên cương giàu truyền thống cách mạng, lịch sử và văn hóa.

Chúng tôi chia tay khi sương mù và mưa phùn phủ dày đặc trên đỉnh Pò Hèn.

Cựu binh Hoàng Như Lý trao tặng tôi cuốn hồi ký "Hiên ngang Pò Hèn – ký ức còn mãi". Đối với ông, "cuốn hồi ký là công việc lớn nhất mình hoàn thành trước khi về sum họp với anh em".

Hơn 40 năm qua, ông luôn canh cánh một nỗi niềm, chỉ sợ trước khi ông mất, ông chưa kịp kể lại những gì đã diễn ra hôm ấy cho mọi người rõ, cho thế hệ con cháu mai sau biết.

"Ôi, nếu Lý cứ lặng câm và mang tất cả những thứ ấy về thế giới bên kia với anh em, thì chẳng phải chúng ta đã chết trong lặng lẽ và bất ngờ như họ nói, chẳng phải những giây phút quần thảo với giặc, chiến đấu quyết tử và sự hi sinh của chúng ta là vô nghĩa hay sao?" – cựu binh Hoàng Như Lý thốt lên trong hồi ký.