Dân Việt

Năm 2022, trường hợp cán bộ, công chức sẽ bị cách chức nếu vi phạm

pv 17/02/2022 09:33 GMT+7
Luật sư cho biết, hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Cách chức là gì?

Trao đổi với Dân Việt về quy định cán bộ, công chức vi phạm công vụ nhà nước phải chịu trách nhiệm thế nào, luật sư Phạm Quang Xá – Giám đốc Công ty luật XTVN, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Khái niệm cách chức được nêu rõ tại Luât Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019.

Theo đó, cách chức là việc công chức lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm".

Cán bộ công chức vi phạm gì sẽ bị cách chức.png

Cán bộ công chức vi phạm gì sẽ bị cách chức.png

Trường hợp nào cán bộ, công chức sẽ bị cách chức?

Theo luật sư, tùy từng trường hợp vi phạm công vụ nhà nước, cán bộ, công chức sẽ phải chịu trách nhiệm khác nhau trước pháp luật.

Cụ thể, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức được quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ gồm:

Có 4 mức kỷ luật đối với cán bộ: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.

Các mức kỷ luật đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc.

Các mức kỷ luật đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: Khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc.

Tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 nêu: "Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý".

Về hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc một trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, đã bị kỷ luật giáng chức mà tái phạm.

Thứ 2, có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp:

Công chức lãnh đạo, quản lý không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.

Thứ 3, có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp bị kỷ luật khiển trách nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc.

Người vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Thứ 4, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ.