Đồng Euro kỹ thuật số: Những gì chúng ta biết cho đến nay
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến hành các cuộc thử nghiệm nội bộ với đồng euro điện tử và dự kiến sẽ phát hành vào cuối năm 2023. Sau đó, các quốc gia trong Liên minh sẽ đánh giá hiệu quả của đồng tiền này và chính thức đưa vào hoạt động trong năm 2025.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu, đồng tiền vẫn sẽ hoạt động như đồng euro bình thường nhưng trên nền tảng số. "Phiên bản điện tử của đồng tiền sẽ được Eurosystem phát hành đến toàn thể người dân và các doanh nghiệp".
"Đồng euro kỹ thuật số sẽ hỗ trợ tiền giấy thay vì thay thế nó. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đảm bảo người dân có thể sử dụng tiền mặt trên toàn lãnh thổ liên minh. Tiền mã hóa chỉ là một trong nhiều lựa chọn giúp người dân thực hiện thanh toán tiện lợi và dễ dàng hơn", ECB chia sẻ thêm.
Paschal Donohoe, lãnh đạo nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro cũng đề cập đến đồng euro số trong chương trình nghị sự gửi cho các bộ trưởng tài chính trong khu vực.
"Chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện", Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định với trang Politico."Tôi cho rằng các quốc gia trong khu vực đồng euro nên chủ động tham gia vào tiến trình phát hành đồng kỹ thuật số này", ông Scholz nhận định.
Tuy nhiên, theo Politico, loại hình tiền kỹ thuật số này sẽ phải thông qua Nghị viện châu Âu để ban hành văn bản luật và các quy định pháp lý cụ thể. Gần đây, Ủy ban châu Âu đã thông báo rằng, họ có kế hoạch đề xuất một dự luật cho đồng euro kỹ thuật số vào đầu năm tới. Dự luật sẽ đóng vai trò là nền tảng pháp lý cho công việc kỹ thuật đang diễn ra của Ngân hàng Trung ương Châu Âu về phiên bản số của đồng euro.
Ủy ban châu Âu thẳng thắn khẳng định, Liên minh châu Âu, một liên minh chính trị và kinh tế gồm 27 quốc gia thành viên hiện đang tụt hậu so với các quốc gia khác về việc ban hành đồng kỹ thuật số mới. Cũng chính vì lý do này mà đồng euro kỹ thuật số đang dần được khám phá rất nghiêm túc. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với đồng euro kỹ thuật số đã xuất hiện do lo ngại ngày càng tăng rằng, các đồng nội tệ cuối cùng sẽ bị phá hoại bởi sự phổ biến ngày càng tăng của tiền điện tử như Bitcoin chẳng hạn.
Hiện tại, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang phát triển tiền kỹ thuật số riêng mình để đảm bảo tiền nội tệ không bị phá hoại bởi sự phổ biến ngày càng tăng của tiền điện tử. Trong khi đó, điều này đã truyền cảm hứng cho Big Tech để mắt đến các cách thức tham gia thị trường thanh toán. Một trong những cú sốc lớn nhất là khi Facebook thuộc sở hữu của Meta, thông báo vài năm trước rằng họ sẽ tung ra loại tiền ảo riêng cùng với 25 công ty khác cũng đang lên kế hoạch tương tự.
"Nếu chúng tôi không đáp ứng nhu cầu này, thì những người khác sẽ làm điều đó," thành viên Ban điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu Fabio Panetta nói với hãng thông tấn MEP. "Với tư cách là nhà đồng lập pháp, bạn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ thay đổi nào đối với khuôn khổ lập pháp của EU mà có thể cần thiết để giới thiệu một đồng euro kỹ thuật số".
Sắp tới, một cuộc tham vấn cộng đồng sẽ được ban hành từ cơ quan điều hành của EU vào vài tháng tới. Cuộc tham vấn sẽ không lặp lại lời kêu gọi của ECB từ năm 2020, cho thấy quyền riêng tư thanh toán là mối quan tâm hàng đầu của những người được hỏi. Thay vào đó, bảng câu hỏi của Ủy ban Châu Âu sẽ tập trung vào cách sử dụng đồng euro kỹ thuật số, chẳng hạn như xử lý các khoản thanh toán hàng ngày qua loại đồng này, thuận lợi và thách thức…
Đức và Pháp năm ngoái đã thúc giục ECB đẩy nhanh tiến trình này trong bối cảnh lo ngại rằng khu vực đồng euro có thể bị bỏ lại phía sau. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu hành trình hướng tới đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trong khi đó, Bộ Tài chính Ấn Độ đã cam kết sẽ có một phiên bản ảo của đồng rupee vào cuối năm nay.
Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cũng đã đưa đồng euro kỹ thuật số vào chương trình nghị sự chính sách của mình để các bộ trưởng tài chính thảo luận. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên: "Chúng ta phải thúc đẩy với tốc độ tối đa, Tôi tin rằng các nước khu vực đồng euro cần tham gia tích cực hơn vào quá trình này và đóng một vai trò mạnh mẽ hơn".
Mặc dù đồng euro kỹ thuật số chắc chắn sẽ trao quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu, mang lại cho Ngân hàng Trung ương châu Âu sức mạnh trực tiếp kích thích nền kinh tế, nhưng nó cũng sẽ giúp trao quyền cho EU về mặt địa chính trị.
Bất kể những lợi ích được báo cáo, Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để giành lấy sự đồng thuận toàn bộ công chúng. Nghiên cứu do Ủy ban Các vấn đề Kinh tế Vương quốc Anh và ngân hàng trung ương của Đức thực hiện cho thấy, đa số người được hỏi phản đối các loại tiền kỹ thuật số do chính phủ hậu thuẫn với lý do hoài nghi về lợi ích và lo ngại chính phủ kiểm soát tiền tệ quá chặt.
Trong khi đó, tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia đã triển khai các đồng tiền kỹ thuật số của riêng mình. Mới đây, Trung Quốc thông báo thử nghiệm đồng NDT điện tử phục vụ vận động viên và du khách quốc tế tại Thế vận hội mùa đông 2022. Trong khi đó, Nhật Bản sắp sửa phát hành stablecoin theo đồng yên, dự kiến sẽ bắt đầu được sử dụng vào năm 2023, theo Nikkei Asia. Campuchia cũng là một trong những nước đầu tiên trên thế giới có tiền điện tử Bankong được phát hành bởi ngân hàng Trung ương.