Clip: Xuất hiện nhiều điểm sụt lún, bong tróc trên tuyến đường tránh Quốc lộ 1A qua TP. Thanh Hóa.
Ghi nhận của phóng viên Báo Dân Việt, trên tuyến đường này xuất hiện nhiều chỗ bong tróc nền nhựa, nhiều đoạn vệt bánh xe tạo thành rãnh như ruộng rau, có vị trí hằn sâu 5 đến 10 cm. Đa số những chỗ bong tróc, ổ gà xuất hiện tại ngay những vị trí đã được sửa chữa trước đó.
Không chỉ nền đường xuống cấp, bề mặt các cây cầu Đông Hải, cầu vượt quốc lộ 47 qua Khu công nghiệp Lễ Môn, cầu Quán Nam cũng xuất hiện hư hỏng ở các khe co giãn, có những điểm hư hỏng tạo thành kẽ hở lớn tiềm ẩn nguy hiểm cho các phương tiện qua đây.
Theo anh Bùi Gia Sơn (trú tại phường Quảng Thành, TP. Thanh Hóa) chia sẻ, anh Sơn cho biết thường xuyên đi làm qua đoạn đường này, nguy hiểm nhất là mỗi khi trời mưa mặt đường đọng thành những vũng nước, gây trơn trượt hoặc vào buổi tối, người tham gia giao thông khó quan sát các điểm trồi sụt để mà tránh.
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn tránh TP. Thanh Hóa do Công ty cổ phần đường tránh TP. Thanh Hóa đầu tư, được đưa vào sử dụng năm 2009 với tổng chiều dài hơn 10km, chiều rộng nền đường 26 m.
Tuyến đường được thiết kế bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 5 m. Toàn tuyến có 5 cầu, 5 nút giao. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 822 tỉ đồng, theo hình thức BOT.
Theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dự án giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư thì thời gian thu phí hoàn vốn đường tránh TP. Thanh Hóa dự kiến thực hiện trong vòng 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận kéo dài thêm 3 năm.
Tuy nhiên, tháng 8/2017, Bộ GTVT sau khi đánh giá thực tế, cho rằng đơn vị khai thác đã thu hồi quá số vốn đầu tư nên yêu cầu dừng hoạt động trạm BOT Tào Xuyên sau 7 năm 2 tháng.
Cũng từ sau thời điểm này, việc duy tu, bảo dưỡng tuyến tránh TP. Thanh Hoá rơi vào tình trạng bỏ lửng, không được quan tâm. Trong khi lưu lượng phương tiện trên tuyến này rất lớn.
Ông Trịnh Đình Quang - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá cho biết, hiện công nhân vẫn duy trì sửa chữa nhỏ như: dọn vệ sinh, cắt cỏ, thông ống cống. Còn việc sửa chữa nền đường, tu sửa lớn thì đơn vị không có đủ kinh phí. Do đang bị tạm dừng thu phí nên doanh nghiệp không có nguồn tiền để sửa chữa.
Liên quan đến vấn đề này, Cục QLĐB 2, Tổng Cục ĐBVN đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, trong đó yêu cầu Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa rà soát, thực hiện sửa chữa các hư hỏng của công trình để đảm bảo ATGT theo quy định của pháp luật và hợp đồng, đảm bảo chất lượng công trình và ATGT cho đến khi chấm dứt Hợp đồng. Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra tai nạn giao thông do yếu tố kỹ thuật đường không đảm bảo hoặc không được sửa chữa, bảo trì kịp thời theo quy định.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...