Dân Việt

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Nhiều hộ dân chưa chịu giao đất do không đồng ý với giá đền bù

Nha Mẫn 18/02/2022 09:18 GMT+7
Hiện vẫn còn nhiều hộ dân vẫn chưa chịu nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nguyên nhân do chưa đồng ý với giá tiền đền bù đất.

Ngày 18/2, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa có buổi làm việc với các sở ngành và nhiều địa phương cùng Ban Quản lý dự án Thăng Long về tiến độ công tác giải phóng mặt bằng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Mục đích để sớm thực hiện nhiều hạng mục của dự án theo đúng kế hoạch đề ra, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Nhiều hộ dân chưa chịu giao đất do không đồng ý với giá đền bù - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang chạy đua để đưa vào hoạt động vào cuối năm 2022. Ảnh: Tuệ Mẫn

Theo đó, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có chiều dài 51,3km. Dự án này sẽ đi qua các địa phương gồm các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và TP.Long Khánh.

Để thực hiện dự án, Đồng Nai sẽ phải thu hồi diện tích đất hơn 431ha đất thuộc quyền sử dụng của 1.239 hộ dân và 8 tổ chức. 

Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng toàn dự án đã đạt 99,8%. Tuy nhiên vẫn còn 11 hộ dân trên địa bàn huyện Thống Nhất và huyện Cẩm Mỹ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Điều này khiến cho tiến độ dự án phần nào đó bị ảnh hưởng.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây: Nhiều hộ dân chưa chịu giao đất do không đồng ý với giá đền bù - Ảnh 2.

Một đoạn dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc gói thầu XL-04 qua huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai). Ảnh: Tuệ Mẫn

Nguyên nhân khiến các hộ dân tại hai địa phương trên chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng là do chưa đồng ý với giá đất đền bù; mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm; khiếu nại về vị trí đất. 

Những hộ dân này liên tục có phản ánh, mong muốn được đền bù, hỗ trợ một cách thỏa đáng để sớm ổn định cuộc sống.

Về vấn đề này, ông Đức yêu cầu các địa phương trên phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

“Đối với điểm vướng liên quan đến 7 hộ dân ở huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi yêu cầu UBND huyện Cẩm Mỹ củng cố hồ sơ đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, đồng thời vận động các hộ dân đồng thuận với chủ trương, nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Trường hợp các hộ dân không đồng thuận thì chính quyền phải có trách nhiệm thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính thu hồi đất xây dựng kế hoạch cưỡng chế cụ thể thực hiện ngay trong tháng 2/2022. Còn với 4 hộ dân trên địa bàn huyện Thống Nhất, chúng tôi cũng giao Sở TNMT phối hợp các đơn vị có liên quan xem xét báo cáo bằng văn bản để sớm xử lý các kiến nghị của những hộ dân này theo đúng quy định”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo đại diện Ban điều hành dự án thì tổng thể toàn tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang chậm tiến độ từ 4-5,5% so với kế hoạch. 

Tuy nhiên, theo tính toán và quyết tâm của các nhà thầu thì dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản dự án vào ngày 31/12/2022.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2020 và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ hoàn thành sau 24 tháng. Giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam, trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.

Cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay quốc tế Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế-xã hội.