Công việc này được thực hiện đều đặn tới tận năm 131 TCN thì chấm dứt, và vì lý do nào đó mà ngay cả Cicero cũng không rõ. Kể từ đó, trách nhiệm ghi biên niên sử ký được chuyển sang các học giả như Cato (95-46 TCN).
Ngoài những câu chuyện phiếm và truyền miệng, người La Mã thời ấy chưa có bất cứ kênh thông tin chính thống nào để nắm bắt các sự kiện đang diễn ra trên lãnh thổ. Vì thế vào năm 59 TCN, Julius Caesar (100 -44 TCN) quyết định cần phải có một dạng bản tin thường nhật để lấp đầy khoảng trống. Ông cho công bố biên bản của những buổi họp tại Nguyên lão Viện (Senate) trên cùng loại bảng trắng (gọi là album) được dùng để chép biên niên sử như thời trước và đặt ở nơi công cộng, chẳng hạn Công trường La Mã (Forum Romanum) cho dân chúng theo dõi.
Sau khi chiếm được quyền lực gần như tuyệt đối vào năm 45 TCN, Caesar lại quy định rằng tất cả các văn bản sẽ ghi nhớ và công khai những sự vụ tại Nguyên lão Viện, bên cạnh hành vi của dân chúng. Biên niên sử này được gọi bằng cái tên Acta diurna (nghĩa đen là các sự kiện thường nhật) và mang nhiều đặc điểm của báo chí sau này, mặc dù chưa đầy đủ. Nội dung của nó bao gồm những sự vụ tại Nguyên lão Viện, tên tuổi các chấp chính quan (consul) và phán quan (magistrate) cùng nhiều thông tin khác về những vụ phạm tội, các công trình mới được xây dựng, tình trạng sinh đẻ, kết hôn, ly hôn, cáo phó, lễ hội, trò chơi, nơi cung cấp ngũ cốc,… hay cả những hoạt động quân sự.
Acta diurna được xuất bản khá đều đặn mặc dù không phải mỗi ngày. Các nhà ghi chép về sau đã tạo ra nhiều bản sao của nó, bổ sung thêm thông tin và gửi đi khắp nơi. Sau khi Caesar qua đời vì bị ám sát, công việc này vẫn được duy trì bởi Augustus (63 TCN-14 SCN) – vị hoàng đế đầu tiên của Đế chế La Mã (27 TCN -395 SCN) – vì ông nhận thấy nó hữu ích trong vai trò của một công cụ tuyên truyền, định hướng. Tuy nhiên, Augustus đã cho loại bỏ những nội dung về Viện Nguyên lão và thay vào đó là các thông tin, hình ảnh về thành tựu quân sự (giống như những họa tiết trên các mái vòm khải hoàn môn).
Trong cuốn Satyricon, học giả Petronius (27 -66 SCN) và cũng là một vị đại thần thời Nero (37 -68 SCN) đã sáng tác một bản nhại lại Acta diurna với những tin tức kiểu như: “Ngày 26 tháng 7, có 30 bé trai và 40 bé gái ra đời tại điền trang Cumae; 40.000 giạ lúa mì được chuyển từ sân đập vào kho chứa; 500 con bò được buộc ách vào cổ; tên nô lệ từ Mithridates bị đóng đinh vì dám phỉ báng ngài Gaius; 10 triệu sester (tiền La Mã) được sung công khố; một đám cháy xuất hiện tại khu Vườn Pompey, khả năng đã bùng phát từ nhà của viên cai thợ Nasta,…”
Nhà triết học tự nhiên Pliny (23 -79 SCN) đã thuật lại một số nội dung mà ông từng đọc trong Acta diurna như câu chuyện về lòng trung thành của một chú chó, cuộc cãi vã giữa hai gia đình trong một đám tang, hay buổi xét xử tại một phiên tòa,... Còn nhà sử học kiêm chính khách Cassius Dio (155-235) cũng thu thập được câu chuyện về một vị kiến trúc sư tài giỏi đã cứu cả ngôi làng trước nguy cơ sụp đổ, nhưng tên tuổi người này lại bị hoàng đế Tiberius (42 TCN-37 SCN) cấm công bố (có thể do ganh tị). Trong khi triết gia Seneca (4 TCN-65 SCN) theo trường phái khắc kỷ, người cũng đồng thời là một chính khách, lại phàn nàn rằng Acta diurna đã ghi chép quá nhiều vụ ly hôn, …
Công việc xuất bản Acta diurna có lẽ đã được duy trì đến năm 235 SCN, thậm chí lâu hơn – trước khi thủ đô được dời về Constantinople (Istanbul ngày nay) thời Đông La Mã (năm 330 SCN). Nhưng điều đáng tiếc là đã không ai còn giữ được mảnh gốc nào từ Acta diurna, mà nội dung của nó chỉ được đề cập qua các tác phẩm của sử gia Tacitus (56 -120 SCN) hay Suetonius (69-122 SCN),… Tuy nhiên, một điều chắc chắn là bên dưới chân những mẩu tin hay thông báo trong Acta diurna đều có dòng chữ publicare et propagare (công khai và truyền bá) - ngầm chỉ mọi người, cho dù là công dân La Mã hay không, phải có trách nhiệm công khai và phổ biến chúng.