Kể từ khi Tần Thủy Hoàng qua đời, Trung Hoa một lần nữa rơi vào cảnh bạo loạn, các chư hầu xưng bá. Nổi lên trong thời loạn có hai nhân vật xuất chúng hoàn toàn trái ngược nhau.
Đó là Lưu Bang và Hạng Vũ. Hai người đi theo con đường khác nhau, với những sở trường và sở đoản khác nhau, nhưng chỉ có một người có thể thống nhất thiên hạ, lên ngôi hoàng đế.
Lưu Bang nổi tiếng trong sử sách là xuất thân hèn kém, ít học, thời trẻ chỉ thích lông bông, quen ăn chơi đàn đúm, ham mê tửu sắc. Nhưng Tần Thủy Hoàng qua đời tạo cơ hội để ông thâu tóm quyền lực, giống như Hạng Vũ và các chư hầu khác.
Theo các sử gia thời hiện đại, ngoài thời thế tạo anh hùng, Lưu Bang làm nên cơ nghiệp nhờ thuật dùng người vô cùng cao siêu.
Văn thần võ tướng của Lưu Bang phần lớn đều xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Bất cứ ai có tài, Lưu Bang đều sẵn sàng trọng dụng, trao cơ hội.
Ví dụ như Phàn Khoái là đồ tể. Hạ Hầu Anh và Lâu Kính là phu xe ngựa. Chu Bột mưu sinh bằng nghề dệt chiếu kiêm đánh trống hội và trống đám ma.
Quán Anh chuyên buôn vải. Lệ Thực chỉ là học trò nghèo. Bành Việt, Kình Bố vốn là phường lưu mạnh trộm cướp.
Đám đại thần của Lưu Bang đa phần đều có xuất thân bất hảo, nhưng điều kỳ lạ là dưới sự chỉ huy của Lưu Bang, họ đều trở thành những nhân vật xuất chúng.
Điểm mạnh của Lưu Bang được cho là nằm ở khả năng dùng người như thần. Lưu Bang hơn người ở chỗ đã dùng người thì không bao giờ nghi ngờ, còn người nào đã nghi ngờ không bao giờ dùng.
“Chiến thần” bách chiến bách thắng Hàn Tín là một điển hình như vậy. Bởi nếu cứ phụng sự dưới trướng Hạng Vũ, có lẽ Hàn Tín không bao giờ có thể lưu danh sử sách muôn đời.
Theo các sử gia, chính vì sự tín nhiệm, sẵn sàng trao cơ hội mà các các tướng lĩnh, đại thần dưới quyền Lưu Bang mới cảm thấy mình được tôn trọng, dốc sức, trung lòng cống hiến.
Sau khi đoạt được thiên hạ, Lưu Bang đã căn cứ vào công lao đóng góp của từng người mà ban thưởng xứng đáng. Không chỉ phong tước, tặng thưởng cho các công thần, những người mà ông từng “ghét cay ghét đắng” như Ung Xỉ cũng được thưởng.
Ngược lại với hành trình lên ngôi hoàng đế đầy gian khổ của Lưu Bang, Hạng Vũ là người xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc.
Hạng Vũ là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nhà Tần là Vương Tiễn giết. Theo sử ký của Tư Mã Thiên, họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, được phong đất ở Hạng cho nên lấy họ là họ Hạng. Cha Hạng Vũ mất sớm nên ông sống với chú là Hạng Lương.
Khi Tần Thủy Hoàng đi chơi đất Cối Kê, vượt qua Chiết Giang, chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ cùng đi xem. Hạng Vũ trông thấy vua Tần, rồi nói: “Có thể cướp và thay thế hắn!”.
Hạng Lương nghe vậy vội bịt miệng cháu: “Đừng nói bậy! Bị giết cả họ bây giờ!” Đó là lúc mà người ta nhận ra Hạng Vũ là người khác thường.
So với Lưu Bang, Hạng Vũ sớm đạt thành công lừng lẫy hơn, thậm chí còn có những trận đánh ép Lưu Bang vào đường cùng. Nhưng đến cuối cùng, một mình Hạng Vũ thống lĩnh 10 vạn quân không địch nổi với 50 vạn quân do Lưu Bang, Hàn Tín và các tướng dưới quyền thống lĩnh.
Từ trước khi Hán – Sở tranh hùng, Hạng Vũ luôn được khuyên xử lý hài hòa mối quan hệ với Lưu Bang, nhưng ông không bao giờ nghe theo.
Theo các sử gia Trung Quốc, nguyên nhân dẫn tới thất bại nhanh chóng của Hạng Vũ là vì ông không biết lắng nghe lời khuyên chân thành, chuyên quyền độc đoán, nên dù trước đây sự nghiệp có hiển hách, vinh quang, lẫy lừng và oanh liệt tới mấy thì cũng đến hồi thất bại.
Trải qua ngàn đời sau, người Trung Quốc vẫn nhớ đến cuộc đời thăng trầm của Hạng Vũ. Tước hiệu Tây Sở Bá Vương của Hạng Vũ thậm chí còn trở thành tên gọi riêng cho ông. Nhân vật Tôn Sách ở Đông Ngô thời Tam Quốc là một nhân vật anh dũng dị thường giống như Hạng Vũ, nên được gọi là "Tiểu Bá Vương".
Trong Sử ký, sử gia Tư Mã Thiên không giấu sự thán phục đối với Hạng Vũ, đối thủ lớn nhất đời Lưu Bang – hoàng đế khai quốc nhà Hán.
Tư Mã Thiên còn làm riêng "Hạng Vũ bản kỷ", coi ông sánh ngang với các hoàng đế Trung Quốc đầu tiên như Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bang chứ không phải là các chư hầu như Câu Tiễn hay Trần Thắng.
“Hạng Vũ nổi lên từ thời loạn lạc, chỉ trong 3 năm đã bình định chư hầu, tiêu diệt nước Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ tận cổ đến nay, chưa hề có người nào được như thế”, Tư Mã Thiên chép.
Sử gia Trung Quốc thời nhà Hán cũng chỉ ra sai lầm của Hạng Vũ. “Tự khoe khoang công trạng, chỉ dùng cái trí của mình mà không chịu bắt chước người xưa, nói rằng có thể lấy võ lực dẹp yên thiên hạ, dựng nghiệp bá vương. Nhưng chỉ được năm năm thì mất nước, thân chết ở Đông Thành, thế mà còn chẳng tỉnh ngộ, không tự trách mình, thật là có lỗi”.
Trong văn học, thành ngữ Hữu dũng vô mưu thường được dùng để mô tả về Hạng Vũ.
Có thể nói, Hạng Vũ là một trong những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Nhắc đến Hạng Vũ, người ta nhớ đến một người đầy tham vọng, một vị tướng hùng dũng tả xung hữu đột trên chiến trường, nhưng lại chuyên quyền độc đoán và hết sức tàn ác. Về mặt này, Hạng Vũ có một chút gì đó giống với Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.
Ngược lại, Lưu Bang có thể không biết đánh trận, không giỏi binh pháp, không theo quy tắc lễ nghi thông thường của Nho giáo, nhưng ông lại là bậc thầy trong thuật dùng người.
Đó là lý do Lưu Bang trở thành hoàng đế khai quốc nhà Hán, đưa Trung Hoa bước vào giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử, chứ không phải Hạng Vũ.