Dân Việt

Thanh niên sử dụng tài khoản "Bao Can Tho" để chiếm đoạt 3 tỷ đồng tiền từ thiện đối mặt hình phạt nào?

Quang Trung 20/02/2022 14:35 GMT+7
Với số tiền chiếm đoạt 3 tỷ đồng, đối tượng Nguyễn Văn Phúc có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt rất nặng theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Chiếm đoạt 3 tỷ đồng tiền từ thiện

Ngày 20/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Cần Thơ, cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phúc (29 tuổi, ở ngụ tỉnh Kiên Giang) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra, Phúc làm nghề quảng cáo cho các trang Facebook bán hàng online. Đầu năm 2019 đến tháng 4/2020, Phúc sử dụng tài khoản "Nguyễn Minh Minh" đăng bài viết trên mạng xã hội về các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật để kêu gọi ủng hộ tiền từ thiện.

Thanh niên sử dụng tài khoản "Bao Can Tho" để chiếm đoạt 3 tỷ từ thiện đối mặt hình phạt nào? - Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Văn Phúc. Ảnh: CACC

Sau khi tài khoản này bị khóa do vi phạm chính sách của Facebook, Phúc mua tài khoản Facebook "Nguyễn Ngọc", tiếp tục đăng các trường hợp nói trên. Cảnh sát xác định Phúc đổi tên tài khoản "Nguyễn Ngọc" thành "BAO CAN THO" để mọi người lầm tưởng đây là tài khoản của Báo Cần Thơ.

Nhiều người sau đó đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Phúc cung cấp để ủng hộ các trường hợp nói trên. Tuy nhiên, Phúc đã chiếm đoạt tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Quá trình điều tra, Phúc khai nhận từ đầu năm 2019 đến nay, anh ta chiếm đoạt 3 tỷ đồng.

Hình phạt nào cho Nguyễn Văn Phúc?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động từ thiện là rất nguy hiểm cho xã hội, hành vi không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của người dân vào lòng tốt và sự tử tế của con người.

Bởi vậy các đối tượng lừa đảo thông qua hoạt động kêu gọi từ thiện sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc. Với số tiền chiếm đoạt  3 tỷ đồng, đối tượng Nguyễn Văn Phúc có thể sẽ phải đối mặt với khung hình phạt đến 20 năm tù hoặc tù chung thân theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Cường cho biết, ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, với các thiết bị thông minh có kết nối internet, các dịch vụ viễn thông, dịch vụ hàng trực tuyến phát triển, việc tiếp cận thông tin về những người có hoàn cảnh khó khăn và việc chuyển tiền để giúp đỡ, ủng hộ được thực hiện rất dễ dàng.

Không ít người đã đứng ra kêu gọi từ thiện và huy động được số tiền rất lớn, thậm chí có những người coi từ thiện như một "nghề" kiếm sống. Kêu gọi từ thiện là một hoạt động xúc tiến hoạt động từ thiện, người đứng ra kêu gọi chưa chắc đã phải là người có tiền.

Họ cung cấp thông tin của người cần được giúp đỡ và tiếp nhận tiền của người khác để trao lại cho người đang gặp khó khăn. Rất nhiều người có lòng hảo tâm, có điều kiện kinh tế, bởi vậy việc kêu gọi có thể nhận được rất nhiều tiền khiến cho người kêu gọi từ thiện hoa mắt, bị cám dỗ  rồi nảy sinh ý định chiếm đoạt.

Có những trường hợp chiếm giữ số tiền đó mà cả người chuyển tiền và người nhận tiền đều không biết. Hay có những đối tượng gian manh hơn, giả mạo tài khoản, giả mạo thông tin để nhận tiền rồi chặn tài khoản, mất hút trên mạng xã hội...

Theo Tiến sĩ Cường, tất cả các hành vi gian dối, đưa ra thông tin không đúng sự thật để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên đều là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sẽ bị xử lý hình sự.

Còn đối với những trường hợp mặc dù ban đầu không gian dối nhưng sau khi nhận được tiền mới gian dối về việc đã trao tiền từ thiện hoặc gian dối về tài liệu thể hiện đã chuyển tiền từ thiện thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi này nếu chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này là 20 năm tù.

Còn với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chế tài cao nhất là tù chung thân. Sự khác nhau giữa hành vi lừa đảo với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là yếu tố gian dối có trước hay có sau thời điểm nhận tiền.

Quay lại vụ việc lừa đảo của Nguyễn Văn Phúc, đối tượng đã có mục đích chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin từ trước nên đã đưa ra những thông tin gian dối về các trường hợp khó khăn, sau khi nhận được tiền đã chiếm đoạt số tiền đó nên hành vi này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

"Những vụ án như thế này không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn tác động tiêu cực đến đạo đức, suy nghĩ của con người, khiến nhiều người mất niềm tin vào lòng tốt.

Cơ quan chức năng cần phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo cho lòng tốt của con người được đặt đúng chỗ" – Tiến sĩ Cường nhấn mạnh.


Bạn đọc đang đọc bài viết "Thanh niên sử dụng tài khoản "Bao Can Tho" để chiếm đoạt 3 tỷ từ thiện đối mặt hình phạt nào?" đăng tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666.