Hội thi Sáng tạo nhà nông năm 2020-2021 ở tỉnh Bình Định đã sơ tuyển và xét chọn 16 giải pháp từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dự thi, trong đó, 11 giải pháp được Ban tổ chức hội thi trao giải.
Giải pháp kỹ thuật "Máy băm thân cây phục vụ chăn nuôi, khung bằng nhựa" của ông Nguyễn Ngôn (ở khu phố Vĩnh Phụng 2, phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn) đã đoạt giải Nhất. Ông Nguyễn Ngôn phấn khởi cho biết: "Mỗi lứa lợn của nhà ông có khoảng 50 con. Nếu dùng phương pháp thủ công để băm rau, thân chuối chế biến thức ăn khá vất vả và tốn thời gian. Xuất phát từ nhu cầu đó, ông đã nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy băm rau, thân cây.
Ban đầu, ông chế tạo máy bằng sắt nhưng dùng một thời gian ngắn là thân máy bị gỉ sét, hư hỏng. Ông nhận thấy mủ của rau, của thân cây chuối là tác nhân làm gỉ sét. Để khắc phục, ông Ngôn đã mạnh dạn thay thế vật liệu sắt bằng vật liệu nhựa để chế tạo máy.
Ngoài việc sử dụng cho gia đình, ông Nguyễn Ngôn cũng chế tạo theo đơn đặt hàng của khách. Từ đầu năm 2021 đến nay, ông đã bán được 40 máy, với giá 2,5 triệu/máy. Sau cải tiến, người dùng đều hài lòng, có phản hồi tốt về tính năng hoạt động của máy và thêm nhiều người đặt mua.
Cùng đồng hạng giải Nhì là 2 giải pháp của bà con ở huyện Phù Mỹ. Đó là máy cắt rễ, lá cây gia vị (kiệu và hành hương) hoạt động bằng mô tơ điện của ông Cao Văn Hoàng (ở xã Mỹ Quang) và máy xới đất và lên luống, lên dòng của ông Nguyễn Minh Tấn (ở xã Mỹ Lộc).
Cũng sáng tạo bắt nguồn từ thực tế sản xuất, xe phun thuốc trừ sâu của ông Hồ Ngọc Dũng (ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) đã đoạt giải Ba.
"Trang trại của tôi rộng 10 ha trồng các loại cây ăn trái, như: bưởi da xanh, quýt đường, cam, ổi; định kỳ phải phun thuốc 20 - 30 ngày/lần. Trước đây, phun thuốc bằng bình đeo lưng phải tốn rất nhiều công lao động, lắm khi tìm cũng không có công phun. Để vừa chủ động, tiện dụng trong việc phun thuốc trừ sâu phòng ngừa, bảo vệ diện tích cây ăn trái trong trang trại vừa đảm bảo kỹ thuật cây trồng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, tôi nghĩ đến chuyện làm xe phun thuốc. Với xe phun, mỗi lần phun, tôi tiết kiệm được 360 công lao động/10 ha", ông Dũng cho biết thêm.
Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định nhìn nhận: Hàng năm, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh với Sở KHCN, hai đơn vị đều tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân trong việc sáng tạo, ứng dụng nhiều hơn nữa KTKT, công nghệ mới vào sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nông sản.
Trao giải hội thi Sáng tạo nhà nông năm 2020 - 2021, ở Bình Định có giải pháp được đầu tư công phu, sáng tạo, cũng có giải pháp rất đơn giản. Dù vậy điểm chung là tất cả đều rất thiết thực, giải quyết được nhiều vấn đề của sản xuất và đời sống.
Điểm mới nữa là trong lần phát động cuộc thi Sáng tạo nhà nông ở tỉnh Bình Định năm 2022 là Hội ND tỉnh và Sở KHCN đã thống nhất nâng mức khen thưởng các giải đạt trong Hội thi Sáng tạo nhà nông cao hơn trước.